Giám đốc Sở Y tế Hà Nội: Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực và giảm quá tải

(Dân trí) - Chia sẻ với báo giới tại buổi gặp mặt năm mới Nhâm Thìn, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, năm 2012, Sở Y tế Hà Nội ưu tiên vấn đề phát triển nguồn nhân lực, qua đó giảm quá tải bệnh viện.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội: Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực và giảm quá tải - 1
TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội. Ảnh: H.Hải
 
Tình trạng quá tải không chỉ ở các BV tuyến TƯ mà các BV hạng một của thành phố cũng quá tải trầm trọng. Tuy nhiên tại các tuyến cơ sở như Trung tâm y tế huyện, thị trấn thì lại thiếu bệnh nhân tới khám. Có ý kiến cho rằng, các Trung tâm y tế này nên trở thành “sân sau” của bệnh viện TƯ, tiếp nhận bệnh nhân điều trị. Ông có đánh giá như thế nào về gợi ý này?

Quả thực, qua thị sát tại các cơ sở khám chữa bệnh, lượng bệnh nhân là rất khác biệt. Tại Ttrạm y tế thị trấn Cầu Diễn (Từ Liêm, Hà Nội) được trang bị máy móc khá đầy đủ, hệ thống nhân lực toàn diện, có cả một bác sĩ chuyên khoa 1 nhưng vẫn không thu hút được người dân quanh đây tới khám.Trong cả một năm, cả trạm mới chỉ phục vụ khám chữa bệnh cho khoảng 4.000 bệnh nhân. Còn con số khám tại bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội thì 1.700-2.000 trường hợp/ngày.

Để giảm tải bệnh viện tuyến TƯ, Bộ Y tế đã triển khai bệnh viện vệ tinh, trong đó Hà Nội có bệnh viện Sơn Tây (là vệ tinh BV Việt Đức) và BV Đa khoa Hà Đông (là vệ tinh của BV Bạch Mai).

Dự kiến chúng tôi sẽ tham mưu cho thành phố xây dựng mỗi bệnh viện hạng một sẽ chịu trách nhiệm toàn diện cho 2-3 bệnh viện huyện. Nếu bệnh viện hạng một của Hà Nội không đủ thì sẽ mời bệnh viện trung ương tham gia.

Chúng tôi cũng nhận được đề nghị của Bộ Y tế xem các Trung tâm Y tế có thể tiếp nhận điều trị bệnh nhân của các bệnh viện tuyến TƯ quá tải về điều trị. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thể trả lời vì phải rà soát cụ thể các trung tâm y tế nào đủ điều kiện. Vì để tiếp nhận bệnh nhân điều trị tại Trung tâm y tế sẽ liên quan trực tiếp đến việc bố trí giường bệnh ra sao, đặc biệt là đội ngũ cán bộ như thế nào thì mới có thể tiếp nhận điều trị được. Có thể có những trung tâm y tế đủ điều kiện có thể tiếp nhận bệnh nhân. Tuy nhiên đó mới chỉ là dự kiến, chúng tôi phải rà soát cụ thể mới có thể trả lời.

Được biết, năm 2012 Hà Nội có chủ trương phát triển nguồn nhân lực. Việc phát triển, thu hút nguồn nhân lực sẽ được triển khai như thế nào, thưa ông?

Mới đây, Phó chủ tịch TP Hà Nội đã làm việc với bệnh viện Việt Đức. Trước mắt, chúng tôi sẽ làm việc với bệnh viện Việt Đức trong việc đào tạo bác sĩ chuyên khoa. Các bệnh viện có nhu cầu ngoại khoa cần tuyển bác sĩ và gửi lên Việt Đức học. Các bác sĩ của bệnh viện Việt Đức chịu trách nhiệm với bệnh viện đó, với cán bộ đó. Có cách làm này là bởi chúng tôi xác định, đào tạo chuyên ngành về ngoại khoa để làm sao các bác sĩ đó có thể làm việc được và khi có vướng mắc về chuyên môn có thể trao đổi trực tiếp, nhờ nơi đào tạo mình hỗ trợ.

Ngoài ra, chúng tôi dự kiến đền nghị với thành phố cho phép mời gọi bác sĩ từ khi đang là sinh viên Đại học Y Hà Nội. Cụ thể, sẽ làm việc với các khóa học tại trường xem ai có nguyện vọng về công tác tại Hà Nội. Nếu có nguyện vọng về các bệnh viện nội đô dứt khoát phải thi về tiêu chuẩn, học lực. Còn nếu về các bệnh viện ngoại thành thì sẽ đề nghị thành phố hỗ trợ họ mỗi năm một khoản tiền nhất định và hỗ trợ ít nhất trong 5 năm. Ngoài ra, ngay từ khi là sinh viên năm thứ nhất nếu sinh viên nào có nguyện vọng về Hà Nội thì đề nghị TP Hỗ trợ kinh phí để sinh viên chi trả học tập… Theo tôi, phải có những ưu tiên, khuyến khích này mới có thể thu hút được cán bộ.

Ông có kỳ vọng gì về nguồn nhân lực mới qua cách làm này?

Đối với công tác đào tạo, chúng tôi nghĩ phải thế mới hiệu quả. Vì nếu bác sĩ đến chỉ để nhìn, ngó rồi về không giải quyết được vấn đề gì, khi về cơ sở bác sĩ đó cũng không làm được việc. Vì vậy, mô hình đào tạo gắn mỗi học viên vào khoa chuyên ngành cần đào tạo, gắn trực tiếp với bác sĩ chịu trách nhiệm hỗ trợ bệnh viện đó thì việc đào tạo mới hiệu quả.

Để giảm quá tải ở bệnh viện hạng một, được biết Hà Nội cũng đã phê duyệt xây dựng bệnh viện các cửa ngõ thủ đô. Ông có thể nói cụ thể hơn về dự án này?

Hà Nội đã có chủ trương xây dựng bệnh viện 5 cửa ngõ thủ đô. Tuy nhiên, việc xây mới phải có lộ trình. Trước mắt giai đoạn 2011 - 2015 thành phố đã phê duyệt 4 dự án trọng điểm gồm Bệnh viện Đức Giang, bệnh viện 1.000 giường ở Mê Linh, bệnh viện Nhi Hà Nội và bệnh viện Xanh Pôn cơ sở hai. Sau đó sẽ thêm một bệnh viện cửa ô nữa ở phía Tây Thạch Thất.

Xây mới thêm nhiều bệnh viện càng phải phát triển nguồn nhân lực để mở rộng quy mô hoạt động của bệnh viện. Bệnh viện hoạt động có chất lượng, thu hút người dân địa phương đến khám tức khắc sẽ giảm được quá tải cho tuyến trên.

Xin cảm ơn ông!

Hồng Hải (ghi)