Dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục lây lan đến TP. Thanh Hóa

(Dân trí) - Sau khi đàn lợn của một gia đình trên địa bàn TP. Thanh Hóa lăn ra chết bất thường, cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện các mẫu này đều dương tính với dịch tả lợn Châu Phi.

 Chiều ngày 17/3, ông Hoàng Huy Chung, Chủ tịch UBND xã Đông Lĩnh, TP. Thanh Hóa cho biết: “Hôm 15/3, chúng tôi nhận được tin báo có 4 con heo của hộ dân trên địa bàn ốm chết, sau đó Chi cục thú y tỉnh Thanh Hóa đã về lấy mẫu gửi đi xét nghiệm. Đến chiều 16/3, chúng tôi đã nhận được kết quả số heo trên đã mắc dịch tả heo châu Phi nên đã tiến hành tiêu hủy ngay theo quy định”.

Cũng theo ông Chung, ngay sau khi tiêu hủy số heo mắc bệnh, xã cũng đã thông báo cho người dân toàn xã được biết, đồng thời lập tiến hành phun tiêu độc khử trùng, rắc vôi toàn bộ các gia trại, trang trại trên địa bàn và cho lập chốt kiểm soát heo ra vào địa bàn.

53302392_247469666160234_7964991157937635328_n.jpg

Ngay sau khi có kết quả dịch tả lợn châu Phi, số lợn mắc bệnh trên đã được tiêu hủy tại chỗ.

Ngoài ra, tại phố Kiều Đại, phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) cũng phát hiện 1 con heo chết bất thường. Hiện cơ quan chức năng đã lấy mẫu gửi đi xét nghiệm tuy nhiên chưa có kết quả.

Như vậy,  sau 23 ngày từ thời điểm xuất hiện ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên Thanh Hóa đã có 25 hộ của 14 thôn, 12 xã ở 2 huyện Yên Định, Thiệu Hóa và TP .Thanh Hóa có dịch tả heo châu Phi. Hiện lực lượng chức năng đã tiêu hủy 667 con heo (trọng lượng gần 33.000 kg).

Được biết, từ ngày 28/2 đến ngày 14/3, 6 trạm kiểm dịch trên các tuyến Quốc lộ đã kiểm tra 1.490 phương tiện chở heo, trâu bò và gia cầm, trong đó xe chở heo có 439 phương tiện, 83.042 con heo; 638 phương tiện chở 35.125 con trâu bò.

53649940_677238702695323_505647826902974464_n.jpg

Mọi ngã đường dẫn vào các hộ nuôi lợn đều được rải vôi bột.

“Trong ngày 14 rạng ngày 15/3, đã có 5 xe chở heo từ các tỉnh Hà Nội, Hải Dương, Lạng Sơn, Tuyên Quang vào các tỉnh Đà Nẵng, Vĩnh Long, Tiền Giang, Đồng Nai với số lượng gần 1.000 con heo. Những xe chở heo vào Nam chúng tôi đặc biệt kiểm tra rất chặt chẽ, từng con heo một sau đó phun tiêu độc khử trùng mới cho qua”- Ông Phạm Văn Tới, Phó trạm kiểm dịch động vật và thủy sản - Chi cục thú y tỉnh Thanh Hóa cho biết.

Cũng theo vị lãnh đạo này, từ ngày dịch tả heo xuất hiện tại Thanh Hóa, trạm chưa phát hiện 1 phương tiện chở heo nào “có vấn đề” khi qua trạm vào phía Nam.

Để ngăn chặn, khống chế, dập tắt dịch tả heo châu Phi trên địa bàn Ban thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có chỉ thị yêu cầu cả hệ thống chính trị các cấp nhanh chóng thực hiện các biện pháp cấp bách để phòng chống dịch.

Cụ thể, tại 2 huyện có dịch tả heo, đã cho thành lập 48 chốt ở các xã kiếm soát ra vào vùng dịch, 5 đội kiểm tra lưu động. Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa cũng đã thành lập 4 chốt kiểm dịch liên ngành tạm thời trên tuyến đường Hồ Chí Minh (2 chốt); Quốc lộ 10 và Quốc lộ 217 và tăng cường thêm lực lượng cho 2 chốt cố định huyết mạch trên Quốc lộ 1A (tại Dốc Xây, thị xã Bỉm Sơn và cầu Ghép, huyện Tĩnh Gia) nhằm kiểm tra, kiểm soát các phương tiện chở gia súc, gia cầm ra vào địa bàn Thanh Hóa, đặc biệt là những xe chở heo vào phía Nam.

Bình Minh