Chưa có bằng chứng hai anh em ruột tử vong trong vòng nửa tháng lây truyền Whitmore cho nhau

(Dân trí) - Chiều 18/11, trả lời báo chí bên lề Hội nghị phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân, TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội cho biết, qua điều tra dịch tễ 2 trường hợp anh em ruột tử vong trong vòng nửa tháng vì nhiễm khuẩn Whitmore không phát hiện bất thường, chưa đủ bằng chứng hai cháu bé lây nhau.

TS Cảm cho biết, hai bệnh nhi này đều là nam giới, một cháu sinh năm 2014, một cháu sinh năm 2018. "Việc hai cháu bị bệnh cách nhau thời gian ngắn, cùng địa điểm, trong một gia đình là điều đáng quan tâm. Vì thế, chúng tôi đã ngay lập tức tiến hành điều tra dịch tễ về trường hợp này", TS Cảm thông tin.

Chưa có bằng chứng hai anh em ruột tử vong trong vòng nửa tháng lây truyền Whitmore cho nhau - 1

TS.BS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hà Nội cho biết kết quả điều tra dịch tễ ban đầu chưa phát hiện bằng chứng hai bệnh nhi lây truyền Whitmore cho nhau. Ảnh: H.Hải

Kết quả điều tra dịch tễ ban đầu cho thấy chưa có gì đặc biệt. Bố mẹ các bệnh nhi khoẻ mạnh, làm việc ở Khu công nghiệp Quang Minh.  Với gia đình không có gì bất thường. Tại trường học và hàng xóm chung quanh cũng không có trường hợp mắc bệnh tương tự.

"Trong khi đó, vi khuẩn whitmore tồn tại trong đất, xâm nhập qua vết thương do tiếp cú trực tiếp hoặc sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. Để phòng bệnh cần giữ vệ sinh cá nhân, sử dụng trang thiết bị bảo hộ khi tiếp cận nguồn ô nhiễm. Khi có biểu hiện bệnh cần tới cơ sở y tế để khám, điều trị. Người dân không quá hoang mang vì bệnh không gây thành dịch và số mắc ít. Đặc biệt, những người bệnh lý sẽ có có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn, người mạnh khoẻ miễn dịch tốt ít có nguy cơ nhiễm bệnh", TS Cảm cho biết.

Về trường hợp cậu em út (sinh năm 2018) vừa tử vong tại Bệnh viện Nhi Trung ương hôm 16/11, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: "Cháu bé tử vong do sốc nhiễm khuẩn bởi vi khuẩn Whitmore. Vi khuẩn này mức độ kháng kháng sinh không phải vấn đề trầm trọng, nhưng đáp ứng của mỗi cá thể lại khác nhau.

Với em bé này, lúc đầu vào viện chỉ sốt, rét run nhưng với tiền sử đặc biệt có anh trai vừa tử vong trước đó 15 ngày vì bệnh Whitmore, bệnh nhi ngay lập tức được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực điều trị. Sau điều trị kháng sinh bệnh nhi ổn hơn, sốt giảm. Tuy nhiên, cơn sốc quay trở lại rất nhanh, em bé sốc nhiễm khuẩn chảy máu, mất bù nhanh, can thiệp không hiệu quả và đã không thể qua khỏi".

PGS Điển nhấn mạnh, hai trẻ tử vong có tính chất trong một gia đình, trong vùng không ghi nhận bệnh nhân tương tự. Vì vậy, câu hỏi đặt ra liên quan đặc điểm dịch tễ của gia đình gồm: môi trường ăn, môi trường uống, môi trường nước sinh hoạt, không khí, đất cát khu vực xung quanh.

"Chúng tôi cũng đã xét nghiệm miễn dịch nhưng trẻ không có gì bất thường. Xét nghiệm chức năng bạch cầu đều thấy trong giới hạn bình thường", PGS Điển thông tin.

TS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, cả hai anh em bệnh nhân đều vào viện trong tình trạng sốt, tiêu chảy, dùng kháng sinh mạnh nhưng không đáp ứng.

"Người anh của bệnh nhi cũng diễn biến nặng như em, ngày 3 - 4 bệnh rất nặng, chúng tôi đã phải làm tim phổi nhân tạo nhưng em bé cũng không qua khỏi. Đến người em sinh năm 2018, diễn biến nặng cũng rơi vào ngày 3 - 4", TS Tuấn nói.

Cũng theo TS Tuấn, với bệnh Whitmore, vi khuẩn này khó gây bệnh ở trẻ khoẻ bình thường, người lớn mạnh khoẻ. Bệnh có nguy cơ cao ở những người miễn dịch kém, người bệnh đái tháo đường, có kèm sẵn các bệnh mãn tính... Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm của hai anh em sau tử vong đều cho thấy dương tính với vi khuẩn Whitmore.

TS Nguyễn Nhật Cảm thông tin thêm, dù kết quả điều tra ban đầu chưa có gì bất thường, nhưng Hà Nội tiếp tục phối hợp với VIện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, các viện, cục để tiến hành điều tra kỹ lưỡng các yếu tố dịch tễ cũng như nghiên cứu và tìm hiểu sâu hơn, theo dõi sát tình hình diễn biến của bệnh để có khuyến cáo kịp thời cho người dân.

"Chúng tôi đã tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân về căn bệnh, để người dân tránh hoang mang. Tuyên truyền biện pháp vệ sinh, tiến hành các bước khử khuẩn, phòng tránh như vệ sinh cá nhân, ăn chín uống sôi. Khi tiếp xúc với đất cần dùng trang bị bảo hộ. Khi có biểu hiện bệnh thì cần đến cơ sở y tế sớm nhất", TS Cảm cho biết.

Hồng Hải