Đồng Tháp:

Đừng chủ quan với con lăng quăng

(Dân trí) - Chưa trọn 1 năm, Đồng Tháp đã xảy ra 2 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết (SXH). Nếu người dân tiếp tục chủ quan, các địa phương không vào cuộc phòng, chống một cách mạnh mẽ thì dịch bệnh này sẽ khó kiểm soát, bệnh sẽ tiếp tục lan rộng.

Từ đầu năm 2015 đến 25/9, cả nước ghi nhận trên 36.000 trường hợp mắc SXH, trong đó có 23 trường hợp tử vong. Riêng Đồng Tháp là một trong những địa phương có số ca mắc SXH tăng cao so cùng kỳ năm 2014.

Cụ thể từ đầu năm 2015 đến giữa tháng 9, tỉnh có trên 1.150 trường hợp mắc SXH, tăng trên 130% (tăng gần 700 ca) so cùng kỳ năm 2014; có 2 trường hợp tử vong, trong khi năm 2014 không có trường hợp tử vong do SXH.

Theo Sở Y tế, từ đầu tháng 9/2015 đến nay, trong 10 dịch bệnh nguy hiểm thì có 9 dịch bệnh không mắc hoặc số mắc cũng giảm sâu so cùng kỳ năm 2014, riêng bệnh SXH lại ghi nhận đến trên 270 ca, tăng trên 370% so cùng kỳ năm 2014.

Đừng chủ quan với con lăng quăng - 1

 

Tính từ đầu năm 2015 đến giữa tháng 9, tỉnh Đồng Tháp có trên 1.150 trường hợp mắc SXH, tăng trên 130% (tăng gần 700 ca) so cùng kỳ năm 2014; có 2 trường hợp tử vong, trong khi năm 2014 không có trường hợp tử vong do SXH.

Theo ngành Y tế Đồng Tháp, từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm là thời kỳ cao điểm của dịch SXH. Những ngày gần đây, vào những buổi sáng, chiều, loa truyền thanh tại nhiều huyện, thị, thành trong tỉnh đều có dành thời lượng tuyên truyền SXH đến nhân dân. Thế nhưng số hộ dân chưa có ý thức phòng ngừa bệnh thì thật sự mà nói là đếm không xuể.

“Đâu đâu ta cũng không khó bắt gặp những lu khạp chứa nước mưa, vỏ dừa, vỏ hộp cơm, bụi rậm mọc um tùm quanh nhà vẫn chưa được vệ sinh thì hỏi làm sao lăng quăng, muỗi không vào trú ngụ, từ đó phát sinh nhiều muỗi vằn cắn người dẫn đến SXH, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, tính mạng cả người lớn và trẻ em”, ông Nguyễn Văn Cường, một người dân tham gia trong đội tuyên truyền dịch bệnh SXH ở huyện Cao Lãnh cho biết.

Đừng chủ quan với con lăng quăng - 2

 

Nhiều người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn vẫn còn chủ quan với con lăng quăng nên quanh nhà còn nhiều vỏ dừa, lu khạp... chưa nước mưa.

Sự chủ quan không chỉ ở việc phòng ngừa dịch SXH mà ngay cả khi người bệnh có dấu hiệu mắc SXH (sốt cao đột ngột, liên tục trong 3 - 4 ngày liền, mệt mỏi, phát ban, buồn nôn, đau bụng,…) lại tự điều trị tại các phòng khám tư, tự mua thuốc hạ sốt uống, sau đó mới nhập viện thì tình trạng bệnh đã nặng, nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.

Ngành y tế tỉnh Đồng Tháp cũng phân tích, bên cạnh sự chủ quan trong nhận thức và điều trị bệnh, tại không ít địa phương, khi phát động phong trào diệt lăng quăng, diệt muỗi có nhiều gia đình không hợp tác hoặc vệ sinh phòng, chống muỗi làm cho “có lệ”. Sau đợt phát động, người dân lại tiếp tục không chủ động diệt lăng quăng, muỗi bên trong và xung quanh nhà. Ngoài ra, thiết nghĩ công tác tuyên truyền đến người dân cũng cần được nâng cao, đúng đối tượng. Hiện nay còn không ít người cho rằng SXH là tự nhiên chứ không do muỗi cắn. Do đó, ngành chức năng cần làm sao tuyên truyền cho bà con nhân dân nắm bắt được những nguy cơ, khẳng định rằng không có lăng quăng thì không có SXH.

Lưu ý, bệnh SXH vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó nếu người dân và những người có liên quan đến công tác phòng, chống dịch SXH còn chủ quan thì số ca mắc SXH tiếp tục cao trong những tháng tới và có thể ca tử vong không dừng lại ở con số 2.

Nguyễn Hành - H. N