Hà Nội: Sẽ đăng kí tiêm vắc xin Pentaxim qua website, thư điện tử

(Dân trí) - Sau sự cố chen lấn đến nghẹt thở tại điểm tiêm vắc xin 182 Lương Thế Vinh, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng liên quan cùng các đơn vị tiêm chủng đã họp và thống nhất sẽ tổ chức đăng kí tiêm điện tử.

 

Hà Nội: Sẽ đăng kí tiêm vắc xin Pentaxim qua website, thư điện tử - 1

Tại cuộc họp đang diễn ra ở Bộ Y tế, TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cho biết, các đơn vị đã thống nhất tiến hành phương án đăng kí qua website hoặc địa chỉ email hay một hình thức điện tử nào đó, đảm bảo người dân không phải xếp hàng, chen lấn.

Trong chiều 26/12 các đơn vị sẽ chốt hình thức đăng kí trên website của các đơn vị. Theo đó sẽ có hướng dẫn cụ thể người dân làm như thế nào để đăng kí, đăng kí được rồi thì ngày giờ nào sẽ đi tiêm, tiêm ở đâu? Khi đi cần mang theo giấy tờ gì để đảm bảo tiêm đúng đối tượng, hạn chế thấp nhất nguy cơ trục lợi.

PGS.TS Trần Đắc Phu cũng cho rằng khó nhất khi tổ chức tiêm vắc xin là ở khâu đăng kí. Vì thế, phải tính phương án đăng kí làm sao thuận lợi, không để cảnh xếp hàng, chen lấn và hẹn lịch tiêm, không để các bà mẹ phải bồng bế con đợi chờ, trẻ có thể chưa kịp tiêm vắc xin đã ốm vì rét, mưa lạnh.

Miễn dịch của vắc xin vô bào kém hơn vắc xin toàn tế bào

Trước cuộc họp báo lãnh đạo BYT cũng đã họp với các điểm tiêm ở Hà Nội. Ông Phu cho biết, tổng kết một năm có 4,5 triệu liều tiêm Quinvaxem được tiêm cho trẻ chỉ chưa đến 10% là tiêm dịch vụ vắc xin 5 trong 1, 6 trong 1.

Hiện chỉ khan hiếm 2 vắc xin Pentaxim và 6 trong 1, nhưng không phải là vì thế mà trẻ không được tiêm vắc xin. Ví như ngay trong giai đoạn khan hiếm vắc xin dịch vụ, tổ chức tiêm Quinvaxem ở điểm dịch vụ riêng tại Hà Nội đã đạt trên 50.000 liều.

Nói về phản ứng của 2 loại vắc xin Quinvaxem và Pentaxim, ông Phu cho biết các bà mẹ thường quan ngại phản ứng tại chỗ của Quinvaxem như sốt nóng, sưng đau tại chỗ và phản ứng nặng sau tiêm. Tuy nhiên, thực tế là phản ứng nặng của Pentaxim và Quinvaxem là giống nhau.

Ông Phu cũng bày tỏ quan ngại về miễn dịch cộng đồng kém nếu không tổ chức tiêm tốt vắc xin vô bào (pentaxim) và khẳng định tiêm chủng mở rộng vẫn là ưu tiên hàng đầu. “Không thể chỉ vì vài trăm nghìn liều vắc xin dịch vụ mà khiến toàn dân quay lưng lại với Quinvaxem vì như thế chắc chắn dịch bùng phát”.

Chưa kể, có những lô vắc xin dịch vụ công ty sản xuất kiểm nghiệm cho thấy chỉ tiêu miễn dịch không đáp ứng.  Các chuyên gia cũng khẳng định vắc xin vô bào miễn dịch kém hơn vắc xin toàn tế bào. Do đó, ông Phu lo ngại nếu tỉ lệ sử dụng vắc xin dịch vụ tăng lên 60-70% thì miễn dịch cộng đồng sẽ kém.

Để dẫn đến sự cố như ở BV ĐH Quốc Gia là không được!

Ông Phu khẳng định bất cứ thời điểm nào ngành y tế cũng phải phục vụ tốt nhất do đó, để xảy ra sự cố như ở Phòng tiêm chủng và dịch vụ Polyvac – VNUH (Bệnh viện ĐH quốc gia Hà Nội) là không được.

"Quán triệt số 1 trong ngày hôm nay, các điểm tiêm phải nghĩ giải pháp để tổ chức tiêm chủng tốt và an toàn. Tiêm hàng trăm liều một lúc không đảm bảo an toàn rất nguy hiểm", TS Phu chỉ đạo.

Theo ông Phu, các phương án từ đăng kí web, gọi điện từng người...đều được tính đến nhưng cái gì cũng có ưu có nhược. Phải tìm ra phương án để diễn ra đăng kí trong trật tự, hạn chế tình huống "thuê" người đi đăng kí, đảm bảo không có tình trạng "cò" vắc xin, vắc xin đi lòng vòng.

Khâu đăng kí quan trọng nhất sẽ có công an hỗ trợ trật tự và tuyệt đối không bế trẻ con đi theo. Trẻ chưa kịp tiêm đã ốm vì mưa rét.Trên cơ sở đăng kí tại các điểm tiêm chủng phải hẹn lịch tiêm để người dân không phải chịu cảnh chờ đợi, xếp hàng và phải khám sàng lọc kĩ càng trước tiêm chủng.

Về tiêm vắc xin dịch vụ, thống nhất tiêm nhắc lại cho các cháu mũi 2, 3 và những trẻ tiêm đúng lịch đầu tiên. Phải giải thích cho người dân không được chờ đợi. Tiêm mũi 1 xong, đúng 1 tháng sau phải đến tiêm tiếp, thời điểm đi tiêm mà không có vắc xin dịch vụ sẽ tiêm Quinvaxem vì phải tiêm đúng lịch mới hiệu quả phòng dịch. Hơn nữa tiêm Quinvaxem miễn dịch tốt đã được chứng minh.

Sẽ làm đến tận cùng nếu phát hiện tuồn vắc xin ra ngoài

Ông Phu khẳng định, không chỉ ngành y tế mà cả công an sẽ tham gia cùng ngành y tế trong vấn đề này. Nếu bất cứ người dân nào phát hiện cán bộ y tế tuồn vắc xin ra ngoài để tiêm dịch vụ, tiêm xách tay với giá cao thì cần phản hồi ngay lại Bộ Y tế. Khi đó, ngành y tế sẽ đề nghị cả công an vào cuộc làm ra tận cùng.

Theo TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, nếu không kiểm soát tốt sẽ dẫn đến tình trạng không có vắc xin cũng khổ mà có rồi thì còn khổ.

Do đó 161 điểm tiêm chủng có vắc xin dịch vụ trên toàn quốc đã được công khai. Đơn vị nào không có tên trong danh sách này mà làm là vi phạm.  Việc công khai này là để tránh trường hợp lợi dụng cò mồi làm dịch vụ.

TS Cường khẳng định giá hiện nay vẫn không tăng, đúng 630.000đ/liều và nếu phát hiện nhà cung ứng nào bán ra hơn giá này sẽ rút không cho nhập khẩu.. “Tăng 1 đồng bây giờ có thể hợp lý vì giá đô tăng, nhưng dư luận sẽ cho rằng lợi dụng hiếm mà tăng giá. Vì thế thời điểm này không tăng. Trước đây chúng tôi cho cơ chế tăng để khuyến khích đơn vị nhập khẩu nhập về nhưng muốn nhập cũng không có hàng chứ không phải là vì giá".

Bộ Y tế sẽ tăng cường giám sát nguồn hàng "xách tay" vì không đảm bảo chất lượng. Vắc xin trong nước đầu ra đầu vào giám sát chặt, nếu chênh ra liều nào phải kiểm tra vì nguy cơ trà trộn hàng xách tay.

Tìm nguồn nhập vắc xin

Cục Y tế dự phòng khẳng định Hàn Quốc cung cấp Quinvaxem cho 122 nước trong đó có 94 nước sử dụng như Việt Nam.

Tuy nhiên, trước nhu cầu của người dân, Bộ Y tế luôn khuyến khích cho nhập vắc xin vô bào nếu doanh nghiệp nào tìm được nguồn; cho cơ chế tăng giá theo tỉ lệ quy định để nhà nhập khẩu xông xáo, tích cực hơn, nhưng nguồn cung không có.

Tuy nhiên, việc thiếu vắc xin vô bào là trên toàn cầu, hoàn toàn có thể kiểm chứng được. Bộ Y tế tham khảo các nhà sản xuất ở nhiều nước, như Nhật Bản nhưng họ chỉ đủ cung ứng trong nước.  Ngay ở Pháp cũng đang thiếu vắc xin, nhưng họ rất linh hoạt, không có vắc xin này thì dùng vắc xin khác. Không có vô bào dùng toàn tế bào.

Tuy nhiên, một điểm sáng là vắc xin 6 trong 1 đang triển khai thử nghiệm ở Thái Bình cho 354 trẻ. Đây là loại vắc xin đã được sử dụng tại nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên khi vào Việt Nam phải theo quy trình kiểm nghiệm lâm sàng. Theo đó, nhóm trẻ cuối cùng sẽ được tiêm mũi 3 vào tháng 2.2016 sau 28 ngày sẽ đánh giá kháng thể. Nếu được chấp nhận có thể nghiệm thu giưa  kỳ và tháng 6/2016 cho phép lưu hành. Còn nếu không được đồng ý, phải thực hiện theo đúng quy định, đó là chờ đến tháng 2.2017, sau khi tiêm mũi 4 xong rồi mới đánh giá có đưa vào lưu hành không theo đúng quy định.

"Tuy nhiên trong năm 2016, đến giờ này không có thêm bất cứ nguồn nào khác ngoài 40.000. Vì thế, người dân phải rất linh hoạt, không nên chờ đợi, khi có dịch vụ có nhu cầu có thể tiêm, còn khi không có cần cho trẻ đi tiêm chủng mở rộng, vắc xin luôn sẵn sàng để bảo vệ trẻ trước các bệnh lý nguy hiểm", TS Cường nói.

Hồng Hải