Dùng chất béo thế nào để tốt cho sức khỏe?

Ngày nay việc tiêu thụ chất béo thiếu kiểm soát có thể dẫn tới nhiều loại bệnh nguy hiểm, từ béo phì đến tim mạch, mỡ máu, tiểu đường. Tuy nhiên, việc kiêng khem quá mức chất này lại khiến cơ thể rơi vào tình trạng lợi bất cập hại.

Nguồn dưỡng chất quan trọng của cơ thể

Một bữa ăn cân bằng dinh dưỡng không thể thiếu chất béo, bởi đây là nguyên liệu cần thiết để kiến tạo màng tế bào, tham gia các phản ứng sinh hóa bên trong cơ thể, giúp cơ thể hấp thu các sinh chất như các loại vitamin hòa tan trong dầu (A, D, E, K)...

Không những thế, chất béo còn là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng cho cơ thể: với mỗi 1gr chất béo, cơ thể được cung cấp 9kcal, cao hơn hẳn so với các nhóm dinh dưỡng khác như chất đạm hoặc tinh bột.

Chú thích: Một bữa ăn cân bằng dinh dưỡng không thể thiếu chất béo
Chú thích: Một bữa ăn cân bằng dinh dưỡng không thể thiếu chất béo

Tuy nhiên, mỗi ngày, chỉ nên nạp lượng chất béo tối đa chiếm 25% tổng năng lượng. Điều đó có nghĩa là dầu ăn và mỡ không quá 4 muỗng cà phê/người/ngày đối với người bình thường. Nếu ăn quá nhiều mỡ, dầu sẽ dẫn đến thừa cân, béo phì, rối loạn mỡ máu, bệnh lý đái tháo đường, tăng huyết áp và tai biến mạch máu não...

Cân đối chất béo động vật và thực vật

Chất béo chủ yếu có ở 2 nguồn chính là mỡ động vật và dầu thực vật. Mỡ động vật là mỡ lấy từ gia súc và gia cầm, hải sản như lợn, bò, gà, cá hồi... Trong khi đó, dầu thực vật là nguồn chất béo từ các loại dầu có lợi cho sức khỏe như dầu đậu nành, hướng dương, gạo, dừa, cọ...

Cần cân đối sử dụng cả mỡ và dầu vì trong mỡ động vật có nhiều chất cholesterol cần thiết cho cấu trúc tế bào, đặc biệt là tế bào thần kinh. Mỡ động vật cũng tham gia tạo nên màng tế bào thần kinh, tham gia vào một số men chuyển hóa trong cơ thể và đặc biệt là nội tiết tố sinh dục, tuyến thượng thận... nên trẻ đang tuổi lớn và người ở tuổi trung niên nên ăn thịt, cá để có đủ nguồn mỡ động vật.

Còn các loại dầu ăn như dầu gạo, dầu dừa, dầu nành, dầu hướng dương, dầu ôliu… lại rất giàu các dưỡng chất cần thiết mà cơ thể không thể tổng hợp như axít béo Omega 3,6,9. Ngoài ra,các dưỡng chất Phytosterols và đặc biệt là “dưỡng chất vàng”  chống ôxi-hóa tự nhiên Gamma-Oryzanol (khả năng  chống ô-xy hiêu quả gấp 4 lần vitamin E) trong dầu gạo giúp làm giảm cholesterol xấu trong máu, ức chế sự hình thành các gốc tự do, ngăn ngừa lão hóa. Hay với hàm lượng Vitamin E cao nhất so với các loại dầu thực vật khác, dầu hướng dương giúp chống lại quá trình ô-xi hóa trong cơ thể, đẩy lùi các gốc tự do là nguyên nhân gây nên bệnh ung thư, tim mạch… Còn dầu nành với hàm lượng Phytosterols giúp giảm đáng kể lượng cholesterol xấu trong máu, thúc đầy tuần hoàn máu, giảm nguy cơ tăng huyết áp, đột quỵ, xơ vữa động mạch, đồng thời mang lại những lợi ích đáng kể cho thị giác và não bộ.

Chú thích: Sử dụng chất béo sao cho thông minh và hợp lý cũng là một bài toán cần lời giải
Chú thích: Sử dụng chất béo sao cho thông minh và hợp lý cũng là một bài toán cần lời giải

“Mỗi loại dầu có các dưỡng chất riêng. Do đó, để đảm bảo các dưỡng chất cho cơ thể, người tiêu dùng nên cân nhắc sử dụng kết hợp 3 loại dầu gạo, dầu đậu nành, dầu hướng dương trong chế biến bữa ăn hàng ngày (chiên, xào, trộn salad…)”, PGS. TS. Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyên.

Một số lưu ý về sử dụng chất béo

Người cao tuổi nên hạn chế tối đa việc dùng chất béo nguồn động vật như mỡ heo, bò, gà...vì khó hấp thu và dễ gây tắc nghẽn mạch máu. Nên hạn chế dùng các thực phẩm chế biến sẵn có sử dụng các loại bơ thực vật (margarin) vì đây là một dạng trans fat (axit béo nhân tạo). Không nên dùng một số loại dầu thực vật chứa nhiều chất béo không tốt như dầu dừa, dầu cọ. Thay vào đó, nên dùng các dầu có lợi cho sức khỏe như dầu ô liu, dầu gạo, dầu mè, dầu hướng dương, dầu đậu nành...

Vân Hà