Giác mạc của cô bé 7 tuổi hiến tặng đã được ghép cho hai bệnh nhân mù

(Dân trí) - Chiều 26/2, tại Bệnh viện Mắt Trung ương đã thực hiện ca ghép giác mạc cho hai bệnh nhân mù. Giác mạc của cô bé 7 tuổi từ biệt cõi đời vì ung thư đã được ghép thành công cho hai bệnh nhân.

TS.BS Phạm Ngọc Đông, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, ngay sau khi tiếp nhận giác mạc của cô bé 7 tuổi, giác mạc đã được lưu trữ tại Ngân hàng giác mạc.

Giác mạc của bé Hải An có tế bào nội mô tốt, bệnh nhân đã có phản ứng tốt ngay sau ghép. Ảnh: H.Hải
Giác mạc của bé Hải An có tế bào nội mô tốt, bệnh nhân đã có phản ứng tốt ngay sau ghép. Ảnh: H.Hải

Sau khi hội chẩn 1.000 hồ sơ các bác sĩ đã chọn 4 bệnh nhân, rồi tiếp tục hội chẩn và đã lựa chọn được 2 bệnh nhân thích hợp nhất để ghép.

Hai bệnh nhân may mắn là cụ bà 73 tuổi bị sẹo giác mạc đã nhiều năm nay phải sống trong bóng tối. Bệnh nhân may mắn thứ hai là nam giới 42 tuổi bị đục giác mạc di truyền, 8 năm qua không nhìn rõ.

TS Đông cho biết, sau khi ghép giác mạc, thông thường phải sau 6 tháng bệnh nhân mới có thể trở lại bình thường. Tuy nhiên, thường ngay sau một ngày sau ghép, bệnh nhân đã có thể cảm nhận ánh sáng tốt.

“Giác mạc của cô bé Hải An có tế bào nội mô tốt, trong. Sau khi ghép mắt của hai bệnh nhân đã có phản ứng tốt”, TS Đông nói.

Lấy giác mạc không ảnh hưởng đến khuôn mặt

TS Đông cho biết, giác mạc là lớp màng trong suốt nằm ngoài cùng nhãn cầu, phía trước tròng đen, cho ánh sáng đi qua và hội tụ ở đáy mắt giúp chúng ta có thể nhìn rõ mọi vật.

Thị lực sẽ giảm hay mất hoàn toàn nếu giác mạc trở nên mờ đục do bị bệnh, tổn thương hoặc nhiễm khuẩn. Nguyên nhân gây mù giác mạc gồm: Viêm loét giác mạc, bỏng giác mạc, giác mạc hình chóp, chấn thương mắt, loạn dưỡng giác mạc di truyền, những biến chứng sau phẫu thuật mắt.

Tại Việt Nam có khoảng hơn 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc và có khoảng 1000 người bệnh mù giác mạc đăng kí ghép tại Ngân hàng giác mạc.

Trong khi đó, nguồn giác mạc để ghép từ những người hiến tặng tình nguyện sau khi qua đời, từ mắt chấn thương phải bỏ nhãn cầu nhưng giác mạc còn tốt còn rất hạn chế. Từ năm 2007 đến nay, cả nước có 421 người hiến giác mạc tại 15 tỉnh thành khác nhau trong cả nước. Nhưng trẻ em dưới 20 tuổi hiến giác mạc rất ít, đếm trên đầu ngón tay. Trong đó, ca của bé gái 7 tuổi (Hà Nội), bé trai 6 tuổi (Ninh Bình) và cô bé 14 tuổi (Nam Định).

Theo các bác sĩ, người bệnh cần ghép có thể vận động chính những người thân hiến tặng giác mạc nếu họ không may qua đời.

Bất cứ ai cũng có thể hiến giác mạc sau khi qua đời, không phụ thuộc vào tuổi tác, giới tính. Những người có thị lực kém và ngay cả những người mắc bệnh nan y như ung thư hay đái tháo đường… vẫn có thể hiến tặng giác mạc.

Đặc biệt, việc lấy giác mạc hiến rất nhẹ nhàng, không để lại bất cứ sự thay đổi nào trên gương mặt người đã khuất. Giác mạc hiến tặng phải được lấy trong khoảng thời gian từ 6 – 8 tiếng sau khi người hiến qua đời.

Trước đó, chiều 22/2, khi bé Hải An từ giã cõi đời vì bệnh ung thư, gia đình cô bé đã gọi điện đến Trung tâm điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia xin hiến tạng. Tuy nhiên vì chưa đủ 18 tuổi, nên em chỉ có thể hiến giác mạc.

Hải An được phát hiện ung thư thần kinh từ tháng 9/2017 và được gia đình, các bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhưng đến ngày 22/2/2018, bé đã trút hơi thở cuối cùng, giải thoát khỏi mọi đau đớn, bệnh tật. Cô bé và mẹ có mong muốn tặng lại ánh sáng cho các bạn khác nên đã hiến tặng giác mạc của cô bé khi qua đời.

Hồng Hải