Hà Nội: Càng chậm tăng viện phí, người bệnh càng thiệt!

(Dân trí) – Trong khi các bệnh viện trên cả nước đã áp dụng viện phí mới gần 1 năm nay, thì tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, viện phí mới vẫn chưa được áp dụng. “Duy trì viện phí cũ càng lâu, người bệnh càng thêm khổ”, Bà Nguyễn Phạm Ý Nhi bày tỏ.

Bỏ tiền túi đóng chênh lệch

Bà Nguyễn Phạm Ý Nhi cho rằng, việc kéo dài mức thu viện phí cũ ban hành từ năm 1995 chỉ làm người bệnh khổ. “Phần lớn người Hà Nội đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các BV trực thuộc Sở Y tế Hà Nội nên thiệt thòi trước hết thuộc về những đối tượng này. Trong khi đó cùng chung một địa bàn, cùng thực hiện các kỹ thuật, dịch vụ như nhau nhưng các BV Trung ương đã được điều chỉnh viện phí, còn các BV Hà Nội vẫn phải áp dụng mức giá viện phí cũ, quá thấp, không đáp ứng yêu cầu điều trị và người bệnh phải bỏ tiền túi ra để thanh toán mức đóng chênh lệch.
 
Hà Nội: Người dân phải đóng tiền chênh lệch khi đi khám bệnh
Với giá viện phí cũ, người bệnh phải bỏ tiền túi nhiều hơn để thanh toán các khoản chênh lệch. Ảnh: H.Hải

 
“Với mức viện phí cũ được xây dựng từ năm 1995, giá một ngày giường được BHYT thanh toán tại BV Xanh Pôn, nơi thấp nhất là khoa Đông Y 5.000 đồng/ngày, khoa cao nhất là Hồi sức cấp cứu 12.000/ngày. Trong khi đó, chi phí thực tế giường bệnh (mới chỉ tính 3/7 yếu tố cấu thành viện phí) thì giường bệnh thường đã khoảng trên dưới 100.000 đồng/ngày, giường Hồi sức đã hơn 150 nghìn/ngày và người bệnh sẽ phải bỏ tiền túi thanh toán mức chênh lệch”, ông Nguyễn Thống Nhất, Trưởng Phòng Tài chính kế toán (BV Xanh Pôn) phân tích.

Ông Nhất cho biết thêm: “Cảnh người dân Hà Nội đi khám bệnh, phải nằm viện muốn nằm phòng điều hòa phải bỏ tiền ra đóng thêm là đã rất quen thuộc. Bởi giá viện phí cũ không thể “kham” nổi những chi phí này, mà người bệnh có nhu cầu muốn chăm sóc trong điều kiện tốt nhất.

“Một số dịch vụ xét nghiệm có từ năm 1995 giá rất thấp. Ví như các xét nghiệm cơ bản về công thức máu, xét nghiệm sinh hóa. Năm 1995, hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa chưa hiện đại. Bây giờ, các máy hiện đại, ra nhiều chỉ số, giá phải khác. Trước chi phí từ 23.000 đồng, cao nhất là 28.000 đồng/bộ xét nghiệm, giờ số tiền đó mua hóa chất cũng không đủ. Như xét nghiệm khí máu, hóa chất mà nhà sản xuất ghi trên túi, một xét nghiệm khí máu chỉ riêng hóa chất và dụng cụ là 85 nghìn, bảo hiểm thanh toán 80 nghìn. Bệnh nhân phải đóng thêm phần chênh lệch”, ông Nhất dẫn chứng thêm.

Lợi cả đôi đường

Có chồng bị cao huyết áp lâu năm, vài tháng lại phải đi tái khám, lấy thuốc tại BV Xanh Pôn một lần, bác Thủy cho biết, thời gian gần đây, việc chờ đợi khám, cấp thuốc tại bệnh viện nhanh hơn, chỉ trong buổi sáng là xong. Không như trước kia, để được lấy thuốc, thường phải buổi chiều mới được phát. 

Để chuẩn bị cho việc áp dụng viện phí mới, BV đang tiến hành sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, lắp điều hòa tại toàn bộ các phòng bệnh, phòng khám.

“Theo giá viện phí hiện nay, mức thanh toán cho một ngày giường điều trị bình thường chỉ 5.000 đồng/và 12.000 đồng/ngày giường hồi sức. Với số tiền trên BV không đủ để trang trải cho các dịch vụ điều hòa, điện nước, chăn ga… Chính vì thế bệnh nhân có nhu cầu sử dụng phòng dịch vụ có điều hòa phải đóng thêm 100.000 đồng/ngày. Tuy nhiên nếu tính theo giá viện phí mới, tiền ngày giường được áp dụng với giá 100.000 đồng/ngày với phòng bệnh có phòng điều hòa, người bệnh phải cùng chi trả 20% thì tính ra vẫn đỡ hơn nhiều”.

Về mức điều chỉnh tăng viện phí, trong 1.400 dịch vụ đang áp dụng, bệnh viện Xanh Pôn đề xuất tăng giá trên 300 dịch vụ với mức tăng trung bình khoảng 70% trong khung giá Bộ Y tế đề ra. Cụ thể, tiền khám tăng từ 2.500 đồng (áp dụng từ năm 1995), lên xuất 25 - 30.000/lần khám.

Theo ông Nhất, việc tăng viện phí rõ ràng là người bệnh có thẻ BHYT được hưởng lợi. Bởi chi phí được thanh toán tăng lên, người bệnh sẽ đỡ phải đóng các khoản phí chênh lệch. Khi được đầu tư cơ sở vật chất, bệnh viện sẽ có hệ thống xếp hàng tự động dẫn dắt bệnh nhân khoa học. Tất cả các phòng khám sẽ có điều hòa nhiệt độ, bệnh nhân nội trú 100% vào sẽ có điều hòa nhiệt độ, sẽ có mỗi người một giường … Tất cả các xét nghiệm trước kia bác sĩ rón rén do sợ lỗ cho bệnh viện, nay có thể làm để áp ứng nhu cầu bệnh nhân.…
 
Dưới đây là 1 chia sẻ của bệnh nhân về mức phí dịch vụ y tế bảo hiểm:
 

 

 Về áp dụng giá viện phí mới cho các bệnh viện thuộc Hà Nội, UBND TP Hà Nội vừa trình lên HĐND đề xuất khung giá mới của 819 dịch vụ khám, chữa bệnh. Trong đó, điều chỉnh giá 5 dịch vụ khám bệnh; kiểm tra sức khỏe; 9 dịch vụ ngày giường bệnh; 373 dịch vụ kỹ thuật trong 447 dịch vụ kỹ thuật; giá của 333 phẫu thuật, thủ thuật; đồng thời, quy định tạm thời mức giá cho 99 dịch vụ kỹ thuật khác. Các mức điều chỉnh do UBND TP đề xuất ở mức khoảng 70% mức trần dịch vụ tại khung giá viện phí do liên Bộ Y tế - Tài chính quy định.

 

UBND TP Hà Nội cho biết, để nâng cao chất lượng dịch vụ, trước mắt là công tác khám chữa bệnh và đảm bảo giường điều trị cho người bệnh, hàng năm, các đơn vị được phép thu phải dành tối thiểu 15% số thu từ dịch vụ khám bệnh để sửa chữa, nâng cấp, mở rộng khu vực khám bệnh; mua sắm trang bị điều hòa; máy tính; các dụng cụ khám đa khoa, chuyên khoa, bàn ghế, gường tủ... cho các phòng khám, buồng khám. Ngoài ra, 15% số thu từ dịch vụ ngày giường điều trị sẽ được dành để sửa chữa nâng cấp, cải tạo, mở rộng các buồng bệnh, tăng số lượng giường bệnh... để nâng cao chất lượng dịch vụ.

 
Hồng Hải