Quảng Nam:

Đẩy mạnh thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất thực phẩm trên địa bàn

(Dân trí) - Trong 9 tháng đầu năm 2018, lực lượng chuyên ngành trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã tổ chức 524 đoàn thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã xử lý nhiều cơ sở vi phạm.

Theo Bác sĩ Nguyễn Văn Văn – Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam - trong 9 tháng đầu năm 2018, số cơ sở được thanh tra, kiểm tra ATTP trên địa bàn là 12.756/18.429 cơ sở, chiếm tỷ lệ 69,22%.

Đẩy mạnh thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất thực phẩm trên địa bàn - Ảnh 1.

Công tác thanh kiểm tra VSATTP ở các cơ sở sản xuất, các chợ được lãnh đạo ngành y tế Quảng Nam quan tâm

Trong đó, tập trung thanh tra, kiểm tra liên ngành các cơ sở sản xuất, kinh doanh chả, cơ sở chăn nuôi, các lò giết mổ tập trung, kinh doanh tạp hóa, các chợ đầu mối, các chợ trung tâm tại các huyện, thành phố, các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, hậu kiểm các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai …

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng cũng phát hiện 1.927/12.756 cơ sở vi phạm (chiếm tỷ lệ 15,11%); trong đó 142/12.756 cơ sở bị xử lý (tỷ lệ 1,11%). Có 75/12.756 cơ sở bị phạt tiền so với số cơ sở được thanh tra, kiểm tra (tỷ lệ 0,59%) với tổng số tiền phạt trong 9 tháng đầu năm 2018 hơn 143 triệu đồng.

Theo Bác sĩ Văn, qua thanh tra, các cơ sở thực phẩm đã thực hiện đúng các quy định về ATTP như đã có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về an toàn thực phẩm; nguồn nước dùng để chế biến thực phẩm đảm bảo vệ sinh; thực hành vệ sinh cá nhân tốt; có thiết bị, dụng cụ chế biến đảm bảo hợp vệ sinh và riêng biệt đối với thức ăn sống và chín, có các hóa đơn, hợp đồng chứng minh nguồn gốc nguyên liệu…

Tuy nhiên, một số cơ sở thực phẩm thực hiện chưa đúng các quy định về an toàn thực phẩm như bảo quản thực phẩm chưa đúng theo quy định; nội dung ghi nhãn không đúng theo quy định; không đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm …

Ngoài ra, các Đoàn thanh tra, kiểm tra đã tiến hành test nhanh 1.072 mẫu thực phẩm bao gồm hàn the trong mẫu chả heo, chả bò đã qua xử lý nhiệt; thuốc trừ sâu trong rau; độ tươi trong thịt, phoóc-môn trong mẫu mì, bún, mì sợi; độ ôi khét của dầu mỡ…

Kết quả có 167 mẫu/1.072 mẫu không đạt, chiếm tỷ lệ là 15,78%. Các Đoàn thanh tra, kiểm tra đã tiến hành lấy 76 mẫu thực phẩm kiểm nghiệm. Kết quả có 16 mẫu không đạt, chiếm tỷ lệ 21,05%.

Đẩy mạnh thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất thực phẩm trên địa bàn - Ảnh 2.

Một nạn nhân cấp cứu trong vụ ngộ độc rượu ở huyện Nam Giang

Về tình hình ngộ độc thực phẩm trên địa bàn, theo Bác sĩ Nguyễn Cam - Chi Cục trưởng Chi Cục An toàn về sinh thực phẩm Quảng Nam – cho biết, trong 9 tháng năm 2018 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam xảy ra 2 vụ ngộ thực phẩm với 19 người mắc, 6 người tử vong, 1 người di chứng mù mắt.

Cụ thể, 1 vụ ngộ độc thực phẩm tại thôn Pà Păng (xã Cà Dy, huyện Nam Giang) với 16 người mắc, 4 người tử vong, 1 người bị di chứng mù mắt. Nguyên nhân của vụ ngộ độc thực phẩm nghi do rượu có chứa Methanol.

Một vụ ngộ độc thực phẩm tại thôn 1 (xã Trà Don, huyện Nam Trà My) với 3 người mắc, 2 người tử vong. Nguyên nhân của vụ ngộ độc thực phẩm do độc chất Koumine, Gelsemine.

Theo Bác sĩ Cam, trong 9 tháng đầu năm 2018, Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và các địa phương thực hiện kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm phục vụ 10 sự kiện, lễ hội trên địa tỉnh với tổng số lượng suất ăn trong các đợt phục vụ là 6.479 suất ăn.

Tại các sự kiện này không có sự cố ngộ độc thực phẩm xảy ra. Thực hiện việc lấy mẫu và lưu mẫu trong quá trong quá trình giám sát an toàn thực phẩm phục vụ các lễ hội, sự kiện chính trị, tiến hành phân tích nguy cơ ô nhiễm thực phẩm khi có yêu cầu.

Công Bính