Dùng chất cấm trong chăn nuôi: Càng xử phạt càng phức tạp?

(Dân trí) - Thông tin từ Cục Cảnh sát môi trường (Bộ CA), qua kiểm tra 40 cty sản xuất thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu sử dụng chất cấm Salbutamol thì có 18 Cty “dính” và bị phạt 2,6 tỉ đồng. Sau khi hàng loạt công ty bị xử phạt thì họ lại đi vào sản xuất lén lút và tuồn ra thị trường bằng nhiều hình thức.

chatcam-1459039365835

Sử dụng chất cấm thức ăn chăn nuôi gây ung thư là hình thức đầu độc người tiêu dùng.

Phát hiện 7 tấn thức ăn trộn chất cấm

Vài năm trở lại đây, dư luận xã hội và người tiêu dùng đang hết sức hoang mang khi các thuốc thành phẩm chứa chất Salbutamol được sử dụng trong ngành y tế chủ yếu trong khoa hô hấp với các chỉ định thăm dò chức năng hô hấp, điều trị cơn hen, ngăn cơn co thắt phế quản do gắng sức, điều trị tắc nghẽn đường dẫn khí hồi phục được, điều trị cơn hen nặng, cơn hen ác tính, viêm phế quản mạn tính, giãn phế nang.

Tuy nhiên trong chăn nuôi, nhiều người đã lạm dụng, trộn salbutamol trộn vào thức ăn để lợn, bò siêu nạc, tăng trưởng nhanh. Hiện chất này bị cấm dùng trong chăn nuôi trên toàn thế giới do có thể gây biến chứng ung thư.

Mới đây, cuối tháng 1/2016, CA tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và bắt giữ tới 7 tấn thức ăn chăn nuôi có chứa chất cấm đang được Lý Văn Thuỷ (Phó Giám đốc Công ty TNHH Thiên Nam, trụ sở tại phường Đồng Nguyên, TX Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), đang vận chuyển để mang đi giao bán cho các đại lí thức ăn chăn nuôi.

Đại tá Trần Trọng Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) cho biết, các Cty sản xuất thức ăn chăn nuôi đã sử dụng chất tạo màu Vàng ô vốn chỉ sử dụng trong công nghiệp (ngành nhuộm) được trộn vào thức ăn cho gà để tạo màu vàng đẹp mắt, hay chất salbutamol vốn chỉ được sử dụng làm thuốc chữa bệnh nhưng lại dùng trong thức ăn cho lợn, tạo siêu tăng trọng.

ct-1453429299893

Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh bắt giữ vụ Lý Văn Thủy (Phó GĐ CTy TNHH Thiên Nam đang vận chuyển hơn 6 tấn thức ăn chăn nuôi chưa chất cấm Salbutamol.

Càng xử phạt càng hoạt động tinh vi

Việc đưa salbutamol vào thức ăn chăn nuôi xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2012 khi Cục Cảnh sát môi trường phối hợp với lực lượng chức năng TPHCM kiểm tra và phát hiện tại kho của Công ty TNHH ONI (tỉnh Đồng Nai). Ngoài 2 tấn thức ăn chăn nuôi có chứa salbutamol, lực lượng chức năng còn thu giữ hơn 4,1 tấn sản phẩm thức ăn chăn nuôi cũng có chứa chất này của Công ty ONI tại 22 tỉnh, thành phố phía Nam.

Tuy nhiên, sau vụ việc Cty TNHH ONI bị xử phạt 50 triệu đồng thì hành vi sử dụng salbutamol không chấm dứt mà vẫn âm thầm diễn ra. Thậm chí, đến năm 2014, nó còn được các công ty bán trực tiếp cho người chăn nuôi và sử dụng rầm rộ cho đến nay.

Chỉ có 3,5 tấn salbutamol dùng sản xuất thuốc

Theo số liệu của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), cả nước hiện có 20 công ty được phép nhập khẩu salbutamol (trong đó có 16 doanh nghiệp đã tiến hành nhập trong 2 năm 2014-2015 với tổng số hơn 9,14 tấn) và có 40 nhà máy, xưởng sản xuất được cấp phép sản xuất thuốc có chất salbutamol với nhu cầu thực sử dụng trong y tế là 3,5 tấn.

Cụ thể, tháng 1/2015, Cục Cảnh sát môi trường đã phát hiện 3 công ty gồm: Công ty TNHH VIMARK (khu công nghiệp Đình Trám, Bắc Giang), Công ty CP SX&TM Đại An Tín (TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương), Công ty CP dinh dưỡng Thái Lan (thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) có dấu hiệu sử dụng salbutamol để sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Theo Đại tá Bình, điều đáng lo ngại sau khi hàng loạt các vi phạm trên bị phát hiện, xử lý, các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu sử dụng chất cấm trong chăn nuôi không còn công khai như trước nhưng vẫn tồn tại với hình thức hết sức tinh vi, phức tạp.

Các đối tượng đưa salbutamol vào thức ăn chăn nuôi dưới dạng đóng gói nhỏ với tên gọi “bổ sung dinh dưỡng” để tặng hay bán kèm tại các đại lý, hoặc được một số thương lái trực tiếp mang đến cung cấp cho chủ cơ sở chăn nuôi.

Đối với người chăn nuôi, mặc dù biết đó là chất cấm, nhưng vì cái lợi trước mắt nên vẫn làm ngơ. Ngoài salbutamol, qua công tác nắm tình hình, cơ quan chức năng còn phát hiện thêm 1 loại chất mới có tên Zeranol được dùng để thay thế các chất tạo nạc vốn từng bị cấm sử dụng.

Trong lần thanh kiểm tra liên ngành có sự tham gia của Cục Cảnh sát môi trường do Bộ NN&PTNT thành lập, kiểm tra trên 40 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và sử dụng thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu sử dụng chất cấm tại các địa phương. Kết quả đã phát hiện và xử phạt 18 công ty có hành vi vi phạm sử dụng salbutamol và Vàng ô với số tiền hơn 2,6 tỷ đồng.

ct1-1453429299896

Sau vụ bắt giữ hàng tấn thức ăn chăn nuôi chứa chất cấm do Lý Văn Thủy vận chuyển, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh tiếp tục kiểm tra một đại lý bán Thức ăn chăn nuôi và phát hiện thêm khoảng 1 tấn thức ăn chăn nuôi cũng chứa chất cấm Salbuntamol.

Do độ “nóng” trong việc sử dụng thức ăn chăn nuôi có chứa chất cấm gây ung thư, mới đây Phòng Cảnh sát môi trường (CATP Hà Nội), đã phối hợp với lực lượng liên ngành Thanh tra Sở Y tế, Chi cục Thú y Hà Nội… tiến hành kiểm tra các cơ sở chăn nuôi, giết mổ trên địa bàn thành phố, đặc biệt về tình trạng sử dụng chất tạo màu Vàng ô trộn vào thức ăn cho gà hay chất cấm Salbutamol trong thức ăn chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, lực lượng chức năng chưa phát hiện được trường hợp nào vi phạm.

Theo Đại tá Bình, để giải quyết những bất cập trong việc quản lý nhập khẩu và kinh doanh salbutamol, Cảnh sát môi trường đã tăng cường phối hợp với Tổng cục Hải quan, Cục Quản lý Dược để nắm tình hình các đối tượng nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng salbutamol.

Bên cạnh đó cần nâng cao năng lực, trình độ và phẩm chất cho các lực lượng thực thi pháp luật, xử lý nghiêm những vi phạm trong kinh doanh, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vì an toàn sức khỏe cho nhân dân. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền trong nhân dân, nhất là đối với những hộ, cơ sở kinh doanh để họ từ bỏ hành vi vi phạm.

Tuấn Hợp