Hà Nội: Sốt xuất huyết tăng mạnh, bệnh nhân phần đông là người lớn

(Dân trí) - Với hơn 1.500 ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tính đến thời điểm hiện tại, số mắc sốt xuất huyết của Hà Nội hơn 3,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

 

1-sxh-1441786389688
Một bệnh nhân SXH theo dõi tại BV Đại học Y Hà Nội. Ảnh: H.Hải

 

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, cả thành phố ghi nhận hơn 1.500 ca mắc sốt xuất huyết. Với số mắc này, Hà Nội hiện đứng top 6 toàn quốc về số ca mắc SXH, tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2014.

Mùa dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội bất đầu từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm. Vì thế, thời điểm này tại Hà Nội số bệnh nhân bắt đầu có xu hướng tăng. Trong khi tháng 1 chỉ ghi nhận 21 ca SXH, tháng 2 là 1 ca, tháng 3, tháng 4 mỗi tháng 15 ca thì từ tháng 5, số bệnh nhân bắt đầu tăng lên với 69 ca. Đặc biệt số ca liên tục gia tăng trong tháng 7 và tháng 8, từ 359 ca tăng lên 633 ca và đang tiếp tục có xu hướng gia tăng.

Về đối tượng mắc SXH tại Hà Nội chủ yếu  gặp ở người lớn, ở trẻ em dưới 15 tuổi tỉ lệ mắc rất thấp, chỉ chiếm 13%. Ở các quận nội thành như quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Đông và huyện ven nội đang đô thị hóa nhanh như Thanh Trì tập trung số bệnh nhân đông nhất.

Theo ông Hạnh, diễn biến thất thường của thời tiết, nóng bức mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Nếu không diệt được muỗi, không loại bỏ được nguồn muỗi đẻ trứng thì vẫn còn SXH. Trong khi đó, hoạt động chính của công tác phòng bệnh là vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và phun hóa chất diện rộng hiệu quả còn chưa cao bởi chưa có sự hợp tác của người dân.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, trong các chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi, số hộ gia đình từ chối phun hóa chất, không hợp tác với cán bộ y tế là 18%, số hộ vắng mặt 18%… Nhiều trường hợp cán bộ y tế xin vào nhà phun thuốc diệt muỗi, kiểm tra vệ sinh môi trường diệt bọ gậy… thì dân không cho vào. Khi bị SXH không khai báo cho cán bộ y tế địa phương để khống chế ổ dịch. Trong khi đó SXH lây qua đường muỗi đốt người bị bệnh. Thời điểm 5 ngày đầu mắc SXH là có nguy cơ lây cao nhất. Dân chưa chủ động và thực hiện thường xuyên việc diệt bọ gậy trong và xung quanh nhà mình. Bên cạnh đó, kiến thức về bệnh của người dân vẫn còn hạn chế, ví dụ: Nghĩ nhà sạch là sẽ không có muỗi; Nghĩ việc phòng bệnh chủ yếu là phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành, coi nhẹ việc VSMT, diệt bọ gậy trong và xung quanh nhà.

“Chỉ 64% hộ gia đình hợp tác với cán bộ y tế đi phun hóa chất diệt muỗi phòng bệnh. Đây là khó khăn lớn cản trở công tác phòng chống dịch bệnh này”, ông Hạnh nói.

Theo phân tích của ông Hạnh, trong cùng một khu vực nếu còn một số hộ không phun hóa chất diệt muỗi thì muỗi từ những hộ này vẫn sinh sôi nảy nở, bay sang các hộ bên cạnh lây truyền bệnh.

Vì thế, để phòng chống SXH, ngành y tế kêu gọi người dân phối hợp cùng ngành y tế. Theo đó, người dân cần bỏ tập quán trữ nước nhưng không thả cá diệt bọ gậy. Thường xuyên để ý, đổ nước lọ hoa trên bàn thờ, lọ hoa để lâu ngày. Dọn sạch các dụng cụ có thể gây đọng nước như chậu cây cảnh, chai lọ, vỏ lon nước ngọt; úp ngược các dụng cụ chứa nước… để không có môi trường cho bọ gậy phát triển.

Trước diễn biến dịch SXH phức tạp trên toàn quốc, Bộ Y tế cũng khuyến cáo, kêu gọi người dân cùng ngành y tế chống dịch. Đặc biệt ở thời điểm này, khi đột ngột sốt cao liên tục không nên chủ quan điều trị ở nhà mà hãy đến cơ sở y tế khám để được bác sĩ tư vấn, dặn dò theo dõi.

Khi được bác sĩ dặn dò theo dõi dấu hiệu, tái khám, người dân sẽ biết cách nhận biết tốt dấu hiệu nguy cơ, thời điểm cần đến BV khi bị SXH. Bởi thực tế tuy nguy hiểm nhưng phần lớn các trường hợp SXH có thể chăm sóc tại nhà bằng cách uống paracetamol hạ sốt, nghỉ ngơi, tránh vận động nặng, cho ăn cháo, súp, sữa, uống nhiều nước; chỉ khi có những diễn biến nặng mới cần nhập viện điều trị.

Tú Anh