Ghép tế bào gốc tự thân, triển vọng đẩy lùi bệnh ác tính

(Dân trí) - Phương pháp ghép tế bào gốc tự thân cho 16 bệnh nhân mắc u đa tủy, ung thư hạch được thực hiện thành công tại bệnh viện Chợ Rẫy đang mở ra triển vọng mới đẩy lùi các bệnh ác tính. Bệnh viện sẽ tăng số phòng ghép, đẩy mạnh kỹ thuật ghép tế bào gốc.

Những thành công bước đầu

Gần 3 năm trước, anh Phan Xuân Hoàng (36 tuổi, ngụ Bình Dương) bất ngờ bị đau nhức xương khớp, dù đi nhiều bệnh viện kiểm tra nhưng không tìm ra bệnh. “Tình trạng đau ngày càng nặng khiến tôi gần như phải nằm 1 chỗ, không đi lại được, tinh thần suy sụp, cơ hội được cứu sống là điều không tưởng đối với tôi”. Đau đớn khi nghĩ đến cảnh 3 đứa con gái (sinh 3) nguy cơ mất cha, anh gắng gượng đến bệnh viện Chợ Rẫy kiểm tra “lần cuối”.

Qua các kết quả xét nghiệm, bác sĩ xác định bệnh nhân bị đa u tủy xương. Ngày 15/6/2013, bệnh nhân được bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện phương pháp ghép tế bào gốc tự thân từ máu được bảo quản đông lạnh để trị đa u tủy xương. Hơn nửa tháng sau ngày ghép, bệnh nhân được xuất viện. 

“Sau 2 năm kể từ ngày điều trị, đến nay tôi đã hoàn toàn khỏe mạnh, lao động bình thường, tham gia thường xuyên vào hoạt động thể thao đặc biệt là môn bóng đá. Tôi đã từ cõi chết trở về.”

1 trong số 16 trường hợp đã ghép tế bào gốc tại bệnh viện Chợ Rẫy 
1 trong số 16 trường hợp đã ghép tế bào gốc tại bệnh viện Chợ Rẫy 

Ngày 24/6/2015 nhân kỷ niệm 2 năm triển khai ghép tế bào gốc, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết: Ghép tế bào gốc đang được áp dụng trong nhiều chuyên khoa khác nhau trên thế giới. Tại Việt Nam, đến nay đã có khoảng 100 bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp ghép tế bào gốc, số ca được ghép đang còn quá ít so với nhu cầu của người bệnh. Tính riêng tại khoa Huyết học, bệnh viện Chợ Rẫy mỗi năm tiếp nhận khoảng 100 ca đa u tủy và 200 ca ung thư hạch.

Hầu hết bệnh nhân trước khi đến bệnh viện đã từng điều trị bằng các biện pháp phổ biến như hóa trị, xạ trị, liệu pháp nhắm trúng đích… nhưng tỷ lệ lui bệnh hoàn toàn chỉ đạt 60 - 70% sau 5 năm. Trong khi đó, với phương pháp ghép tế bào gốc ngoại vi, người bệnh có thể đạt được lui bệnh hoàn toàn sau 5 năm lên đến 80 - 90%. 

Qua 2 năm triển khai, 2 phòng ghép của Đơn vị Ghép tế bào gốc, khoa Huyết học, bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện thành công 16 trường hợp (14 ca đa u tủy, 2 ca Lymphoma không Hodgkin).

Mở rộng ứng dụng điều trị bằng tế bào gốc

BS Trần Thanh Tùng, Trưởng khoa Huyết học, cho biết đến nay tất cả 16 trường hợp được ghép tế bào gốc tự thân được thực hiện tại Chợ Rẫy đã hoàn toàn khỏe mạnh, không có ca nào tái phát bệnh. Từ tình trạng bệnh tật, đau đớn, sau ghép bệnh nhân đã có thể quay lại làm việc nuôi sống bản thân và gia đình. 

Từ những thành công bước đầu này, trong năm 2015, bệnh viện sẽ triển khai thêm 6 phòng ghép tế bào gốc tại Trung tâm Ung bướu Chợ Rẫy để đáp ứng nhiều hơn nhu cầu của người bệnh. Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện ghép cho 2 nhóm đa u tủy và ung thư hạch, bệnh viện sẽ triển khai ghép tế bào gốc điều trị cho những nhóm bệnh lý huyết học ác tính khác.

Phân tích chuyên môn của BS Thanh Tùng chỉ ra, người bệnh có thể lựa chọn giải pháp ghép tế bào gốc tự thân dạng tươi hoặc ghép tế bào gốc được cấp đông. Ở trường hợp ghép tế bào gốc tươi, sau khi tế bào gốc được tách sẽ chuyển bảo quan trong khoảng thời gian từ 1 đến 2 ngày, tế bào gốc tươi sẽ được truyền trở lại cho người bệnh.

Trường hợp ghép tế bào gốc tự thân cấp đông sẽ được bắt đầu bằng việc thu thập tế bào gốc từ tủy xương, máu ngoại vi (hiện đang áp dụng phương pháp lấy từ máu ngoại vi, đây là kỹ thuật đơn giản không gây đau đớn cho người bệnh). Máu hoặc tủy xương sau đó được xử lý trong phòng xét nghiệm để lọc và thu thập tế bào gốc. Sau quá trình trình này tế bào gốc được bảo quản đông lạnh. Cùng thời điểm đó bệnh nhân bước vào hóa trị liều cao, có kèm hoặc không kèm với xạ trị. Kết thúc quy trình, tế bào gốc được rã đông và truyền trở lại cơ thể bệnh nhân.

Bệnh nhân ghép tế bào gốc có thể phải đối mặt với các nguy cơ suy tủy sau hóa trị, tác dụng phụ của thuốc. Chi phí điều trị tùy theo từng cá thể bệnh, nếu ghép tươi chi phí khoảng 250 triệu đồng; ghép đông khoảng 350 triệu đồng (chưa khấu trừ Bảo hiểm Y tế).

BS Thanh Tùng cho biết: nếu so với việc ghép ở các nước khác, người bệnh ghép tế bào gốc trong nước có thể tiết kiệm hơn nửa chi phí. Ông nhấn mạnh, đây là kỹ thuật mang lại kết quả điều trị rất khả quan cho bệnh nhân, do đó phát triển phương pháp ghép tế bào gốc sẽ là định hướng mũi nhọn của khoa Huyết học, bệnh viện Chợ Rẫy trong thời gian tới với hy vọng cứu được ngày càng nhiều người bệnh qua cơn hiểm nghèo.

Vân Sơn