Giảm 25% các trường hợp nhiễm khuẩn hô hấp ở trẻ nhờ cách này

(Dân trí) - Có khoảng gần một nửa các bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc cao nhất là những bệnh liên quan tới nước sạch, vệ sinh môi trường và đặc biệt là các hành vi vệ sinh cá nhân.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Quỹ nhi đồng liên hiệp quốc ước tính rằng mỗi năm trên thế giới có 1,1 triệu trẻ em tử vong do tiêu chảy và 1,2 triệu trẻ em mất đi sự sống do các bệnh liên quan đến đường hô hấp.

Tại Việt Nam, các bệnh truyền nhiễm gây dịch có tỷ lệ mắc trên 100.000 dân cao nhất là cúm, tiêu chảy, sốt xuất huyết, tay chân miệng, lỵ, quai bị, thuỷ đậu.

Như vậy, có khoảng gần một nửa các bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc cao nhất là những bệnh liên quan tới nước sạch, vệ sinh môi trường và đặc biệt là các hành vi vệ sinh cá nhân.

Trong khi đó, nhiều nghiên cứu đã chứng minh bàn tay không được vệ sinh sạch sẽ là nơi có thể chứa nhiều nhất các mầm bệnh gây tiêu chảy và nhiễm khuẩn hô hấp như viêm phổi.

Rửa tay với xà phòng ở các thời điểm quan trọng như trước bữa ăn hoặc sau khi đi vệ sinh có thể ngăn chặn sự lan truyền mầm bệnh. Rửa tay với xà phòng làm giảm tới 50% các trường hợp mắc tiêu chảy, 25% các trường hợp nhiễm khuẩn đường hô hấp ở trẻ em dưới 5 tuổi, rửa tay với xà phòng và sử dụng nước ăn uống sạch làm giảm 15% các trường hợp suy dinh dưỡng thể thấp còi ở nhóm trẻ này. Rửa tay với xà phòng cũng làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tay chân miệng, cúm…

Với những ích lợi của việc rửa tay với xà phòng, Tổ chức Đối tác rửa tay toàn cầu đã đề xuất và phát động Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng lần đầu tiên vào năm 2008 nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của rửa tay với xà phòng, đây là cách phòng bệnh đơn giản, hiệu quả và nằm trong khả năng của tất cả mọi người.

Trong 10 năm qua, mỗi năm có trên 200 triệu người ở hơn 100 quốc gia trên thế giới tham gia hưởng ứng ngày Thế giới rửa tay với xà phòng.

Giảm 25% các trường hợp nhiễm khuẩn hô hấp ở trẻ nhờ cách này - 2

Hành động đơn giản tạo nên sự khác biệt

Chủ đề Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng năm nay tập trung vào tầm quan trọng của việc rửa tay với đảm bảo an toàn thực phẩm và dinh dưỡng góp phần phòng chống dịch bệnh và giúp trẻ phát triển khỏe mạnh. Mọi người hãy tạo ra sự khác biệt bằng những hành động đơn giản như:

Rửa tay với xà phòng vào những thời điểm quan trọng, đặc biệt là trước khi ăn, trước khi chế biến thức ăn hoặc cho trẻ ăn.

Cha mẹ, người lớn là tấm gương tốt về thực hành rửa tay và nhắc nhở hoặc giúp người xung quanh thường xuyên rửa tay trước khi ăn.

Coi rửa tay với xà phòng là một việc làm không thể thiếu trước khi ăn.

Tạo các điểm/nơi rửa tay tại nhà, trường học, cộng đồng, cơ quan và cơ sở y tế.

Thúc đẩy việc thay đổi hành vi rửa tay thông qua các nghiên cứu, xây dựng chính sách, triển khai các chương trình dự án và vận động thay đổi.

“Giảm nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm - Vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn”.

Để hướng ứng Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổ chức Mít tinh tại trường tiểu học Ngô Gia Tự, Quận Long Biên, Hà Nội.

Đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Giáo dục, World Bank... cùng hướng ứng Ngày thế giới rửa tay với xà phòng
Đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Giáo dục, World Bank... cùng hướng ứng Ngày thế giới rửa tay với xà phòng

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, kêu gọi và mong muốn tất cả các ngành, các cấp chính quyền, các cơ quan đoàn thể, các tổ chức và cơ quan thông tấn báo chí hãy cùng phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế, tập trung đẩy mạnh hoạt động truyền thông dưới nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng, lợi ích của việc rửa tay với xà phòng trong phòng chống dịch bệnh và dần đưa hành động này trở thành thường xuyên, thành thói quen hàng ngày, thành một việc làm không thể thiếu trước khi ăn. Chúng ta hãy cùng nhau hành động để bảo vệ sức khỏe, hạnh phúc của mỗi cá nhân, mỗi gia đình. Chúng ta hãy cùng hành động để tạo sự khác biệt.

Trần Phương