Đột quị ở trẻ: Nguy hiểm nhưng khó biết

(Dân trí) - Khi nói đến “đột quị”, chúng ta thường nghĩ ngay tới người già. Đúng là khi có tuổi thì nguy cơ đột quị tăng lên; khả năng bị đột quị tăng gấp đôi sau mỗi 10 năm sống sau tuổi 55. Nhưng trẻ em cũng có thể bị đột quị, và thậm chí bệnh có thể xảy ra khi trẻ còn ở trong bụng mẹ.

Đột quị ở trẻ: Nguy hiểm nhưng khó biết
Đột quị xảy ra ở 6/ 100.000 trẻ em ở Mỹ và là một trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em tại nước này.

Đột quị trước sinh và đột quị trẻ em

Có hai dạng đột quị trong nhi khoa: Đột quị trước sinh và đột quị trẻ em.

Đột quị trước sinh, còn gọi là đột quị thai nhi, xảy ra trong khoảng thời gian từ 18 tuần cuối cùng của thai kỳ đến 30 ngày đầu sau khi trẻ chào đời. Ở Mỹ, đột quị trước sinh xảy ra với tỷ lệ 1 - 2 trường hợp/2.800 ca sinh sống.

Phần lớn các trường hợp đột quị trước sinh là nhồi máu, do cục máu đông bong ra từ bánh rau di chuyển và làm tắc mạch máu ở não của trẻ.

Đột quị trẻ em xảy ra ở trẻ từ 1 tháng tuổi đến 18 tuổi. Không như người lớn đột quị do nhồi máu hay gặp nhất, tỷ lệ trẻ em bị đột quị do nhồi máu và đột quị do xuất huyết là như nhau. Khoảng 60% tổng số trường hợp đột quị nhi khoa xảy ra ở các bé trai.

Các yếu tố nguy cơ

Ở người lớn, cao huyết áp, loạn nhịp tim và xơ vữa động mạch là những yếu tố nguy cơ hay gặp nhất gây đột quị. Tuy nhiên những yếu tố này hiếm khi gây đột quị ở trẻ em.

Theo Hội Đột quị Mỹ, khoảng một nửa số ca đột quị nhi khoa xảy ra trên nền bệnh có sẵn, hay gặp nhất là bệnh hồng cầu liềm – một bệnh máu di truyền – và bệnh tim bẩm sinh.

Những bệnh nền khác có thể làm tăng nguy cơ đột quị ở trẻ em bao gồm nhiễm trùng vùng đầu và cổ, đông máu bất thường, chấn thương vùng đầu và các bệnh hệ thống, như rối loạn tự miễn.

Tiền sử mẹ vô sinh, vỡ ối sớm, tiền sản giật và nhiễm trùng ối cũng làm tăng nguy cơ đột quị ở trẻ.

Mặc dù các yếu tố nguy cơ đột quị liên quan đến tim mạch ở người lớn ít gặp trên trẻ em, nhưng những yếu tố này cũng đang tăng lên ở người trẻ, bao gồm cao huyết áp, béo phì, đái tháo đường, cholesterol cao, sử dụng thuốc lá và rượu bia.

Nghiên cứu cũng gọi ý rằng cảm lạnh và những nhiễm trùng nhẹ khác có thể làm tăng tạm thời nguy cơ đột quị ở trẻ.

Điều quan trọng cần lưu ý là khoảng một nửa số trường hợp đột quị trẻ em không xác định được các yếu tố nguy cơ.

Dấu hiệu và triệu chứng?

Có thể rất khó phát hiện triệu chứng đột quị ở những trẻ còn rất nhỏ. Khoảng 40% trẻ dưới 1 tuổi không biểu hiện các triệu chứng của đột quị sớm; cha mẹ có thể không biết con mình bị đột quị cho đến nhiều tháng sau, khi trẻ đã biểu hiện giảm vận động hoặc yếu nửa người hoặc nửa mặt.

Đột quị ở trẻ: Nguy hiểm nhưng khó biết
Cùng với yếu hoặc tê nửa người, các dấu hiệu khác của đột quị ở trẻ em có thể gồm đau đầu dữ dội, chóng mặt và nôn.

Co giật nhiều lần ở mặt, tay hoặc chân có thể là dấu hiệu của đột quị ở trẻ sơ sinh, trẻ có thể ngừng thở kèm theo nhìn trừng trừng kéo dài và cực kỳ mệt mỏi.

Khi trẻ lớn lên, các dấu hiệu của đột quị rất giống với người lớn. Yếu hoặc tê nửa người, khó nói hoặc khó hiểu ngôn ngữ - như nói ngọng hoặc không hiểu được những chỉ dẫn đơn giản – có thể là dấu hiệu của đột quị.

Những dấu hiệu khác có thể gồm đau đầu nhiều, nôn, mệt mỏi, chóng mặt và co giật.

Những dấu hiệu đột ngột của đột quị ở cả trẻ em và người lớn:

- Liệt mặt. Một bên mặt có bị tê hoặc liệt hay không? Người bệnh có cười được không?

- Yếu tay. Một bên tay có bị tê hay yếu không? Đề nghị bệnh nhân giơ cả hai tay. Một bên tay có bị rơi xuống không?

- Nói khó. Người bệnh có nói ngọng không? Họ có khó nói hoặc người khác khó hiểu họ nói gì hay không? Có thể nhắc lại đúng một câu đơn giản không?

- Thời điểm gọi cấp cứu. Nếu người bệnh biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào ở trên, hãy gọi cấp cứu ngay, cho dù triệu chứng đã hết. Kiểm tra thời điểm mà những triệu chứng đầu tiên xuất hiên.

Điều trị đột quị nhi khoa

Đối với người lớn bị đột quị do thiếu máu cục bộ (nhồi máu), điều trị đầu tiên cần nghĩ tới là thuốc hoạt hóa plasminogen mô (tPA), có tác dụng làm tiêu cục máu đông gây tắc mạch, phục hồi dòng máu đến não. Thuốc cần được dùng trong vòng 3 giờ sau khi triệu chứng khởi phát - 4,5 giờ ở một số bệnh nhân.

Tuy nhiên, việc sử dụng tPA ở trẻ nhỏ bị đột quị do nhồi máu còn đang tranh cãi. Vì trẻ em và người lớn có sinh lý khác, nên các thầy thuốc thường lo ngại về độ an toàn và hiệu quả của thuốc ở trẻ em.

Điều trị đột quị cho trẻ em thường phụ thuộc vào nguyên nhân gây đột quị và bệnh nền mà trẻ mắc. Ví dụ, trẻ bị đột quị do dị tật ở tim có thể được điều trị bằng các thuốc chống đông máu, như warfarin hoặc aspirin.

Trẻ bị đột quị có khoảng 15-18% khả năng bị đột quị lần nữa. Do đó, nhiều trẻ có thể được điều trị để phòng ngừa đột quị tái phát, như các thuốc chống đông – để ngăn không cho cục máu đông hình thành và phát triển.

Một biện pháp quan trọng đối với đa số trẻ bị đột quị là phục hồi chức năng, có thể bao gồm vật lú trị liệu, liệu pháp nghề nghiệp và ngôn ngữ.

60% số trẻ bị các vấn đề thần kinh, như bại não, sau đột quị. Phục hồi chức năng có thể giúp giảm các tác động thần kinh của đột quị, và điều trị càng được bắt đầu sớm thì càng nhiều khả năng thành công.

Cẩm Tú

Theo Medicalnewstoday