Giám đốc Sở Y tế TPHCM thừa nhận thực phẩm chưa an toàn

(Dân trí) - Trước câu hỏi mức độ an toàn thực phẩm tại TPHCM đang ở mức độ nào, Giám đốc Sở Y tế TP cho biết: “Nói an toàn thực phẩm ở mức độ nào thì chưa an toàn. Nếu tính quy mô toàn địa bàn TP thì vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm trên 50%”.

Thực phẩm chưa có kết quả xét nghiệm đã lên bàn ăn

Tại phiên họp chiều 5/7, kỳ họp thứ 5 HĐND TPHCM, các đại biểu đã lắng nghe kết quả giám sát về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong 2 năm 2015 và 2016. Theo báo cáo, hiện nay trên địa bàn TP có 240 chợ truyền thống, siêu thị và hơn 19.000 cửa hàng ăn uống đường phố.

Theo đánh giá của HĐND TPHCM thì vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập từ khâu sản xuất đến vận chuyển, chế biến và tiêu thụ. Kết quả kiểm tra các chợ truyền thống, cơ sở kinh doanh ăn uống cho thấy tỷ lệ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm rất cao. Người dân chưa yên tâm với chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

An toàn thực phẩm trở thành đề tài chính trên diễn đàn nghị trường chiều 5/7
An toàn thực phẩm trở thành đề tài chính trên diễn đàn nghị trường chiều 5/7

Đại biểu Nguyễn Minh Nhật cho rằng: kết quả kiểm soát cửa hàng ăn uống thời gian qua cho thấy tỷ lệ vi phạm lên tới 48%. Như vậy vấn đề quy hoạch, kiểm soát các cơ sở này để đảm bảo an toàn thực phẩm được triển khai như thế nào?

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Mạnh Trí cho rằng kết quả khảo sát khiến ông cũng như cử tri rất băn khoăn. Ông chất vấn: “Người dân cực kỳ hoang mang từ sản xuất đến chế biến, khâu nào người dân cũng không thấy yên tâm 100%. TP đã kiểm soát được bao nhiêu phần trăm tổng lượng thực phẩm thành phố tiêu thụ? Chuỗi thực phẩm an toàn chiếm tỷ trọng bao nhiêu so với sức tiêu thụ hằng ngày?”.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Trí: “Người dân cực kỳ hoang mang từ sản xuất đến chế biến, khâu nào người dân cũng không thấy yên tâm 100%”
Đại biểu Nguyễn Mạnh Trí: “Người dân cực kỳ hoang mang từ sản xuất đến chế biến, khâu nào người dân cũng không thấy yên tâm 100%”

Bên cạnh đó, ông Trí cũng quan ngại về quy trình test thực phẩm hiện nay không mang lại hiệu quả thực tế bởi thực phẩm chưa có kết quả xét nghiệm thì đã lên bàn ăn.

Ông cho rằng: “Khi thực hiện test nhanh thực phẩm xong thì hướng xử lý như thế nào? Thường cần 2-3 ngày mới có kết quả, trong thời gian đó thực phẩm đã được đưa đi tiêu thụ. Vậy kết quả đó có ý nghĩa hay không? Chúng ta cần giải pháp căn cơ hơn!”.

Nhận định về vấn đề này, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng thức ăn đường phố, cửa hàng ăn uống còn rất nhiều mà khả năng đảm bảo an toàn thực phẩm thấp, chỉ khoảng 50%.

Bà Tâm đặt vấn đề: “Ở chợ đầu mối thì các chủ hàng tự kê khai mặt hàng vào sổ của Ban quản lý, lô hàng chờ kiểm định thì đưa đi tiêu thụ ở chợ lẻ rồi. Nếu kết quả không đảm bảo thì cũng đã tiêu thụ rồi, giải quyết vấn đề này như thế nào?”.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm: “Lô hàng chờ kiểm định thì đưa đi tiêu thụ ở chợ lẻ rồi. Nếu kết quả không đảm bảo thì cũng đã tiêu thụ rồi, giải quyết vấn đề này như thế nào?”.
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm: “Lô hàng chờ kiểm định thì đưa đi tiêu thụ ở chợ lẻ rồi. Nếu kết quả không đảm bảo thì cũng đã tiêu thụ rồi, giải quyết vấn đề này như thế nào?”.

Không thể bày bán tràn lan như hiện nay!

Trả lời các đại biểu, ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP - cũng thừa nhận thực tế trên. Ông cho biết: trong 2 năm 2015 và 2016, đoàn thanh tra liên ngành 3 Sở (Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công thương) đã tiến hành kiểm tra 98.000 cơ sở thực phẩm, phát hiện 15.000 cơ sở vi phạm, xử phạt hơn 11.000 cơ sở.

Theo ông Bỉnh, nếu tính quy mô toàn địa bàn TP thì vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm trên 50%. “Nói an toàn thực phẩm ở mức độ nào thì chưa an toàn!”, ông Bỉnh nói.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế TPHCM: “Nói an toàn thực phẩm ở mức độ nào thì chưa an toàn!”
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế TPHCM: “Nói an toàn thực phẩm ở mức độ nào thì chưa an toàn!”

Đại biểu Trần Quang Thắng cho rằng vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đóng góp lớn cho sự phát triển bền vững của TP. Theo ông, phải cần đầu tư đồng bộ phòng thí nghiệm kiểm tra chất lượng thực phẩm.

“Hóa chất độc hại chết nhanh lắm. Đối với những chất độc hại thế này thì kiểm tra phải có độ chính xác cao”, ông Thắng nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Nga cho rằng, để đảm bảo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm thì phải quy định tất cả mặt hàng nông sản phải có đóng gói, bao bì cụ thể… Việc này góp phần bỏ thói quen tự sản xuất và cung ứng thực phẩm ra thị trường của người dân.

“Cơ quan Nhà nước phải quản lý quá trình cung ứng để đảm bảo chất lượng thực phẩm và quy trách nhiệm và xử phạt nhà cung ứng thực phẩm vi phạm”, bà Nga nói.

Theo bà Nga, tiểu thương sử dụng chất cấm trong lưu thông với mục đích bảo quản thực phẩm tươi hơn. Do đó, cơ quan quản lý cần quy định phương tiện bảo quản chứ không thể bày bán tràn lan như hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Thị Nga: “Tiểu thương sử dụng chất cấm trong lưu thông với mục đích bảo quản thực phẩm tươi hơn. Do đó, cơ quan quản lý cần quy định phương tiện bảo quản chứ không thể bày bán tràn lan như hiện nay”
Đại biểu Nguyễn Thị Nga: “Tiểu thương sử dụng chất cấm trong lưu thông với mục đích bảo quản thực phẩm tươi hơn. Do đó, cơ quan quản lý cần quy định phương tiện bảo quản chứ không thể bày bán tràn lan như hiện nay”

Kết lại vấn đề này, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị các sở, ngành liên quan phải tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, nâng cao trách nhiệm của mình và phối hợp chặt chẽ để đưa ra giải pháp hợp lý. Cơ quan quản lý phải liên kết và kiểm soát từ khâu sản xuất tới chế biến để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân TP.

Bài: Quốc Anh - Tùng Nguyên
Ảnh: Phạm Nguyễn