Gặp bác sĩ ví nhân viên y tế nhận phong bì như “kẻ lừa đảo siêu hạng"

(Dân trí) - Theo quan điểm của Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội, bất kể trường hợp nào, việc y, bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân về bản chất đó là một hành vi lừa đảo, thậm chí là lừa đảo siêu hạng.

Gọi người nhận phong bì bệnh nhân là “Kẻ lừa đảo siêu hạng” không ngoa chút nào!

"Nhân viên y tế nhận tiền, quà của bệnh nhân trong bệnh viện sẽ bị đình chỉ công tác và chụp ảnh dán tường bệnh viện với hàng chữ: Kẻ lừa đảo siêu hạng", đó là hình phạt đặc biệt nằm trong một bảng nội quy, được cho là của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, đang gây xôn xao cộng đồng mạng thời gian gần đây.

Gặp bác sĩ ví nhân viên y tế nhận phong bì như “kẻ lừa đảo siêu hạng - 1

Hình phạt với "Kẻ lừa đảo siêu hạng" được chế trên mạng xã hội.

Thực hư thông tin này như thế nào? Cùng lắng nghe chia sẻ từ chính người trong cuộc, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Cộng đồng mạng gần đây truyền tai nhau về hình phạt đặc biệt của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội dành cho các y, bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân, vậy sự thật là như thế nào thưa ông?

Năm nay, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chúng tôi đang triển khai các biện pháp mạnh tay và thiết thực để dẹp bỏ một thực trạng rất xấu, đã tồn tại lâu nay trong ngành y, đó là chuyện bệnh nhân vào bệnh viện phải có phong bì cảm ơn thầy thuốc.

Với sự quyết tâm, thống nhất cao của tập thể Bệnh viện, chúng tôi đã đề ra các quy định mới và có phần nghiêm khắc, để răn đe những nhân viên y tế nhận phong bì từ bệnh nhân:

Thứ nhất, người này sẽ bị tạm đình chỉ công tác, không cho tiếp xúc với người bệnh nữa.

Thứ hai, phạt tiền đời sống một năm.

Thứ ba, tên người đó sẽ được nêu trước toàn thể cán bộ công nhân viên và người dân trong nhiều ngày, thông qua loa phát thanh, với nội dung: “Bệnh viện chúng tôi có người này vi phạm nội quy, khi đã nhận quà biếu của bệnh nhân. Trước hết, cán bộ đó đang bị kỷ luật, đồng thời chúng tôi cũng rất phê bình những gia đình nào đã biếu quà cho cán bộ đó để dẫn tới hệ lụy này”.

Gặp bác sĩ ví nhân viên y tế nhận phong bì như “kẻ lừa đảo siêu hạng - 2

PGS.TS Nguyễn Duy Ánh khẳng định, ông coi hành vi nhận phong bì là lừa đảo siêu hạng không ngoa, không sai, vì thực chất đó là một hành vi lừa đảo, thậm chí là lừa đảo siêu hạng.

Quy định thứ ba chính là biện pháp rắn rỏi mà chúng tôi quyết định bổ sung vào, để có thể hiện thực hóa mục tiêu đã đề ra. Ai cũng sợ bị bêu danh. Vì vậy, với hình phạt nhắc tên trên loa phóng thanh như thế chắc chắn người ta sẽ xấu hổ không dám làm nữa. Tôi đã cho in bản quy định xử phạt mới này dán ở nhiều nơi trong Bệnh viện, để các y, bác sĩ và cả gia đình bệnh nhân có thể đọc được. Phải quyết liệt như thế thì may ra mới dập được. Chứ cứ nhắc nhau chung chung thì không thể làm được.

"Tôi chấp nhận có thể hơi vượt đèn đỏ, là phạm một lỗi nhỏ, để lao sang bên kia đường cứu một mạng người. Khi tôi lao sang như vậy, chiếc xe định lao vào người đó sẽ lao vào xe tôi và tôi có hơi thiệt hại một chút, tôi chấp nhận và sau đó tôi cũng có thể chấp nhận nộp phạt vì vượt đèn đỏ nhưng cuối cùng tôi đã cứu được 1 mạng người. Nhìn ra thực tế, hành động của chúng tôi là đang cứu cả một thương hiệu Bệnh viện Phụ sản Hà Nội", PGS Ánh nói.

Tôi quá bức xúc với vấn nạn phong bì, bức xúc với những “con sâu làm rầu nồi canh”, nâng bệnh để doạ nạt bệnh nhân, nên khi phát biểu trên hội trường tôi gọi bản chất đó là một hành vi lừa đảo thậm chí là lừa đảo siêu hạng. Cái siêu hạng ở chỗ anh dùng chuyên môn dùng những tình cảm, sự trân trọng của người bệnh để lừa người ta.

“Kẻ lừa đảo siêu hạng” là lời tôi phát biểu, còn để kết luận ai có tội thật thì phải có văn bản, phải có cơ quan công an, điều tra xét hỏi lập hồ sơ, nhưng mà tôi nói hành vi nhận phong bì là lừa đảo siêu hạng không ngoa, không sai đâu, vì thực chất đó là một hành vi lừa đảo, thậm chí là lừa đảo siêu hạng. Dùng những lời lẽ mạnh này, tôi muốn lực lượng y, bác sĩ trong Bệnh viện hiểu rằng, chúng tôi đang rất quyết tâm trong việc dẹp bỏ tệ nạn phong bì. Chúng tôi sẽ thực hiện những quy chế gắt gao để kiên quyết dẹp bỏ vấn nạn phong bì.

Lý do gì khiến bệnh viện đưa ra một quy định mạnh tay như vậy đối với vấn nạn phong bì, thưa ông?

Ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, chúng tôi lấy chữ “Nhân” để chúc nhau và để quyết tâm phấn đấu. Là người thầy thuốc, chưa biết năng lực chuyên môn thế nào, mà thiếu đi nhân cách và lòng nhân ái thì không làm người thầy thuốc giỏi được. Tôi khẳng định là như thế. Trên thực tế, chuyện bệnh nhân đưa phong bì cho y, bác sĩ là thực trạng đã tồn tại rất lâu trong ngành y và đôi khi được coi là đúng, là chuyện bình thường.

Tuy nhiên, bệnh nhân khi vào viện đã phải đóng biết bao nhiêu khoản phí. Ngược lại, về phía các nhân viên y tế cũng đã được chi trả không sót một khoản nào để thực hiện công tác chuyên môn, kể cả việc đo huyết áp hay một mũi tiêm. Nếu là bệnh nhân nghèo, những khoản này thường được bảo hiểm chi trả. Trong trường hợp theo diện dịch vụ thì mức chi trả thậm chí còn cao hơn. Trên thực tế, đời sống của các cán bộ ngành y ở mức ổn định, có thể nói là thu nhập khá so với mặt bằng chung của xã hội. Nhân viên ngành y hoàn toàn có thể sống bằng nghề, thậm chí là sống ở mức cao đó là điều rất hạnh phúc, rất tự hào. Vậy vì sao phải nhận thêm thêm phong bì. Trong khi đối với đa phần bệnh nhân, phải bỏ ra thêm vài trăm, vài triệu đã là con số lớn.

Hãy để người thầy thuốc tỏa sáng thực sự trong lòng nhân dân

Ông nhìn nhận thế nào về những hệ lụy mà vấn nạn phong bì trong môi trường bệnh viện có thể gây ra?

Hệ lụy của phong bì trong ngành y là rất lớn!

Trước hết, khi có phong bì sẽ tạo ra sự mặc cảm giữa thầy thuốc và bệnh nhân. Lấy một ví dụ thực tế là trong quá trình chữa bệnh, những người bệnh không có điều kiện, người ta chỉ cần nhìn vào bệnh nhân bên cạnh có phong bì được gọi vào khám trước, được bác sĩ nhẹ nhàng ân cần. Trong khi đó với người ta thì ngược lại. Như vậy nó tạo ra một thứ rào cản ngăn cách và tự người bệnh sẽ cảm thấy bị kì thị.

Bên cạnh đó, tôi biết chuyện phong bì nhiều khi không phải tự người bệnh, mà xuất phát từ những kẻ cò mồi. Những đối tượng này thường tâng bốc câu chuyện: Bệnh không nặng thì bảo rất nặng để người bệnh sợ đưa nhiều tiền; bác sĩ chưa phải giỏi lắm lại bảo ông ấy là bàn tay vàng, nhờ khó lắm nên phải đưa tiền nhiều hơn. Dựa vào những câu chuyện nọ chuyện kia để lấy tiền người bệnh nhiều hơn, đó chính là lừa đảo.

Hệ lụy nghiêm trọng hơn nữa đó là khi các nhân viên y tế cầm được đồng tiền rồi, bắt đầu bị đồng tiền chi phối dữ dội, chi phối tới mức có khi bệnh người ta phải đi mổ mà không cho đi mổ, bởi người đó đã nhận đỡ đẻ rồi, nên cố chữa lại sinh ra tai biến, hoặc trường hợp cầm tiền để mổ rồi thì ngược lại cứ cố lôi ra mổ, tư vấn cho người ta mổ vừa nhanh gọn vừa được cầm phong bì. Hệ lụy của phong bì như thế đấy cho nên phải chấm dứt.

Có không ít người cho rằng, bệnh nhân biếu bác sĩ phong bì, quà cáp cũng là cách để họ cảm ơn người đã cứu giúp mình, suy nghĩ của ông về vấn đề này như thế nào?

Con người ta thường nhờ nhau điều gì thì nên cảm ơn người giúp mình, đó là điều bình thường và thực sự đó là đạo lý. Nhưng điều này không thể áp dụng trong y tế được. Vì khi người dân vào viện đã trả đủ tiền rồi. Vậy có lý do gì mà lại bắt bệnh nhân trả thêm một lần nữa. Trước đây, lương của nhân viên y tế rất thấp không thể sống ổn định thì mới lấy lý do là đói ăn vụng túng làm liều. Nhưng hiện nay được trả rất cao, rất sòng phẳng. Nhà nước cũng đang nghĩ cách để tăng tiếp thu nhập cho các nhân viên y tế. Nên đừng lấy thêm cái gì nữa cả, đừng có ra tư vấn thêm là ca của chị khó lắm, chị phải làm thêm, phải đưa thêm tiền, bởi bản chất đó là lừa đảo, mà lừa đảo rất siêu hạng. Cho nên tôi muốn nhấn mạnh lại đừng lấy cái cớ là giúp nhau, cảm ơn nhau, đừng đánh tráo quan niệm đấy.

Gặp bác sĩ ví nhân viên y tế nhận phong bì như “kẻ lừa đảo siêu hạng - 3

"Con người ta thường nhờ nhau điều gì thì nên cảm ơn người giúp mình, đó là điều bình thường và thực sự đó là đạo lý. Nhưng điều này không thể áp dụng trong y tế được, PGS Ánh nói.

Thực ra, để làm việc gì phải có sự đồng lòng của mọi người. Chúng tôi khi đưa ra quy định này đã động chạm đến tất cả các cán bộ công nhân viên, đó là điều chắc chắn, ngoài ra nó còn tác động đến người dân khi vào thăm khám, nên chúng tôi muốn một điều là nhân dân ủng hộ chủ trương này của chúng tôi. Hãy để người thầy thuốc thực sự hào sảng ở trong đầu, để tỏa sáng thực sự trong nhân dân khi mà người ta thực hiện công việc cứu người. Đừng để người ta cầm đồng tiền xong rồi rối trí hết cả, làm công việc sai trái, người ta không còn là người ta nữa thì sẽ làm phí đi một hình ảnh, mà tôi vẫn nói rằng là hình ảnh đẹp nhất của con người với con người, đó là khi người thầy thuốc tận tụy ở bên người bệnh lúc ốm đau.

Những ai chống đối quy định này đều phải loại khỏi hệ thống

Cá nhân ông với các phát ngôn, quan điểm rất mạnh mẽ trong việc chống tệ nạn phong bì, phong bao vậy ông có cảm thấy e ngại về sự phản ứng từ các đồng nghiệp?

Gặp bác sĩ ví nhân viên y tế nhận phong bì như “kẻ lừa đảo siêu hạng - 4

Nội quy xử phạt hành vi nhận phong bì, bêu tên trên hệ thống phát thanh của bệnh viện được in, treo ở khắp các khoa phòng để răn đe các nhân viên y tế.

Tôi không có gì phải e ngại bởi đây là một việc làm rất đúng với đạo lý. Chúng tôi ở đây như một gia đình, chúng tôi cùng nhau họp đại hội công nhân viên chức và đã đồng lòng thực hiện. Nói thật, tình trạng phong bì chỉ rơi vào một nhóm nhỏ và nhiều khi bị cò mồi từ bên ngoài. Có người phản đối chứ nhưng tôi nghĩ rồi người ta cũng sẽ hiểu ra và tất cả tập thể Bệnh viện cùng nhìn về một hướng và đó là hướng tốt đẹp được nhân dân mong đợi.

Ông có tin rằng, các biện pháp mạnh tay vừa đề ra có thể dẹp bỏ hoàn toàn vấn nạn phong bì trong Bệnh viện mình?

Để đưa ra các quy định này, tôi đã suy nghĩ rất kỹ về mọi khía cạnh, nó mang tính biện chứng, chứ không phải duy ý chí từ tôi. Tiếp theo nữa là quyết tâm trong tôi - Người đứng đầu, đó là điều rất quan trọng. Nếu những ai chống đối thì đều phải đứng sang một bên, loại khỏi hệ thống của chúng tôi để chúng tôi làm việc này. Không có lý do gì chúng tôi không làm được. Cả bệnh viện sẽ dành mọi nguồn lực để giám sát theo dõi và kiên quyết thực hiện vấn đề này.

Tôi đang ví một hình ảnh như thế này: Tôi chấp nhận có thể hơi vượt đèn đỏ, là một cái phạm lỗi nhỏ, để lao sang bên kia đường cứu một mạng người. Khi tôi lao sang như vậy, chiếc xe định lao vào người đó sẽ lao vào xe tôi và tôi có hơi thiệt hại một chút, tôi chấp nhận và sau đó tôi cũng có thể chấp nhận nộp phạt vì vượt đèn đỏ nhưng cuối cùng tôi đã cứu được 1 mạng người. Nhìn ra thực tế, hành động của chúng tôi là đang cứu cả một thương hiệu Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Nếu không thì thương hiệu đó chỉ là cái lấp lánh giả tạo, đằng sau đó là tiếng kêu ai oán của người dân khi bị y, bác sĩ vòi vĩnh thêm tiền. Giá trị thương hiệu của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đang có rồi nhưng nếu tôi không làm thì chỉ ít năm nữa thôi nó có thể mất đi lúc nào không biết.

Hàng trăm bệnh nhân ứa nước mắt vì nhân viên y tế “vòi vĩnh”

Nói như vậy có chăng một trong những nguyên nhân khiến ông quyết định mạnh tay dẹp bỏ nạn phong bì, xuất phát từ chính những thực trạng mắt thấy, tai nghe trong bệnh viện mình?

Gặp bác sĩ ví nhân viên y tế nhận phong bì như “kẻ lừa đảo siêu hạng - 5

PGS Ánh trầm tư khi nhận được hàng trăm lời tố giác, lời chia sẻ thống khổ của người bệnh gửi tới ông trong thời gian họ điều trị trước đó. Vì thế, ông quyết tâm bằng mọi giá dẹp nạn phong bì trong bệnh viện của những con sâu làm rầu nồi canh, để người bệnh đỡ khổ, để hình ảnh người bác sĩ thực sự toả sáng. Rõ ràng, nhân viên ngành y hoàn toàn có thể sống bằng nghề, thậm chí là sống ở mức cao so với mặt bằng chung của xã hội.

Đúng vậy! Tôi nhìn thấy ngay trong cơ quan mình vẫn tồn tại chuyện đó. Nhiều lúc bệnh nhân phải ứa nước mắt ra vì chuyện nhân viên “vòi vĩnh”. Bình thường bệnh nhân tự nguyện đưa phong bì mà y, bác sĩ nhận đã là sai trái. Vậy mà có trường hợp người ta đưa còn bảo "thế này không đủ bác ạ", lúc đấy mới là lúc lòng người ta oán hận, nó cao trào lên, đấy là cái khủng khiếp nhất mà người dân phải chịu đựng. Thương hiệu của Bệnh viện vì thế mà có thể mất đi nhanh như một tia chớp.

Trước khi đưa ra quy định này chúng tôi cũng đã từng xử lý các nhân viên nhận phong bì, đã kỷ luật, cách ly rồi như mà không kiên quyết như thế này (đặc biệt người ta rất sợ bị bêu danh) nên lần này tôi bổ sung thêm quy định phải nêu tên để thật rắn rỏi.

Xin chia sẻ là sau khi biết tôi ra quy định mạnh tay như thế này, người dân cũng chia sẻ câu chuyện bức xúc của mình lên mạng rất nhiều. Tôi đã tổng hợp những chia sẻ của người dân về nỗi thống khổ, bực tức, khi bị vòi vĩnh phong bì trong bệnh viện và sắp tới sẽ in ra nhiều bản để cho y, bác sĩ đọc để thấu hiểu, để biết người dân nói như thế nào, để hiểu cầm phong bì không phải là điều bình thường.

 “Trên trải thảm đỏ, dưới rải kim ngân” để đón nhân tài

Ông có chia sẻ rằng, các nhân viên y tế sống tốt với mức thu nhập đơn thuần từ công tác chuyên môn, vậy ông có thể tiết lộ về thu nhập của các y, bác sĩ ở chính Bệnh viện Phụ sản Hà Nội không?

Đời sống và thu nhập của các cán bộ tại bệnh viện chúng tôi hiện đang rất ổn định, rất đảm bảo để họ sống bằng nghề, chỉ cần làm chân chính, làm theo những quy định của nhà nước, quy định của Bệnh viện. Xin tiết lộ, không có nhân viên nào của chúng tôi thu nhập dưới 20 triệu/tháng, như vậy tôi nghĩ rất đủ sống. Những bác sĩ giỏi thì thu nhập thường từ 100 triệu/tháng trở lên. Ngoài ra, tất cả những vấn đề như ốm đau, thai sản, rủi ro chuyên môn, rồi đến học hành của con nhỏ của nhân viên y tế, bệnh viện đều lo hết.

Cuộc chiến đặc biệt chống lại “những kẻ lừa đảo siêu hạng” trong ngành y

Vậy bí quyết nào để Bệnh viện Phụ sản Hà Nội có thể chu cấp cho cán bộ công nhân viên ở mức cao như vậy, trong khi đây là một vấn đề đang nan giải ở nhiều bệnh viện lớn khác?

Để đảm bảo đời sống cho cán bộ công nhân viên, thứ nhất tôi rất cảm ơn cơ chế tự chủ hiện nay. Với cơ chế này, tất cả mọi cán bộ công nhân viên chức đều biết rằng mình sẽ phải tự nuôi nhau, phải tự làm tốt để bệnh nhân đến với mình đông hơn. Các cán bộ biết tiết kiệm từng số điện, giọt nước, cuộn chỉ cây kim. Tất cả đều được giám sát và chúng tôi cũng phải ra định mức chi tiêu.

Thứ hai, người bệnh có rất nhiều nhu cầu về sức khỏe. Bệnh nhân đến bệnh viện không chỉ để chữa cái bệnh mà người ta đang có, mà mỗi ngày nằm viện, người ta cũng muốn nhận được sự chăm sóc như ở nhà. Thậm chí, người ta còn muốn nhân viên y tế gội đầu, tắm rửa, thì nhân viên y tế cần phục vụ những nhu cầu đó. Đó là những điều mà một bệnh viện tự chủ cần làm. Chúng ta phải phục vụ bệnh nhân thực sự. Phục vụ thực sự để bệnh nhân hài lòng. Ngược lại, người bệnh cũng chi trả các dịch vụ tăng thêm và đó là tự nguyện, không ai ép buộc.

Cuối cùng, rất quan trọng đó là cách quản lý tài chính trong mua sắm, trong các hoạt động của Bệnh viện.

Nhờ ba yếu tố này được thực hiện tốt mà Bệnh viện dư ra các khoản tiền, để quay ngược lại chăm lo đời sống cho cán bộ công nhân viên.

Ngoài các quy định để “nắn chỉnh” y đức của các y, bác sĩ, hiện nay Bệnh viện có những quy chế gì để củng cố, đào tạo nguồn nhân thưa ông?

Về nguồn nhân lực, chúng tôi luôn ưu tiên tuyển dụng cán bộ có trình độ cao, điển hình là các bác sĩ nội trú. Nhiều nơi thường nói là trải thảm đỏ đón nhân tài nhưng ở chỗ chúng tôi là “trên trải thảm đỏ,  dưới rải kim ngân”. Chúng tôi có quy định và quy chế hẳn hoi về chiêu dụ nhân tài. Lấy ví dụ, một bác sĩ nội trú ra trường đỗ loại khá trở lên, mà về đây làm việc sẽ được tặng ngay 100 triệu đồng, đỗ thạc sỹ là 200 triệu đồng, tiến sĩ 300 triệu đồng. Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là một cơ quan tri thức cao, đòi hỏi các bác sĩ về đây phải có hàm lượng chất xám cao và đi theo là tay nghề khéo léo. Một người làm giỏi bằng mười người vụng về.

Sau tuyển dụng, nhiệm vụ tiếp theo là đào tạo. Bác sĩ có tài năng sẽ được đánh giá cao. Bác sĩ có đề tài đăng trên tạp chí quốc tế sẽ được Bệnh viện lo cho toàn bộ chi phí tiền đăng bài báo đó và thưởng hàng chục triệu đồng mỗi bài báo. Nghĩa là chúng ta phải động viên người ta làm việc, động viên sự phấn đấu.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Minh Nhật – Hồng Hải thực hiện

Ảnh: Đỗ Quân