Hà Nội nhờ công an phối hợp truy tìm thịt bò giả

(Dân trí) - Ngay sau khi có thông tin thịt bò giả làm từ thịt lợn xuất hiện trên địa bàn Hà Nội, cơ quan chức năng đã vào cuộc truy tìm các “điểm đen” được phản ánh bán thịt bò giả.

Ngày 8/10, Sở Y tế Hà Nội đã có báo cáo nhanh về việc kiểm tra, thị sát 3 chợ lớn để biết thực hư thông tin thịt lợn được “hô biến” thành thịt bò.


Hà Nội đang kiểm tra thực hư hiện tượng thịt bò giả được làm từ thịt lợn.

Hà Nội đang kiểm tra thực hư hiện tượng thịt bò giả được làm từ thịt lợn.

TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, đã phối hợp với Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND quận Bắc Từ Liêm, UBND huyện Phúc Thọ kiểm tra tại 3 chợ Minh Khai, Cổ Nhuế và chợ Gạch.

Tại chợ quận Bắc Từ Liêm có 40 hộ kinh doanh thịt gia súc, gia cầm trong đó có 4 hộ kinh doanh thịt bò . Đoàn đã làm việc với hộ của bà Trịnh Ngọc Anh. Mỗi ngày bà Anh bán ra khoảng 100kg thịt bò. Theo chủ hộ, nguồn bò được lấy từ chợ Hải Bối, có tem kiểm tra vệ sinh thú y. Quầy hàng cũng đã xuất trình bản cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm tuy nhiên hộ này không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Tại chợ Cổ Nhuế có 20 hộ kinh doanh thịt gia súc gia cầm, trong đó có 04 hộ kinh doanh thịt bò.

Đặc biệt tại đây có hộ kinh doanh mà chương trình Chuyển động 24h phản ánh về việc thịt lợn đội lốt bò. Đó là hộ kinh doanh của bà Vũ Thị Phương (bán trước cửa nhà số 27 ngõ 103 đường Cổ Nhuế, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, sát khu vực chợ Cổ Nhuế). Tuy nhiên liên tiếp trong hai buổi sáng kiểm tra ( lúc 9 giờ sáng ngày 5 – 6/10) hộ kinh doanh này đã tạm dừng hoạt động.

Kiểm tra chợ Gạch - huyện Phúc Thọ có 35 hộ kinh doanh thịt gia súc, gia cầm, trong đó có 02 hộ kinh doanh thịt bò.

Kiểm tra tại hộ kinh doanh Nguyễn Quang Thái, địa chỉ Thôn Dục, Thọ Lộc, Phúc Thọ cho thấy hộ này kinh doanh các sản phẩm thịt bò, thịt lợn, thịt gà và một số mặt hàng khác như mía, rau theo nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên hộ này không xuất trình được giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y.

Chủ hộ cũng cho biết nguồn thịt được nhập từ bà Nguyễn Thị Bích Ngọc và Nguyễn Thị Giang tại Chợ Nghệ - Sơn Tây nhưng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của thực phẩm.

Tại thời điểm kiểm tra gần trưa ngày 6/10, trong tủ đông lạnh có xương bò và 01 túi nilon đựng khoảng 01kg thịt lợn, không phát hiện có thịt lợn giả thịt bò.

Đoàn Kiểm tra của huyện Phúc Thọ đã yêu cầu ông Thái dừng việc kinh doanh từ 11h30 phút ngày 06/10/2016, chỉ được kinh doanh thực phẩm khi thực hiện đầy đủ các điều kiện đảm bảo ATTP theo quy định, tiếp tục báo cáo làm rõ các nội dung liên quan đến việc kinh doanh thực phẩm.

TS Hiền cho biết thêm Sở Y tế cũng đã làm việc với lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Sở Công Thương; Lãnh đạo UBND quận Bắc Từ Liêm và Huyện Phúc Thọ về vấn đề này.

Theo đó các bên thống nhất, đề nghị UBND quận Bắc Từ Liêm, huyện Phúc Thọ tiếp tục kiểm tra, xác minh thông tin, làm rõ vấn đề “thịt lợn phù phép thành thịt bò” có hay không trên địa bàn. Phải xử lý vi phạm (nếu có) đối với các hộ kinh doanh thịt gia súc trên địa bàn.

Sở Y tế cũng đề nghị Công an phối hợp, mời phóng viên thực hiện phóng sự phản ánh hiện tượng thịt lợn được lên đời thành thịt bò hợp tác, cung cấp thông tin để có cơ sở xử lý vi phạm theo quy định.

Đồng thời yêu cầu làm rõ trách nhiệm của BQL 02 chợ thuộc quận Bắc Từ Liêm, đơn vị quản lý chợ Gạch – huyện Phúc Thọ trong công tác đảm bảo ATTP, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trước đó, hồi tháng 4/2016 Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm quốc gia cũng công bố trong số 44 mẫu thịt bò tươi được lấy ngẫu nhiên tại chợ, siêu thị để kiểm nghiệm có 35 mẫu là thịt bò, còn lại 1 mẫu là thịt trâu và 8 mẫu là thịt lợn.

Tại 10 hàng phở, 10 mẫu thịt bò nấu phở cũng đã được lấy kiểm nghiệm thì có 2 mẫu là thịt lợn giả bò, còn lại 8 mẫu là hàng thật. Còn với nạm bò, thì có 2 mẫu là thịt lợn “đội lốt” thịt bò, 10 mẫu là nạm bò thật.

Tú Anh