Dùng chung khăn tắm, lăn khử mùi có lây hôi nách?

(Dân trí) - Vừa mới đầu hè cháu đã khốn khổ với tình trạng "mùi" vùng nách. Liệu có nguy cơ lây "hôi nách" khi dùng chung khăn tắm? Hôi nách có di truyền?

Hiện cháu đang dùng các sản phẩm lăn khử mùi nhưng cháu muốn chữa dứt điểm hôi nách, có biện pháp nào không thưa bác sĩ?(Đăng Quang, Thanh Xuân, Hà Nội).

TS Nguyễn Hữu Quang, Phó trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, phục hồi chức năng (ảnh), Bệnh viện Da liễu Trung ương trả lời:

Dùng chung khăn tắm, lăn khử mùi có lây hôi nách? - 1

Vào mùa hè, rất nhiều người khốn khổ với tình trạng mùi cơ thể, mùi hôi nách do tăng tiết quá nhiều mồ hôi vùng nách. Có đến 20% dân số bị tăng tiết mồ hôi và hôi nách. Hàng năm tại Viện Da liễu Trung ương điều trị cho vài trăm ca đến viện.

Khi tăng tiết mồ hôi nhiều sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển và là căn nguyên gây mùi. Có những người mùi nặng đến mức vừa bước vào phòng mọi người đã cảm nhận được, chưa nói đến việc mặc áo cộc mùa hè, hay khi vận động nặng.

Có một số ít tăng tiết mồ hôi mức độ nhẹ, nhưng cũng gây những bất tiện, khó chịu lúc nào cũng nơm nớp cơ thể “bốc mùi”.

Dùng chung khăn tắm, lăn khử mùi có lây hôi nách? - 2

Tuy nhiên, hôi nách là căn bệnh không lây truyền từ người này sang người kia nếu dùng chung khăn tắm, dùng chung lăn khử mùi. Dù vậy, đây là những đồ dùng cá nhân, nên chúng tôi khuyến cáo không nên dùng chung.

Còn để khẳng định hôi nách có di truyền hay không cần phải có nghiên cứu, nhưng có một số trường hợp thấy các thế hệ có liên quan với nhau. Tuy nhiên, để nói hôi nách di truyền chưa ai khẳng định.

Để hạn chế tình trạng này, việc quan trọng nhất là luôn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, tắm nhiều lần trong ngày. Ngoài ra, dùng các sản phẩm dược mỹ phẩm lăn nách để khử mùi. Trong trường hợp mùi hôi nách khiến bạn quá tự ti, cản trở giao tiếp, nên đến các cơ sở y tế khám để điều trị tăng tiết tuyến mồ hôi.

Hiện nay, có rất nhiều phương pháp tiên tiến để điều trị tăng tiết tuyến mồ hôi, mồ hôi có mùi.

Công nghệ tiên tiến nhất hiện nay là công nghệ chiếu các tia vi sóng vào vùng nách để triệt phá tuyến mồ hôi, cải thiện tăng tiết, mồ hôi có mùi. Đây là phương pháp cực ít xâm lấn, tác dụng phụ hầu như không có, không mất thời gian nghỉ dưỡng.

Ngoài ra còn phương pháp phẫu thuật, tiêm thuốc vào vùng nách. Mỗi công nghệ có ưu, nhược điểm riêng, chi phí riêng, bác sĩ sẽ tư vấn phù hợp với từng bệnh nhân.

Về trường hợp của cháu, cháu không nói rõ độ tuổi, nên tôi không thể tư vấn cụ thể về điều trị. Nhưng các trường hợp phụ nữ có thai, trẻ em dưới 18 tuổi khuyên chưa điều trị vì hệ cơ quan chưa phát triển hoàn toàn, việc điều trị có thể không mang lại kết quả như kỳ vọng.

Ngoài ra, chế độ ăn uống, sinh hoạt cũng có thể ảnh hưởng đến mùi cơ thể, đó là người lạm dụng dầu mỡ, đồ rán nhiều. Hay sau khi vận động, tập luyện thể thao nên tắm ngay để ngăn vi khuẩn sinh sôi phát triển gây mùi cơ thể.

Những người béo phì tăng tiết mồ hôi cũng nhiều hơn người bình thường. Việc giảm cân cũng giảm được nguy cơ tăng tiết mồ hôi,

Hay những người cảm xúc quá mẫn, hay hồi hộp, lo lắng cũng tăng tiết mồ hôi nhiều hơn người khác.

Các biện pháp dân gian khác như phèn, chanh… dù không có tác dụng vào trong tuyến mồ hôi, nhưng giúp làm sạch, trung hòa chất tiết ở vùng nách để giảm mồ hôi nhưng phải làm thường xuyên, liên tục vì không giải quyết được tận gốc tăng tiết mồ hôi.

Các loại thuốc gia truyền quảng cáo chữa hôi nách,muốn chứng minh về khoa học thì phải hiểu tác dụng cơ chế nào, tác dụng vào trong tuyến mồ hôi hay bên ngoài như sử dụng phèn, chanh thì cần phải nghiên cứu, nhưng đã là gia truyền thì không thể nghiên cứu.

Còn nếu đã làm các biện pháp giữ vệ sinh nách thường xuyên mà thấy bất tiện, hay vẫn mặc cảm vì “mùi” cơ thể thì người bệnh không nên e ngại hãy tìm đến bác sĩ để được tư vấn, điều trị.

Hồng Hải (ghi)