Dịch sốt xuất huyết tăng nhanh

(Dân trí) - Vài ngày trở lại đây, bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH) ở Hà Nội, Bình Định tăng nhanh. Tại Hà Nội, nhiều ca bị biến chứng nặng như sốc, trụy mạch, chảy máu các cơ quan nội tạng... Riêng tại Bình Định, đã có 2 ca tử vong chỉ trong vòng nửa tháng qua.

Hà Nội: Nhiều ca sốc, truỵ mạch do chủ quan
 
BS Nguyễn Nhật Thỏa, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia cho biết: "Trong tổng 721 bệnh nhân nhập viện từ đầu năm tới nay, riêng tháng 7 đã có tới 299. Bước sang tháng 8, dịch SXH đến “đỉnh” và bùng phát. Từ 1/8 đến 11/8, số bệnh nhân nhập viện đã là 170 trường hợp".
 
BS Thoả nhận định, số bệnh nhân sốt xuất huyết sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những ngày tới. Mấy ngày trở lại đây, mỗi ngày có từ 30-35 bệnh nhân SXH tới Viện khám vì những biến chứng nặng. Hiện tại viện đang điều trị nội trú cho 83 trường hợp, trong đó 19 bệnh nhân nặng (truỵ mạch).

Trong số các ca nhập viện từ đầu năm tới nay, bệnh nhân khu vực Hà Nội chiếm đông nhất 659 trường hợp (chiếm 91,4%), tiếp đến là các tỉnh Nam Định, Bắc Giang, Hưng Yên, Bắc Ninh…Tại Hà Nội, bệnh nhân rải rác ở 23 quận huyện, tập trung đông nhất ở Hoàng Mai (168 bệnh nhân), tiếp đến là Thanh Xuân (111 bệnh nhân), Đống Đa (108 bệnh nhân), Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Thanh Trì… Về nhóm đối tượng, bệnh nhân sốt xuất huyết ở tuổi học sinh, sinh viên là đông nhất. Trong tổng số các ca bệnh, có tới là 458 trường hợp (chiếm 63,5%) bệnh nhân ở lứa tuổi 16-30 tuổi. Còn bệnh nhân nhỏ dưới 15 tuổi có 19 trường hợp,tuổi từ 31-45 tuổi có 159 trường hợp, trên 45 tuổi là 85 trường hợp. 

Dịch sốt xuất huyết tăng nhanh - 1
Một trường hợp sốc, truỵ mạch do SXH được điều trị tại Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia (Ảnh: H.Hải)
 
BS Nguyễn Trung Cấp, Phó khoa Hồi sức tích cực, Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, cho biết, có rất nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết biến chứng nặng đang được điều trị tại khoa. Như trường hợp của bệnh nhân N.V.T (22 tuổi, quận Hoàng Mai), khi bệnh nhân này được đưa tới viện, các bác sĩ đã phải hồi sức cấp cứu vì T. bị sốc và trụy mạch, huyết áp tụt không đo được. Vì là thanh niên trai tráng nên khi bị sốt, T. vẫn rất chủ quan, không nghĩ mình bị SXH. Sau hai ngày đầu sốt cao 39-40 độ, những ngày sau chỉ còn hâm hấp sốt nên T. nghĩ chắc bệnh đã lui. Không ngờ đến ngày thứ 6, người cậu mềm oặt, mệt lả không thể tự đứng dậy được nên đã được đưa vào viện. May mắn T. được cấp cứu kịp thời nên không còn nguy hiểm đến tính mạng.
 
Vào vùng dịch SXH Bình Định
Dịch sốt xuất huyết tăng nhanh - 2

Bệnh nhi SXH đang được điều trị tại Bệnh viện TP Quy Nhơn (Ảnh: H.Khê)
Báo cáo từ Sở y tế Bình Định cho biết, trong vòng 1 tháng qua, trên địa bàn toàn tỉnh đã có tới 834 ca nhiễm SXH, trong đó số trường hợp gặp biến chứng là 373 ca. Dẫn đầu là TP Quy Nhơn (404 ca), tiếp đến là Tuy Phước,  Phù Cát…

 

Sau khi có 2 trường hợp tử vong chỉ trong vòng nửa tháng (mới nhất là trường hợp 19 tuổi, trước đó là 1 bé gái 8 tuổi) do chủ quan tự điều trị, nhiều người dân mới vội vã đưa người thân vào viện.

 

Chị Bùi Thị Liên (trú KV8, phường Nhơn Phú, Quy Nhơn), có con đang nằm điều trị SXH tại bệnh viện (BV) Đa khoa TP Quy Nhơn, cho biết: “Nhà tui có đến 3 người mắc bệnh nhưng do điều kiện hơi khó khăn nên đành để ở nhà ,gọi y tá đến truyền dịch. Nay cũng đỡ rồi. Nhưng hôm qua gần nhà có người chết vì SXH nên gia đình tá hỏa, đứa út nặng nhất nên đưa lên đây. Sáng nay mới làm thủ tục nhập viện cho cháu”.

Còn chị Nguyễn Thị Thu Hà (KV9, phường Nhơn Bình) lại nói: “Hai vợ chồng tui buổi sáng đã thấy con bị sốt và nổi nốt đỏ chấm đen ngoài da nhưng do đã lỡ ngâm lúa nên phải ra đồng. Trưa về thấy con run rẩy mới đưa đến bệnh viện”.

 

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó phụ trách khoa truyền nhiễm BV TP Quy Nhơn, cho biết: “Trong gần tháng qua, số bệnh nhân đến viện đều trong tình trạng đã bị sốt mấy ngày trước đó, do điều trị không đỡ, thấy xuất huyết ngoài da mới đưa đi”.

 

Nói về nguyên nhân bùng phát dịch ở TP Quy Nhơn, ông Lê Quang Hùng, Phó giám đốc Sở Y tế Bình Định, kết luận: “Sở dĩ dịch bùng phát ở địa bàn Quy Nhơn là vì vệ sinh môi trường thành phố không ổn bấy lâu nay, không chỉ do người đông mà vì môi trường sống chưa tuân theo một quy chuẩn nào. Bên cạnh đó, phong trào thờ cúng các loại cây thần tài trong nhà chính là nơi lý tưởng để muỗi sinh trưởng và tồn tại”.

“Đối tượng mắc ở lứa tuổi học sinh, sinh viên rất nhiều là vì các em thường trọ học ở những dãy nhà cấp 4 ẩm thấp, rất nhiều muỗi nhưng chủ quan, ngủ không mắc màn nên có nguy cơ cao mắc SXH.

 

Vì thế, để phòng căn bệnh nguy hiểm này, quan trọng nhất là ngủ màn, vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, sử dụng thuốc, nhang để tiêu diệt muỗi, bọ gậy thì sẽ giảm được nguồn lây.

 

Còn trong thời điểm này, nếu có những dấu hiệu sốt cao đột ngột, đau người, xuất huyết dưới da... cần đến bệnh viện khám và điều trị”, BS Cấp khuyến cáo.

Nhận biết dấu hiệu nguy hiểm

BS Cấp cho biết, nhiều người bị SXH lại có biểu hiện rất nhẹ nhàng, chỉ sốt. Trong trường hợp này, cán bộ sẽ hướng dẫn để bệnh nhân điều trị và theo dõi tại nhà. Bệnh nhân cần được nằm nghỉ ngơi tuyệt đối, ăn các chất dễ tiêu, đặc biệt là uống nhiều nước (nước oresol, nước hoa quả, nước khoáng hay nước lọc đun sôi...) để giảm nguy cơ đông máu. Vì bệnh SXH thường làm máu bị cô đặc lại (y khoa gọi là sự cô máu) - nguyên nhân chủ yếu gây ra sốc.

Với bệnh SXH, nguy hiểm thường ở ngày sốt thứ 3-6. Lúc đó, người bệnh mệt lả đi, đái ít, bứt rứt, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhẹ, không bắt được, huyết áp tụt; nặng hơn nữa là không đo được mạch, huyết áp (biểu hiện của trụy mạch). Lúc này, cần nhanh chóng đưa người bệnh tới viện gần nhất, vì nếu không cấp cứu kịp thời có tử vong. Các biểu hiện khác cho thấy bệnh diễn tiến nặng là nôn nhiều, đau bụng, chảy máu mũi hoặc chân răng, xuất hiện chấm xuất huyết dưới da....

“Một biến chứng khác là xuất huyết các cơ quan nội tạng, xuất huyết não. Do vị trí xuất huyết trên cơ thể là rất tình cờ và nếu xuất huyết ở nội tạng thì rất khó nhận biết. Như nhiều người phụ nữ đang đúng thời kỳ kinh nguyệt thì bị SXH thì kỳ kinh có thể kéo dài hơn, ra nhiều máu hơn. Hay những người có tiền sử đau dạ dày sẽ dễ bị xuất huyết dạ dày. Một số phụ nữ mang thai lại sốt xuất huyết đùng thời điểm chuyển dạ sinh, rất nguy hiểm vì nguy cơ mất máu nhiều. Những trường hợp này thường phải truyền từ 3-5 đơn vị máu mới giúp bệnh nhân hồi phục”, BS Cấp nói.
 
Hồng Hải - Hà Khê