Dị ứng, thậm chí tử vong vì dùng thuốc đông y bừa bãi

(Dân trí) - Bác sĩ Phạm Huy Thông, Phó giám đốc Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, tại Trung tâm tuần nào cũng có vài ba ca dị ứng do tùy ý sử dụng thuốc đông y phải nhập viện.

Tại buổi tọa đàm “Kiểm soát chất lượng dược liệu” do Bộ Y tế và Báo Thanh niên tổ chức chiều nay 19/9 tại Hà Nội, BS Thông cho biết đông y vốn lành tính nhưng đây vẫn là thuốc, vì thế hoàn toàn có thể gây dị ứng cho người bệnh. Đặc biệt, thuốc Đông y chất lượng kém thì nguy cơ gây dị ứng cho bệnh nhân càng nhiều và hậu quả nặng nề hơn.

Dị ứng, thậm chí tử vong vì dùng thuốc đông y bừa bãi - 1

Tại Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng (BV Bạch Mai) tuần nào cũng tiếp nhận vài ba ca dị ứng thuốc đông y, với các biểu hiện của dị ứng từ mức nhẹ như mẩn ngứa, nổi ban, mề đay, đến những trường hợp nặng như nhiễm độc da gây phồng rộp, lở loét, điều trị rất khó khăn và dài ngày.

Thậm chí có trường hợp không thể qua khỏi do tình trạng dị ứng nặng do tự ý dùng thuốc đông y.

Ở những trường hợp nhiễm độc da do dị ứng nặng việc điều trị rất khó khăn, người bệnh đau đớn do các biểu hiện dị ứng nặng nề gây ra lở loét, hoại tử (thậm chí hoại tử toàn bộ thượng bì da ở lưng) khiến người bệnh đau đớn, không thể nằm được.

Cũng có những bệnh nhân biểu hiện dị ứng loét, lở miệng gây khó khăn trong ăn uống, hoặc bị ảnh hưởng rất nặng nề đối với mắt, thậm chí có thể giảm thị lực và viêm dị ứng kết mạc…

Các chuyên gia khuyến cáo, hiện trên mạng xã hội xuất hiện nhiều quảng cáo bán dược liệu, trong đó có cả những dược liệu có giá trị cao. Người tiêu dùng không nên tùy ý mua sử dụng, nhất là khi không nắm rõ được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Tránh mua những thuốc đông dược đã được chế biến thành dạng viên trôi nổi không nhãn mác rõ ràng, không nguồn gốc.

Tại buổi tọa đàm, bà Trần Thị Hồng Phương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y, dược cổ truyền cho biết, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về cây dược liệu.

Những năm gần đây, dược liệu nhập khẩu vẫn chiếm chủ yếu nhưng đang giảm dần, hiện còn 60 – 70% là nhập khẩu. Dược liệu nhập khẩu chủ yếu là những vị Việt Nam không trồng được trong nước. Nhiều dược liệu có nhu cầu sử dụng lớn như kim tiền thảo, đinh lăng, hòe hoa, ba kích... hiện Việt Nam cũng dần đáp ứng được.

Việt Nam hiện đang tập trung phát triển các vùng trồng dược liệu trong nước, với 8 vùng sinh thái được quy hoạch trồng dược liệu phù hợp với từng vùng. Tương lai đến năm 2020 nguồn dược liệu của Việt Nam sẽ đáp ứng được 50% nhu cầu.

Cũng theo bà Hồng Phương, trước đây nhiều người e ngại về chất lượng dược liệu nhập khẩu, nhưng nay chất lượng đã được tăng lên rất nhiều, bởi nhập khẩu dược liệu theo chính ngạch đã kiểm soát được.

Thực tế thời gian qua, trong quá trình kiểm tra cho thấy chất lượng dược phẩm tốt lên nhiều. Như trước đó gặp phổ biến tình trạng dược liệu giả, dùng nhầm loài, kém chất lượng nay gần như rất ít, tuy nhiên vẫn chưa thể loại trừ với hàng trôi nổi.

Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên sử dụng thuốc y học cổ truyền với sự hướng dẫn của các thầy thuốc đông y, nhất là trong hệ thống y tế công lập, với nguồn dược liệu nhập khẩu được đảm bảo.

Hồng Hải