Đắk Lắk:

“Đường dây nóng”: Hơn 50% phản ánh về thái độ của y bác sĩ

(Dân trí) - Thông tin này được bác sỹ Y Bliu Arul - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk cho biết trong buổi làm việc với PV Dân trí vào ngày 2/12 liên quan đến chỉ thị chấn chỉnh “đường dây nóng” của Bộ Y tế.

Người dân khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk ngày 2/12.
Người dân khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk ngày 2/12.

Gọi điện phản ánh hơn 3 tiếng bị trật ven không được xử lý

Bác sỹ Y Bliu Arul cho hay không phải đợi đến chỉ thị chấn chỉnh “đường dây nóng” của Bộ Y tế mà cách đây hơn 5 năm bệnh viện đã cho công khai “đường dây nóng” số 3919.009 gồm 8 người tham gia trực 24/24h, trong đó có 4 người trong Ban Giám đốc bệnh viện, Trưởng phòng KH-TH, Trường phòng Tổ chức cán bộ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc và 1 bác sỹ Trưởng khoa Nội tim mạch tại các phòng, khoa… để bệnh nhân có thể phản ánh những vướng mắc, thái độ phục vụ của đội ngũ y bác sỹ tại bệnh viện. Ngoài số điện thoại trên còn thêm số điện thoại trưởng khoa.
 
Theo bác sỹ Y Bliu Arul, có ngày “đường dây nóng” của bệnh viện tiếp nhận 2 đến 3 cuộc gọi của người bệnh, nhưng cũng có ngày không tiếp nhận cuộc gọi nào.

Đường dây nóng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk.
Đường dây nóng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk.
"Đường dây nóng" tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk.

Theo quy định của bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh qua “đường dây nóng” từ người bệnh, người trực lãnh đạo “đường dây nóng” có trách nhiệm xuống hiện trường để xác minh thông tin, xử lý vụ việc. Trong trường hợp vụ việc phản ánh vượt thẩm quyền giải quyết, người trực “đường dây nóng” sẽ báo cáo Giám đốc bệnh viện.

Bác sỹ Y Bliu Arul cũng cho biết nội dung phản ánh của người bệnh gồm cả nội dung tốt lẫn nội dung xấu, nhưng chủ yếu là tinh thần thái độ phục vụ, quy tắc ứng xử của y bác sỹ… Vấn đề này theo bác sỹ Y Bliu Arul là chiếm hơn 50% nội dung phản ánh của người bệnh.

Mới đây ngày 26/11, “đường dây nóng” của bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk tiếp nhận một phản ánh của người nhà bệnh nhân Trương Thị Thu Ngân (6 tháng tuổi) nằm tại Khoa nhi bị trật ven từ 15h-18h30 nhưng không có nhân viên ý tế đến xử lý nên bức xúc đòi chuyển viện.

Đối với trường hợp này, sau khi tiến hành xác minh, bệnh viện đã kiểm điểm ca trực và nhân viên điều dưỡng phụ trách.

Người bệnh chưa biết “đường dây nóng”

Theo thực tế của PV Dân trí, mặc dù bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk đã công khai “đường dây nóng” tại các khoa, phòng… nhưng do kích thước bảng giấy, khổ giấy hạn chế nên còn ít người bệnh biết đến.

Một số người dân đến khám chữa bệnh khi được hỏi thì cho biết vẫn chưa hề biết bệnh viện công khai “đường dây nóng” và “đường dây nóng” của bệnh viện là số nào. Chị Phạm Thị Phương Anh (40 tuổi, xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột) đang xét nghiệm máu ở gần Khu vực khám bệnh, cho biết: “Tôi đi khám từ sáng đến giờ nhưng vẫn chưa biết “đường dây nóng” là gì và được bệnh viện bố trí ở đâu cả! Tuy nhiên tôi thấy các bác sỹ hướng dẫn cũng khá chu đáo”.

Nhiều bệnh nhân, người nhà bệnh nhân phản ánh chưa biết đường dây nóng của bệnh viện.
Nhiều bệnh nhân, người nhà bệnh nhân phản ánh chưa biết "đường dây nóng" của bệnh viện.

Trong khi đó, ông Phạm Phú Thanh (55 tuổi, huyện Ea Súp, Đắk Lắk) đang chăm người thân tại Khoa Chấn thương Chỉnh hình, cho biết: “Tôi thấy triển khai đường dây nóng như vậy là tốt rồi, nhưng không biết khi mình phản ánh như vậy họ có giải quyết cho không. Không biết “đường dây nóng” được dán ở đâu nhưng tôi ở đây 10 ngày rồi mà vẫn chưa thấy. Khi biết “đường dây nóng” rồi mà thái độ của y bác sỹ không tốt là tôi phản ánh ngay”.

Liên quan đến vấn đề này, bác sỹ Y Bliu Arul thừa nhận việc này và cho biết thời gian tới bệnh viện sẽ khắc phục làm bảng to hơn, khổ lớn hơn và có phối màu để người bệnh dễ nhìn thấy hơn.

Viết Hảo