Dùng cồn nướng cá, nhân viên y tế bỏng nặng

(Dân trí) - Thấy ngọn lửa lụi dần nhưng cá chưa chín, người bạn cùng phòng cầm chai cồn tưới lên. Bị lửa bốc cháy dữ dội, táp vào tay, cô gái giật mình hất văng chai cồn trúng người M. Tr. khiến cả cơ thể nạn nhân thành ngọn đuốc sống.

Nữ nhân viên y tế đang được điều trị tại khoa Bỏng, bệnh viện Chợ Rẫy
Nữ nhân viên y tế đang được điều trị tại khoa Bỏng, bệnh viện Chợ Rẫy

Vụ bỏng thương tâm trên xảy đến với Lê Thị M.Tr. (23 tuổi, quê Bình Định) nhân viên một phòng khám y tế tư nhân tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Trước khi ngọn lửa bùng lên, M.Tr. cùng nhóm bạn tổ chức nướng cá khô làm thức ăn. Thay vì sử dùng lửa than để làm chín cá, họ đã sử dụng loại cồn dạng lỏng, nướng ngay trong phòng.

Khi thấy lửa lụi dần nhưng cá vẫn chưa chín, bạn của M.Tr. đã cầm chai cồn tưới lên, ngọn lửa bốc cháy dữ dội táp vào tay khiến cô gái giật mình hất văng chai cồn, trúng người M.Tr. Ngay lập tức, toàn thân nữ nhân viên y tế đã biến thành ngọn đuốc sống. Khi nhóm bạn dập tắt được lửa thì quần áo của cô gái đã cháy gần hết, nhiều mảng thịt da tróc loang lổ. M.Tr. được sơ cứu tại bệnh viện địa phương rồi chuyển đến bệnh viện Chợ Rẫy vào ngày 27/5.

Tại đây, bác sĩ xác định, bệnh nhân bị bỏng lửa cồn 49% toàn thân (độ II; III) trong đó có 6% bỏng sâu kèm theo bỏng hô hấp. Gần một tuần được điều trị, chăm sóc tích cực, bệnh nhân đã qua được giai đoạn sốc bỏng, tuy nhiên đến nay biến chứng bỏng trên diện rộng đang khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng nhiễm trùng máu.

Bỏng lửa cồn là tai nạn nguy hiểm, bệnh viện Chợ Rẫy đã từng tiếp nhận, điều trị nhiều trường hợp bỏng do lửa cồn gây ra khi ăn lẩu bằng bếp sử dụng cồn, nướng cá, nướng mực bằng cồn nước. Để hạn chế những tai nạn tương tự có thể xảy ra, bác sĩ khuyến cáo cộng đồng thay vì sử dụng cồn cho việc nấu nướng cần tính đến các giải pháp an toàn hơn như dùng bếp than củi, bếp điện.

Vân Sơn