Bình Định:

Gia cầm chết hàng loạt nghi do dịch cúm

(Dân trí) - Trước tình hình dịch cúm gia cầm đang xuất hiện ở một số tỉnh thành, nhiều hộ chăn nuôi gà ở khu đông huyện Tuy Phước (Bình Định) rất hoang mang vì đàn gà đang lớn bình thường bỗng lăn đùng ra chết.

Về các xã khu đông như Phước Hiệp, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Quang, Phước Thắng,… (huyện Tuy Phước) điểm nóng về tình trạng gia cầm chết hàng loạt. Theo những hộ chăn nuôi ở đây phản ánh, tình trạng gia cầm chết hàng loạt bắt đầu từ trước tết Nguyên đán Giáp Ngọ và kéo dài đến bây giờ. Gà chết nhanh đến nỗi không kịp mang đi chôn, vứt bừa ra các con sông, kênh mương thủy lợi. Chính quyền địa phương phải huy động nhân lực đi thu gom tránh tình trạng lây nhiễm sang vùng chăn nuôi gia cầm khác.

Lực lượng chức năng vớt gà chết trên các kênh mương thủy lợi trên địa bàn huyện Tuy Phước
Lực lượng chức năng vớt gà chết trên các kênh mương thủy lợi trên địa bàn huyện Tuy Phước

Anh Lê Anh Tú (43 tuổi, ở thôn Giang Bắc, xã Phước Hiệp) là một trong những hộ nuôi bị tổn thất nặng nề nhất, khi đàn gà hàng ngàn con của gia đình đang phát triển bình thường bỗng dưng lăn ra chết không còn 1 con: “Đầu tư nuôi hơn 9.000 con để phục vụ thị trường tết, thế nhưng vào lúc thời điểm chuẩn bị xuất bán thì đàn gà nặng 1,4kg -1,6kg/con bỗng dưng lăn đùng ra chết. Tui nuôi gà gần cả chục năm nay, nhưng đến nay tui với nếm mùi thất bại dù trong quá trình nuôi tôi tuân thủ tuyệt đối, tiêm phòng định kỳ”, anh Tú nói như khóc.

Anh Tú cho biết, ngoài chọn giống đáng tin cậy, trong quá trình nuôi tôi luôn tuân thủ việc tiêm phòng định kỳ cho đàn gà. Cụ thể: gà giống bắt về 6 ngày, tôi nhỏ ngay vắc-xin bệnh tả, 5 ngày sau nhỏ vắc-xin ruboro. Gà được 15 ngày tuổi thì cấy vắc-xin đậu, đến ngày thứ 20 tiếp tục nhỏ vắc-xin tả. Gà được 30 ngày tuổi, tui tiếp cho chúng vắc-xin roboro, ngày thứ 35 tiêm vắc-xin ILT. Đến khi chúng được 45 ngày tuổi tui lại làm vắc-xin tả. Từ 45 ngày tuổi đến khi chúng được 75 ngày tuổi tui còn làm tiếp cho chúng 2 đợt vắc-xin tả nữa.

Lực lượng chức năng vớt gà chết trên các kênh mương thủy lợi trên địa bàn huyện Tuy Phước
 Hơn 6.000 con gà của gia đình ông Tú chết sạch chỉ còn chuồng trống hoắc sau đợt gà bệnh vừa qua

Do tiền vốn đầu tư nhiều, nên anh Tú rất chú trọng trong việc chăm sóc, phòng dịch nhưng đàn gà 6.000 ngàn con bỗng dưng chết sạch. Theo anh Tú cho biết, lũ gà chết với hiện tượng tím mồng, đen đầu, xuất huyết chân. Từ 5 con gà chết ban đầu, chỉ sau 6 ngày thì cả 6.000 con trong trang trại đều bị chết sạch không trừ 1 con. Lứa gà này, gia đình tui mất đứt 450 triệu đồng, hiện còn nợ đại lý thức ăn chăn nuôi 400 triệu, dự định xuất lứa gà này sẽ trả nợ. Bây giờ đàn gà chết hết lấy gì để trả nợ”.

Cùng chung cảnh ngộ, gia đình anh Huỳnh Văn Đệ (32 tuổi) cùng thôn Giang Bắc, đàn gà 2.000 con nuôi được 2 tháng rưỡi, đạt từ 2,4 - 2,6kg/con cũng bỗng dưng lăn ra chết không còn một con. “Sáng 18 tháng Chạp, đàn gà còn bình thường, ăn rào rào. Đến khi nắng lên bỗng dưng lông của chúng trở nên khô khốc, xù lên, đầu có sắc tím, rồi lăn ra chết như ngã rạ. Chúng chết nhanh “như điện”, không tài nào cứu kịp. Vợ chồng, dự định sẽ xuất bán trước Tết Giáp Ngọ 2014 để lấy tiền ăn Tết. Nào ngờ, chỉ trong vòng 5 ngày đàn gà chết hết. Vợ chồng tui mất đứt 140 triệu đồng”, anh Đệ than.

Nhiều hộ chăn nuôi gia cầm ở huyện Tuy Phước đang rất lo lắng
Nhiều hộ chăn nuôi gia cầm ở huyện Tuy Phước đang rất lo lắng

Theo ông Lê Văn Nhựt, Phó chủ tịch UBND xã Phước Hiệp, cho biết: “Vào tháng 1/2014, có 3 hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn báo cáo lên xã có đàn gà chết tổng cộng khoảng 14.000 con, xin tiêu hủy”. Tuy nhiên, khi khi chúng tôi hỏi về con số gia cầm trên địa bàn chết trong thời gian vừa qua là bao nhiêu, ông Nhựt cho rằng chưa thống kê nên chưa biết là bao nhiêu.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Kỳ Quang, Phó chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết, hiện tại các địa phương chưa có báo cáo chính thức số lượng gia cầm chết trong thời gian qua. Tuy nhiên, trên các con sông, kênh mương thủy lợi trên địa bàn huyện xác gia cầm được bỏ vào bao nilong vứt trôi lềnh bệnh trên kênh. Từ ngày mùng 4 Tết chúng tôi đã chỉ đạo cho các địa phương có nhiều hộ chăn nuôi gia cầm tổ chức công tác thu gom xác gia cầm chết. Riêng 4 xã ven biển của huyện Tuy Phước là Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng đã thu gom mỗi xã khoảng 4.000-5.000 con gia cầm chết, đem chôn lấp”.

Theo báo cáo của UBND huyện Tuy Phước, vào giữa năm 2013, có 2 đàn gà nuôi mới chưa được tiêm phòng tại xã Phước Sơn do chưa vắc xin phòng dịch nên bị cúm gia cầm tấn công làm chết 221 con/2 hộ. Toàn bộ số gà chết nói trên đã được tiêu hủy, sau đó ngành chức năng tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch, tiêu độc sát trùng nên đã kịp thời khống chế được dịch bệnh, không cho lây lan diện rộng.

Ông Nguyễn Văn Quốc, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y Bình Định, cho biết: “Trước Tết Giáp Ngọ 2014, Chi cục Thú y tỉnh đã tiếp nhận thông tin về hiện tượng gà chết nhiều tại huyện Tuy Phước. Những ngày qua, một số địa phương xuất hiện dịch cúm gia cầm nên chúng tôi cũng rất lo lắng nếu dịch xuất hiện. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra thực tế, chúng tôi xác định nguyên nhân đẫn đến hiện tượng gà chết là do thời tiết lạnh kéo dài trong những ngày đầu năm 2014 làm nảy sinh bệnh Niucaxơn trên đàn gà thịt. Trong khi đó, người chăn nuôi gà thịt do chủ quan nuôi thời gian ngắn (dưới 3 tháng) sẽ xuất bán nên không thực hiện đúng quy trình phòng bệnh Niucaxơn (tiêm chủng M) nên đàn gà bị lâm bệnh này mà chết”.

                                                                                                                        Doãn Công