Đến thầy thuốc, nên khai rõ bệnh

Các toa thuốc thông thường, một mũi tiêm hay một ca tiểu phẫu cũng có thể trở nên nguy hại nếu người bệnh quên hoặc không khai rõ các bệnh mình đang mắc.

Cách đây không lâu, nhiều trang báo nước ngoài đồng loạt đưa tin về một phụ nữ 46 tuổi ở bang Michigan - Mỹ tử vong trong lúc đang nhổ răng. Lúc ấy, nhịp tim bà April Walters đã bất ngờ tăng lên mức 130 lần/phút, sau đó nạn nhân cảm thấy khó thở, ngã gục và tử vong. Việc bà đang mắc cùng lúc nhiều bệnh mạn tính như cao huyết áp, hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường… được các chuyên gia nghi ngờ là nguyên nhân dẫn đến cái chết.

Khi toa thuốc “phản chủ”

Bà Ng.T.A (49 tuổi) bị đau khớp gối cả tháng nên đã đến nhờ một người bạn là bác sĩ (BS) trị giúp. Sau khi bà A. nói mình đau chân quá nên ngại đi bệnh viện (BV) đông, phải di chuyển nhiều, ông bạn đồng ý cho bà một toa thuốc về uống. Thế nhưng, sự thật là bà A. nói vậy để ông bạn chịu cho thuốc chứ cả năm nay bà không hề đi khám, tầm soát gì cả. Dùng thuốc hơn 1 tháng, thấy trong người hơi mệt, bà mới đi khám tổng quát tại BV Nhân dân 115 (TP HCM) thì hoảng hốt vì kết quả cho thấy bà bị tăng men gan, hệ số lọc cầu thận lại rất thấp báo hiệu thận suy! Bà tá hỏa đem kết quả đến cho ông bạn BS xem, ông liền đổi thuốc và may mắn là 2 tháng sau, các chỉ số trở về mức bình thường. Thì ra, do gan bà vốn không khỏe lắm, thận cũng hơi yếu do thói quen ăn mặn và ít uống nước, vị BS thì tin bạn nên đã cho một số thuốc dù tốt nhưng ít nhiều ảnh hưởng tới gan, thận.

Bệnh nhân nên trao đổi về các bệnh mình đang mắc phải với bác sĩ, dược sĩ khi khám bệnh hoặc mua thuốc. Trong ảnh: Đăng ký khám bệnh tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM)
Bệnh nhân nên trao đổi về các bệnh mình đang mắc phải với bác sĩ, dược sĩ khi khám bệnh hoặc mua thuốc. Trong ảnh: Đăng ký khám bệnh tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM)

TS-BS Nguyễn Tiến Lý, Phó Giám đốc BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, cảnh báo tình trạng nhiều người mắc các bệnh xương khớp không chịu điều trị nội khoa theo hướng dẫn của BV mà đi tìm người quen, tìm các phòng khám tư đòi chích cho bớt đau. Liều thuốc “chích cho bớt đau” có tác dụng mạnh ấy thực ra là corticoid liều cao mà trong các BV, thường BS phải khám khá kỹ trước khi chỉ định. “Thuốc ấy có thể làm trầm trọng tình trạng loãng xương, nếu người đang bị đau vì loãng xương mà chích thì về lâu dài, tình hình còn tồi tệ hơn. Corticoid cũng ảnh hưởng đến thận, gan, hệ tim mạch; dùng quá liều theo kiểu cứ đau là chích, có thể làm mỏng da, tiêu gân, áp xe, ảnh hưởng thành mạch gây xuất huyết dưới da...” - ông phân tích.

Lưu ý nhất vấn đề dị ứng

Theo BS Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp BV Thống Nhất, không chỉ các thuốc đặc trị mà các toa thuốc thông thường, một mũi tiêm hay một ca tiểu phẫu cũng có thể trở nên nguy hại nếu người bệnh khai không rõ các bệnh mình đang mắc phải. Nếu như người bệnh đi khám ở một nơi duy nhất, thông thường, hồ sơ y khoa của họ đã được lưu trữ và BS có thể nắm tiền căn bệnh nhưng nếu khám ở nhiều nơi thì BS ở nơi này không thể biết về căn bệnh họ đã khám ở nơi khác. Vì vậy, trả lời chính xác các câu hỏi về tiền sử bệnh khi khám cũng như chủ động đề cập các bệnh lý mình đang có là rất quan trọng.

“Ngay cả khi đi khám các bệnh cảm sốt đơn giản hay tự đi mua các loại thuốc thông thường không cần kê toa, bệnh nhân nên trao đổi với BS, dược sĩ về các bệnh dễ tạo ra nguy cơ. Đó là tiền căn dị ứng (thức ăn, thuốc…); bệnh lý tim mạch (cao huyết áp, nhồi máu cơ tim…), hô hấp (viêm phế quản mạn tính, phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn); các bệnh về tiêu hóa, chuyển hóa như viêm gan, dạ dày, đái tháo đường… Cần lưu ý nhất vấn đề dị ứng có thể gặp phải ở thuốc uống, chích, dịch truyền, thuốc tê, thuốc mê trong phẫu thuật dù là nhỏ” - BS Vũ khuyến cáo.

Ngay cả trong trường hợp tự mua thuốc thông thường ở nhà thuốc, BS Vũ cũng lưu ý người có bệnh cao huyết áp phải tránh các thuốc kháng viêm có chứa steroid, corticoid; người viêm dạ dày thì phải chọn thuốc không steroid… Nếu người bệnh khai đầy đủ, việc dược sĩ giúp lựa chọn thuốc an toàn và phù hợp là không hề khó.

Một bệnh khám nhiều nơi: Cẩn thận!

Các BS cũng cảnh báo một tình huống “dở khóc dở cười” mà nhiều bệnh nhân đã gặp phải. Đó là trường hợp có một bệnh nhưng lại khám ở nhiều thầy thuốc, có khi cả đông lẫn tây y, mỗi nơi cho một toa thuốc và họ về uống tất cả thuốc đó. Điều này hết sức nguy hiểm vì có khi một số thuốc cùng loại, cùng dược tính được kê ở các toa thuốc khác nhau, nếu uống tất cả sẽ quá liều. Ngược lại, một bệnh có thể có nhiều phác đồ, việc uống nhiều toa thuốc một lúc, nhất là dùng cả đông - tây y phối hợp, rất dễ có nguy cơ những thuốc trong các phác đồ khác nhau tương tác bất lợi hoặc triệt tiêu tác dụng của nhau, vừa gây lãng phí vừa nguy hiểm cho người bệnh.

Theo Anh Thư

Người lao động