Ghép thận ngay tại bệnh viện địa phương

(Dân trí) - Mong muốn người dân được thụ hưởng kỹ thuật cao ngay tại địa phương, Bệnh viện Việt Đức đã chuyển giao kỹ thuật ghép thận cho bệnh viện tuyến tỉnh. Bước đầu một số nơi đã có thể tự thực hiện được ca ghép từ nguồn tạng của người cho chết não.

PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Việt Đức cho biết nhu cầu ghép thận rất nhiều, tuyến tỉnh nào cũng quá tải bệnh nhân chạy thận. Trong khi ghép thận không phải là kỹ thuật quá khó, phức tạp, yêu cầu chỉ cần là một nơi có đơn vị chạy thận, thực hiện được phẫu thuật tim, ngoại khoa phát triển… Vì thế, Bệnh viện mong muốn chuyển giao kỹ thuật này đến tuyến tỉnh. 

Bệnh viện Việt Đức có đoàn công tác để thẩm định xem bệnh viện có khả năng ghép được hay không. Các y bác sĩ được đào tạo tối thiểu 3 tháng, có người 6 tháng.

Bệnh viện Việt Đức đã chuyển giao thành công kỹ thuật ghép thận cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ và Thanh Hóa. Ca ghép đầu tiên do các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức thực hiện, sau đó chuyển giao dần theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Mục tiêu đến ca thứ 5, các bác sĩ đã có thể tự hiện được ca ghép.

Đến nay, Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa đã ghép thận cho 5 người, Bệnh viện đa khoa Phú Thọ thực hiện được 10 ca. Bệnh viện Việt Đức sắp tới sẽ chuyển giao cho Bệnh viện Đa khoa Nghệ An.

Ghép thận ngay tại bệnh viện địa phương - 1
Ê kíp bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã có thể thực hiện ca ghép thận từ người cho chết não.

Các bệnh viện này đều đang điều trị hàng trăm trường hợp suy thận giai đoạn cuối với nhu cầu ghép thận rất lớn.

Ca ghép thận gần đây nhất tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa là vào ngày 30/12/2019. Người hiến tạng là một thanh niên 30 tuổi, bị chấn thương sọ não. Bệnh viện đã thông báo cho Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, Bệnh viện Việt Đức về một trường hợp chết não, gia đình đồng ý hiến tạng.

Quy trình đánh giá một trường hợp chết não được thực hiện rất chặt chẽ nên nam thanh niên được chuyển ra ngoài Hà Nội. Gia đình đã hiến cả tim, phổi, gan thận nhưng qua đánh giá bệnh nhân bị tim bẩm sinh nên chỉ lấy được gan và hai thận. Trong đó một quả thận được chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa để ghép cho bệnh nhân.

Ca ghép kéo dài khoảng 3 tiếng, trong đó các bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức chỉ đứng giám sát. Hiện sức khỏe bệnh nhân chuyển biến tốt, có thể xuất viện trong 7-10 ngày tới.

Người được ghép thận là một bệnh nhân nam, 31 tuổi ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Bệnh nhân này phải chạy thận lọc máu định kỳ 4 năm nay, đã được đưa vào danh sách bệnh nhân chờ ghép thận từ lâu.

Ghép thận ngay tại bệnh viện địa phương - 2
Quả thận được vận chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa để ghép.

Theo PGS Nghĩa vấn đề quan trọng nhất là nguồn hiến. Vì thế, Bệnh viện Việt Đức mong muốn bất kỳ một bệnh viện địa phương nào có bệnh nhân chết não do chấn thương sọ não cũng có ý thức vận động lấy tạng, chia sẻ tạng.

“Chúng tôi mong muốn thỏa mãn tối đa nhu cầu ghép của người bệnh. Xu hướng tập trung vào những vùng miền điểm, tránh bệnh nhân phải vận chuyển xa xôi như Thanh Hóa, Nghệ An, việc chăm sóc của người nhà bệnh nhân cũng thuận lợi hơn. Qua đây tăng số lượng người ghép thận và thành lập hệ thống mạng lưới các cơ sở ghép tạng để thu hút nguồn tạng hiến từ người cho chết não”, PGS Nghĩa nhấn mạnh.

Tỷ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân ghép thận tại Việt Nam là 95%. Việc chuyển giao kỹ thuật này giúp người bệnh được thụ hưởng các dịch vụ, kỹ thuật y tế hiện đại, chuyên sâu ngay tại địa phương.

Nam Phương