Giữ eo mùa Tết

Những món ăn truyền thống dân tộc trong dịp Tết vốn đầy năng lượng, rồi sau Tết, vì tiếc công tiếc của mà ráng… ăn chỗ bánh mứt, thức ăn dự trữ chưa cạn nên số đo vòng eo của chị em đứng trước nguy cơ gia tăng đáng kể.

Giữ eo mùa Tết  - 1

Những bữa ăn thịnh soạn là nguyên nhân chính làm vòng eo phình ra
Chuyện hết mùa Tết tăng thêm 2-3kg thì đâu có gì đáng ngạc nhiên. Các tế bào mỡ vốn lười biếng, chỉ thích định cư ở nơi nào lỏng lẻo. Mà trong cơ thể, nơi lý tưởng nhất chính là vòng eo. 2-3kg mỡ đủ làm cho vòng eo tăng thêm 5cm. Nói là chỉ 2-3kg, nhưng nếu mất cảnh giác, các tế bào mỡ chuyển từ diện “tạm trú” sang “thường trú”, rồi sinh đẻ thêm ra, có khi là sự khởi đầu đáng buồn cho vóc dáng đó!

 

Thật ra, để giữ eo mùa Tết, chỉ cần niệm một câu thần chú vào đầu mỗi bữa ăn, đó là câu “chừng mực”. Chừng mực có nghĩa là ăn vừa phải mỗi bữa và chia đều các bữa trong ngày. Phụ nữ nói chung mỗi bữa cần tối đa 700 kcalo, một ngày cũng chỉ cần ba bữa. Ai ăn đến năm bữa, hoặc hay ăn vặt thì giảm số calo mỗi bữa chính còn 400-500 kcalo. Thử một chút để tham gia với mọi người thì không sao, nhưng nếu “thả cửa” theo kiểu thích tới đâu ăn đến đó thì không an toàn chút nào.

 

Bánh chưng, bánh tét được xem là món có năng lượng cao nhất. Một miếng bánh chưng to bằng nửa cái chén, cung cấp đến 150 kcalo, nếu có thêm thịt mỡ thì lên đến 200 kcalo. Vì thế, nếu đã ăn nửa chén bánh chưng trong bữa, thì không nên ăn thêm các món có chất bột như cơm, xôi, bánh mì... Nên phân bố theo kiểu sáng ăn bánh chưng, trưa ăn cơm, tối ăn bún để không bữa nào có số bột đường dội lên quá cao.

 

Với các loại thức ăn béo như thịt kho hột vịt, chả giò, heo quay, lạp xưởng, tôm lăn bột... thì chừng mực có nghĩa là ăn để tham gia theo kiểu nhà hàng năm sao (mỗi thực khách chỉ được một đến tối đa hai miếng mỗi bữa). Các món ăn cổ truyền như thịt đông hay thịt kho hột vịt cũng có thể ăn trong bữa chính, nhưng giới hạn trung bình 50g thịt/bữa và nên ăn kèm với 100-150g dưa chua, dưa giá...

 

Các món “an toàn” gồm các loại thức ăn cuốn rau sống với cá hấp và thịt nạc luộc, măng hầm (ăn nhiều măng, tránh thịt mỡ, giò heo), gỏi gà (không ăn da), miến, các món canh và đồ xào có nhiều rau củ... Cần cảnh giác với các loại trái cây ngọt như mít, sầu riêng, nhãn, xoài... các thức tráng miệng ngọt như bánh, mứt, kem... và nhất là các loại thức uống có năng lượng như nước ngọt, bia rượu. Ngay cả nước trái cây ép, nếu cho thêm đường, cũng là một nguồn cung cấp năng lượng đáng kể.

 

Loại thực phẩm nên tránh xa chính là các loại bánh mứt. Hàm lượng đường ở bánh, mứt đương nhiên là không cho phép đối với bệnh nhân tiểu đường hay người thừa cân, béo phì. Tuy nhiên, chúng cũng không mấy tốt cho những người bình thường, thậm chí cả người suy dinh dưỡng, vì cung cấp một lượng năng lượng rỗng, làm tăng đường huyết, dẫn đến chán ăn và làm mất cân đối khẩu phần ăn. Nếu thèm ngọt, chỉ nên ăn vài miếng nhỏ sau bữa chính.

 

Theo Phụ nữ TPHCM