Để ung thư phổi không còn là “sát thủ” thầm lặng

(Dân trí) - Với nhiều người được chẩn đoán mắc ung thư phổi thực sự là án tử vì đa phần bệnh được phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn. Ung thư phổi khó phát hiện sớm vì thế chiến lược quan trọng nhất là dự phòng.

Theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, hút thuốc lá là nguyên nhân của 30% trong tổng số các loại ung thư ở người. Trong đó thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi. 90% số trường hợp ung thư phổi là ở người nghiện thuốc lá.

Để ung thư phổi không còn là “sát thủ” thầm lặng - 1
Ung thư phổi khó phát hiện sớm do các triệu chứng ở giai đoạn đầu thường mờ nhạt thậm chí không có biểu hiện.

Không chỉ có chất nicotine ảnh hưởng đến hệ tim mạch, trong khói thuốc lá còn chứa trên 70 loại hóa chất độc hại khác nhau có thể gây ung thư. Đặc biệt có tới 43 chất đã được khoa học chứng minh là gây bệnh ung thư như benzopyren, nitrosamin, cadmium, niken…

Những người không hút thuốc mà sống chung với những người hút thuốc thì cũng có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến khói thuốc như chính người hút thuốc, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới, khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy chứa chất độc nhiều gấp 21 lần so với khói thuốc thở ra. Lượng khói thuốc người hút thuốc thải ra không khí xung quanh cao gấp 5 lần lượng khói hít vào.

Người không hút thuốc nhưng làm việc thường xuyên trong môi trường có khói thuốc có thể hít vào lượng khói thuốc tương đương với hút 5 điếu thuốc một ngày. 

Mỗi năm trên thế giới có 600.000 ca tử vong do hút thuốc thụ động. 64% số tử vong do hút thuốc thụ động là nữ. Ước tính cứ 10 người hút thuốc tử vong thì 1 người chết vì hít khói thuốc thụ động.

Mỗi năm, tại Mỹ cũng có khoảng 7.000 người chết vì ung thư phổi do hít phải khói thuốc. Các quy định cấm hút thuốc ở những nơi công cộng đã giúp giảm nguy cơ này.

Tại Việt Nam có chưa đến 2% phụ nữ hút thuốc nhưng thuốc lá là nguyên nhân gây ra gần 10% ca tử vong ở phụ nữ trưởng thành. 

Vì thế, theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, phòng chống ung thư phổi chủ yếu là không hút thuốc lá, thuốc là. Bỏ thuốc lá không những tốt cho sức khỏe của chính người hút mà còn là biện pháp bảo vệ người thân, gia đình và cộng đồng.

Bên cạnh đó, ô nhiễm không khí, khí randon (xuất hiện tự nhiên ngoài trời với số lượng vô hại, nhưng đôi khi trở nên tập trung ở những nhà được xây dựng trên đất với các mỏ uranium tự nhiên), yếu tố nghề nghiệp (làm việc ở mỏ phóng xạ uranium, mỏ kền, tiếp xúc amiang… ), lao phổi cũ… cũng là những yếu tố nguy cơ của ung thư phổi. Có 20% số người chết vì ung thư phổi ở Mỹ mỗi năm chưa bao giờ hút thuốc hoặc sử dụng bất kỳ dạng thuốc lá nào khác.

Ung thư phổi phát triển âm thầm, triệu chứng nghèo nàn hoặc không có triệu chứng. Dấu hiệu gợi ý thường là nam giới trên 40 tuổi, nghiện thuốc lá, thuốc lào, ho khan kéo dài, có thể có đờm lẫn máu, điều trị kháng sinh không hiệu quả.

Phòng bệnh ung thư phổi:

- Không hút thuốc lá

- Chế độ ăn uống lành mạnh, ăn nhiều trái cây và rau quả có thể giúp giảm nguy cơ ung thư phổi. Một số bằng chứng cho thấy chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả có thể giúp bảo vệ chống lại bệnh ung thư phổi ở cả người hút thuốc và người không hút thuốc.

- Chế độ sinh hoạt, làm việc hợp lý

- Cần thăm khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt khi có các triệu chứng ho kéo dài, đau ngực.

Nam Phương