Dễ dàng ngừa tránh "liệt tối thứ Bảy"!

(Dân trí) - Có lẽ trong chúng ta, ai cũng có lần bị tê buốt tay khi ngủ dậy, sau khi lấy tay làm gối kê đầu, đặc biệt sau những lần say xỉn. Đây chính là hội chứng liệt tối thứ bảy, hậu quả của việc đè ép và kéo dãn dây thần kinh quay ở cánh tay.

Khác với liệt thực thể do tổn thương cấu trúc thần kinh, liệt tối thứ bảy chỉ là trạng thái liệt cơ năng, với khả năng hồi phục rất tốt nếu chúng ta hiểu cơ chế và biết cách xử lý.

Dễ dàng ngừa tránh "liệt tối thứ Bảy"! - 1

Những ca liệt hy hữu

Liên hoan mừng con vào đại học, ông A đã quá chén đến nỗi không kịp về phòng ngủ, và nằm quẹp trên ghé sofa phòng khách đánh một giấc “không biết trời trăng. Nửa đêm, thức dậy thấy tay tê cứng như chết.

Ngày cuối tuần anh B dẫn bạn gái đi picnic. Sau một ngày dã ngoại, leo núi, tắm biển…mỏi mệt đến lúc phải nghỉ ngơi, thư giãn. Sau ăn là uống, người bia kẻ rượu, tinh thần, cơ bắp giãn ra…Chàng nằm ngữa ngắm bầu trời sao, cánh tay làm gối cho nàng kê đầu. Khối cơ săn chắc, vệ sĩ của mạch máu và dây thần kinh, bị thả lỏng vì bia rượu không còn tác dụng nên sáng hôm sau tay chàng tê cứng, đau đớn không thể cử động như thường.

Được tiền mê chuẩn bị cho cuộc đại phẫu, nhân viên phòng mổ sơ ý để cánh tay bà B thỏng xuống vắt qua mép giường. Qua cuộc phẫu thuật, bà B lại vướng thêm bệnh liệt tối thứ bảy.

Định danh “liệt tối thứ bảy”

Liệt tối thứ bảy (saturday-night palsy) hay liệt khi ngủ (sleep palsy) thực chất là liệt nhánh sâu của dây thần kinh quay. Khi các dây thần kinh quay cánh tay bị chèn ép, đè nén, tín hiệu thần kinh từ cánh tay bị gián đoạn dẫn đến cảm giác tê cứng, đau buốt như kim châm.

Dễ dàng ngừa tránh "liệt tối thứ Bảy"! - 2

Bệnh thường xảy ra ở người ngủ mê thiếp sau khi uống bia rượu, thuốc giãn cơ, và nách hay cánh tay chèn ép hay kéo dãn quá mức. Vì khối cơ giãn và bất động, nhánh dây thần kinh quay chạy dọc sau xương cánh tay bị dè nén gây nên tổn thương. Mức độ nghiêm trọng của sang chấn phụ thuộc vào thời gian và mức độ bị nén ép của dây thần kinh liên quan, có bệnh chị bị tê đau kéo dài vài phút, nhưng cũng có người đau nhức và yếu cơ cả nhiều tháng trời.

Dây thần kinh quay còn có thể bị chèn ép, kéo dãn gây liệt trong các trường hợp: (1) bị chèn ở nách (liệt do nạng gỗ), (2) hôn mê vắt tay tréo qua bàn mổ, (3) chèn ép do gãy xương cánh tay và (4) hội chứng chèn ép “dây thần kinh liên cốt sau” (posterior interosseuos nerve palsy, PIN palsy).

Những dấu hiệu nhận biết

Hội chứng liệt tối thứ bảy thường biểu hiện với 5 dấu hiệu lâm sàng chính sau: (1) Yếu các cơ co, duỗi ở cánh tay, (2) Cổ tay và ngón tay rũ cụp xuống (bàn tay cụp cổ cò), (3) Yếu các cơ khép trong và cơ duỗi và (5) Mất cảm giác ở cánh và mu bàn tay bị tổn thương.

Những dấu chứng này có hơi khác nhau tùy theo vị trí thần kinh bị chèn ép và mức độ tổn thương của chúng.

Dễ dàng ngừa tránh "liệt tối thứ Bảy"! - 3

Điều trị liệt tối thứ bảy

* Vật lý trị liệu

Nhằm xử lý các việc sau:

(1) Giải thoát cho dây thần kinh quay bằng cách: giảm viêm và kích ứng, loại bỏ chèn ép, kéo căng gây tổn thương, mang nẹp hỗ trợ chống đè nén.

(2) Ngăn ngừa các vấn đề thứ cấp: giảm cử động vai và khuỷu tay cho đến khi phục hồi, trợ giúp các bắp cơ liên hệ.

(3) Cải thiện sức co, tầm chuyển động và cảm giác của các khớp bằng cách tăng cường các bài tập kỹ năng vận động và khéo léo cho cánh tay.

(4) Liệu pháp mát-xa rất tốt cho việc chữa lành các mô mềm xung quanh dây thần kinh như vai, cổ và cánh tay, kích thích cảm giác của thần kinh.

* Điều trị bảo tồn

Dù liệt tối thứ bảy điều trị chủ yếu là giải thoát sự chèn ép dây thần kinh. Một số liệu pháp bảo tồn dùng để hỗ trợ như kỹ thuật Graston, kỹ thuật Thả lỏng chủ động (active release technique), liệu pháp mát-xa, liệu pháp thủ công và laser lạnh cũng góp phần đáng kể làm giảm co thắt cơ, giảm dính cân cơ (myofascial adhesion) và nhanh lành tổn thương cơ bắp.

Trong hầu hết các trường hợp, mọi người sẽ hồi phục hoàn toàn từ Thứ Bảy Đêm, nhưng hồi phục hoàn toàn có thể mất vài tuần, đôi khi đến vài tháng. Nếu bạn thức dậy từ một đêm và cảm thấy các triệu chứng ngứa ran ở cánh tay, tốt nhất là nên tìm cách điều trị ngay lập tức. Bạn càng sớm tìm cách điều trị, thì càng tốt cho việc phục hồi thần kinh của bạn. Nếu bạn không điều trị chứng thần kinh một cách kịp thời, các biến chứng thứ cấp có thể xảy ra, chẳng hạn như cứng khớp.

* Những điều trị khác

Ngoài vật lý trị liệu, liệt tối thứ bảy còn có thể dùng thêm: thuốc nội khoa có tác dụng “hướng thần kinh” như vitamin B1, B6, B12, Methyl coban…., phẫu thuật chuyển gân, hệ thống kéo dãn đàn hồi, châm cứu…

Thống kê cho thấy, trong đa số các trường hợp, liệt tối thứ bảy thường sẽ hồi phục gần như hoàn toàn. Căn bệnh có thể hồi phục rất nhanh sau vài chục phút, trung bình có thể mất vài ngày, hãn hữu có khi đến vài tháng vì cơ thể cần có thời gian sửa chữa, hồi phục lại vỏ bọc của dây, sợi thần kinh.

Dễ dàng ngừa tránh liệt tối thư bảy!

Khác với liệt thực thể (physical palsy) do tổn thương hư hỏng cấu trúc thần kinh, như trong đột quỵ, tai biến mạch máu não hay chấn thương, u bướu, liệt tối thứ bảy chỉ là trạng thái rối loạn cơ năng (functional disorder), trong đó chức năng thần kinh bị rối loạn do bị chèn ép hay kéo dãn, với khả năng hồi phục rất tốt nếu chúng ta hiểu cơ chế và xử lý đúng lúc và đúng cách.

Về cơ chế bệnh sinh, liệt tối thứ bảy là hậu quả của chèn ép cơ học khi lớp cơ bảo vệ bên ngoài bị chùng xuống, dãn nhão do rượu, thuốc mê, nằm sai tư thế.v.v…Do đó, có thể phòng tránh dễ dàng với việc loại trừ những nguồn căn gây ra bệnh, cụ thể là tránh việc chèn ép và kéo dãn..

Đôi điều bàn luận

Có lẽ, trong chúng ta ai cũng có lần bị tê tay khi ngủ dậy do nằm kê tay làm gối, đặc biệt sau những giấc ngủ mê mệt vì cơn say.

Cần lưu ý liệt tối thứ bảy, Saturday night palsy, với Saturnine palsy, là một biến chứng phổ biến của ngộ độc chì lên dây thần kinh quay. Hai dạng liệt này đồng âm và cũng hơi đồng nghĩa, nhưng cách điều trị khác biệt nhau.

Dù liệt tối thứ bảy là bệnh lý cơ năng đơn thuần, do chèn ép cơ học, nên thường tiến triển tốt, khả năng hồi phục cao sau khi giải phóng sự chèn ép. Nhưng cũng cần thận trọng phân biệt với những liệt do những nguyên nhân thực thể khác, đặc biệt liệt do hội chứng chèn ép “dây thần kinh liên cốt sau” vì liệt loại này khó có khả năng tự phục hồi được. Do đó người bệnh cần đến bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình để được khám lâm sàng, làm một số thủ thuật xét nghiệm thăm dò cần thiết như đo điện cơ, chụp MRI cánh tay… và tư vấn cụ thể.

Đa số trường hợp liệt tối thứ bảy thường sẽ hồi phục, nhưng nhỡ mắc bệnh, cần xử lý, điều trị kịp thời để thần kinh quay phục hồi tốt, tránh các biến chứng thứ cấp như cứng khớp, teo cơ.

TS.BS Trần Bá Thoại

Uỷ viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam