“Đứt” viện trợ, bệnh nhân HIV phải tự lo phí điều trị

(Dân trí) - Thay vì được cấp phát thuốc (ARV) kháng vi rút HIV điều trị miễn phí như trước, nay bệnh nhân sẽ phải chi trả phần lớn chi phí điều trị do nguồn viện trợ bị cắt giảm. Ước tính một bệnh nhân mỗi ngày sẽ phải chi trả từ 12-24.000 đồng.

Sau nhiều nỗ lực phòng chống, TPHCM đang ngăn chặn thành công và từng bước đẩy lùi được bệnh HIV trong cộng đồng. BS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế Công cộng, nhận định. Từ nỗi ám ảnh của căn bệnh thế kỷ đến nay, HIV đã được xem là căn bệnh mạn tính có thể kiểm soát được. Việt Nam đang đứng trước cơ hội kết thúc đại dịch vào năm 2030.

Tính đến tháng 6/2014, TPHCM có 35 phòng khám tại các bệnh viện Khoa tham vấn Hỗ trợ cộng đồng tại các quận huyện các trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội và các trại tạm giam đang điều trị ARV cho 23.800 bệnh nhân HIV/AIDS, chiếm khoảng 1/3 số bệnh nhân được điều trị ARV của cả nước. 

Tại các phòng khám ngoại trú, người bệnh được cung cấp dịch vụ khám, tư vấn, theo dõi sức khỏe định kỳ, xét nghiệm theo dõi tình trạng miễn dịch, bệnh nhiễm trùng cơ hội, điều trị thuốc ARV và hỗ trợ dinh dưỡng.

Bệnh nhân HIV/AIDS điều trị tại bệnh viện Nhân Ái
Bệnh nhân HIV/AIDS điều trị tại bệnh viện Nhân Ái

Chương trình điều trị giúp người bệnh HIV/AIDS kéo dài thời gian sống, nâng cao chất lượng sống, góp phần dự phòng lây nhiễm trong cộng đồng. Trước đây, nhờ nguồn viện trợ của các nước phát triển đặc biệt là Mỹ, người nhiễm HIV/AIDS được cấp thuốc ARV điều trị miễn phí chất lượng sống của người bệnh không ngừng tăng cao, nguy cơ lây nhiễm giảm xuống mức tối đa. 

Nếu chiến lược điều trị được duy trì, ước tính trong 5 năm tới TPHCM gần như không còn người bệnh chuyển từ HIV sang giai đoạn AIDS tiến tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.

Tuy nhiên, nguồn viện trợ từ nước ngoài đã bị cắt giảm liên tục trong thời gian qua, tháng 11 năm 2013 Mỹ đã chính thức tuyên bố kết thúc Dự án phối hợp Y tế công tư trong kiểm soát lao và HIV tại TPHCM. Để duy trì và phát huy những thành quả đã đạt được, tháng 7/2014 ông Hứa Ngọc Thuận, Phó chủ tịch UBND thành phố đã quyết định phê duyệt đề án “Thí điểm điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV bằng phương thức xã hội hóa giai đoạn 2014 đến 2018”.

Theo đó, người bệnh tham gia điều trị tự nguyện sẽ phải thanh toán chi phí khám chữa bệnh hàng tháng, chi phí sử dụng thuốc kháng HIV và các loại xét nghiệm nằm ngoài sự hỗ trợ của nhà nước và nguồn viện trợ (nếu có). Dự kiến, từ tháng 10/2014 đến tháng 12/2015 đề án sẽ được thí điểm tại 5 phòng khám, với mục tiêu 80% người nhiễm được phát hiện sẽ tham gia điều trị ARV sớm. Từ năm 2016 đến 2018 sẽ mở rộng mô hình ra các quận huyện, các cơ sở chăm sóc điều trị bệnh nhân HIV/AIDS trên địa bàn.

Trong bối cảnh nguồn viện trợ bị cắt giảm, thành phố kỳ vọng việc xã hội hóa điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV sẽ là giải pháp hiệu quả để tiếp tục duy trì thành quả trong cuộc chiến ngăn chặn hoàn toàn căn bệnh nguy hiểm này.

Vân Sơn