Đừng bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo loại ung thư "ác mộng" với nam giới

(Dân trí) - Ung thư tuyến tiền liệt có thể coi là “cơn ác mộng” trong số các bệnh ung thư ở nam giới. Đây là căn bệnh khá nguy hiểm và có xu hướng ngày càng gia tăng.

Các dấu hiệu của ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn đầu khá mơ hồ như đái khó, đái rắt, đái ra máu, cương đau dương vật… có thể gặp ở nhiều bệnh thông thường khác. Căn bệnh này vốn là "cơn ác mộng" với nam giới do phát hiện muộn. Trong khi đó, nếu được chẩn đoán và điều trị ung thư tuyến tiền liệt ngay từ giai đoạn sớm sẽ giúp tiên lượng bệnh tốt hơn.

Vì thế, nam giới cần chú ý những dấu hiệu đầu tiên cảnh báo ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn đầu trước khi quá muộn. 

Ung thư tuyến tiền liệt là gì?

Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh lý ác tính phát triển trong tuyến tiền liệt, một tuyến nằm dưới bàng quang ở nam giới sản xuất tinh dịch. Bệnh thường phát triển chậm. Nhưng có những trường hợp xâm lấn, khối u có thể lan ra các phần khác của cơ thể, đặc biệt là xương và các hạch bạch huyết. 

Ước tính 80% nam giới dưới tuổi 80 bị ung thư tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, người trẻ cũng có nguy cơ mắc bệnh.

Đừng bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo loại ung thư ác mộng với nam giới - 1

Triệu chứng ung thư tuyến tiền liệt

Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn đầu 

Theo bác sĩ Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội), ở giai đoạn này, các dấu hiệu của bệnh khá mơ hồ như:

- Các biểu hiện thể hiện sự xâm lấn hoặc chèn ép gây tắc đường tiết niệu: tiểu khó, tiểu rắt, tiểu máu, đôi khi bí tiểu. Đôi khi có biểu hiện tắc niệu quản.

- Hiếm gặp hơn, có thể có biểu hiện chèn ép, gây tắc nghẽn ở trực tràng hoặc cương đau dương vật, xuất tinh ra máu.

Các bác sĩ sẽ thăm khám trực tràng. Đây là động tác đơn giản nhưng có giá trị chẩn đoán cao để phát hiện khối u, đánh giá tuyến tiền liệt về mật độ, kích thước, mức độ xâm lấn xung quanh, đặc điểm của rãnh giữa; tình trạng của thành trực tràng, sự hẹp lòng trực tràng.

Những biểu hiện của ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn đầu như tiểu khó, tiểu rắt, tiểu ra máu… thường gặp ở người lớn tuổi và không phải lúc nào cũng là triệu chứng của ung thư. Vì thế, nhiều người thường chủ quan, không nghĩ đến ung thư, đến khi phát hiện thì bệnh đã di căn. 

Biểu hiện ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn tiến triển

Bệnh nhân sẽ có một số biểu hiện như:

- Đau lưng, hông

- Giảm cân

- Đau vùng khung chậu

- Tiểu đau buốt hoặc rát, không thể đi tiểu

- Có máu trong nước tiểu

- Tiểu đêm

- Khó khăn trong việc duy trì cương cứng

- Táo bón mạn tính và các vấn đề đường ruột khác

Đừng bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo loại ung thư ác mộng với nam giới - 2

Điều trị ung thư tuyến tiền liệt như thế nào?

Có nhiều phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt, tùy thuộc vào từng giai đoạn mà bác sĩ lựa chọn, kết hợp các phương pháp khác nhau nhằm tối ưu hóa hiệu quả điều trị.

Xu hướng hiện nay là cá nhân hóa điều trị để việc điều trị đạt kết quả cao nhất, do đó tùy vào từng ca bệnh, bác sĩ sẽ có những chỉ định riêng.

- Phẫu thuật: Bệnh nhân được cắt bỏ toàn bộ tuyến tiền liệt, hai túi tinh và có thể nạo hạch vùng chậu hai bên. Phương pháp này áp dụng nhằm điều trị triệt để ung thư khi còn khu trú trong tuyến tiền liệt- ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn đầu

- Điều trị nội tiết: Ung thư tuyến tiền liệt là loại ung thư nhạy với nội tiết tố nam nên nếu bằng cách nào cắt nguồn cung cấp nội tiết nam thì khối u sẽ ngừng phát triển.

- Xạ trị: Chiếu tia phóng xạ để diệt các tế bào ung thư, như xạ trị ngoài (chiếu xạ từ ngoài vào) hoặc xạ trị trong (cấy các hạt phóng xạ vào trong lòng tuyến tiền liệt).

- Hóa trị: không bao giờ là phương pháp điều trị tận gốc đối với ung thư tuyến tiền liệt. Hóa trị chủ yếu là điều trị khi ung thư không còn nhạy với điều trị nội tiết mà trong y khoa gọi là giai đoạn kháng cắt tinh hoàn.

Hiện nay đối với ung thư có độ ác tính cao các nghiên cứu cho phép điều trị nội tiết phối hợp với hóa trị sớm cho kết quả tốt hơn.

Phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt 

- Thăm trực tràng.

- Định lượng PSA: PSA là chất chỉ điểm ung thư tuyến tiền liệt đặc hiệu. Nếu chỉ số này nhỏ hơn 4ng/ml, khả năng mắc ung thư tiền liệt tuyến là 15%. Nếu từ 4 đến 10, khả năng bị bệnh là 25%. Còn PSA cao hơn 10, nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến lên đến 67%.

- Siêu âm qua ổ bụng hoặc qua đầu dò trực tràng và sinh thiết nếu có nghi ngờ tổn thương

- Chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ vùng bụng, vùng khung chậu đánh giá mức độ xâm lấn.

- Chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) xác định mức độ xâm lấn của ung thư.

Đối tượng nguy cơ cao mắc ung thư tuyến tiền liệt

Ung thư tuyến tiền liệt gặp ở những người:

- Có tiền sử gia đình mắc ung thư tuyến tiền liệt

- Người thừa cân - béo phì

- Người có chế độ ăn giàu chất béo

- Người hút thuốc lá

BS Nguyễn Duy Khoa, Đơn nguyên Nội Theo yêu cầu III, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội khuyên bắt đầu ở tuổi 50, nam giới nên được tầm soát ung thư tiền liệt tuyến. Những người có cha hoặc anh trai bị ung thư tuyến tiền liệt trước 65 tuổi, thì nên được tầm soát ung thư tuyến tiền liệt từ 45 tuổi. Với đàn ông nguy cơ cao hơn khi nhiều thành viên trong gia đình chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt trước tuổi 65 thì nên được tầm soát ung thư tuyến tiền liệt bắt đầu từ tuổi 40.

Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh có tiên lượng tốt nếu được phát hiện và điều trị sớm, tỷ lệ sống sau 5 năm có thể đạt 100%. Chính vì thế, người bệnh cần đi khám ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh để được điều trị kịp thời, hiệu quả.

Phòng ngừa ung thư tuyến tiền liệt

- Có chế độ ăn uống lành mạnh ít thịt đỏ, bổ sung nhiều chất xơ.

- Kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Các bác sĩ khuyến cáo với nam giới ở độ tuổi sau 40 nên thăm khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để bảo vệ sức khỏe của mình trước căn bệnh ung thư tiền liệt tuyến bới càng phát hiện sớm thì khả năng điều trị thành công càng cao.

- Vận động thể dục hợp lý.

- Chế độ sinh hoạt khoa học, đều đặn.

Hà An