Đau đầu: Bà bầu có nên lo lắng?

(Dân trí) - Bất kỳ một sự thay đổi nào cũng có thể làm các bà mẹ tương lai cảm thấy lo lắng. Đau đầu cũng không phải là ngoại lệ nhưng nó có thực sự khiến các bà bầu phải bận tâm?

Nguyên nhân

 

Đau đầu là một biểu hiện khá phổ biến trong giai đoạn đầu thai nghén và nguyên nhân là do sự thay đổi hormon. Sự thay đổi huyết áp cũng kích thích các cơn đau đầu (thấy đầu căng, nặng).

 

Nếu bình thường bạn cũng bị đau đầu hay đau nửa đầu thì sẽ xảy ra 2 tình trạng: một là tăng lên hai là giảm đi trong 3 tháng đầu thai kỳ. 

 

Mệt mỏi, đói, khử nước, căng thẳng, thiếu dưỡng khí và ít luyện tập cũng tác động đến tần suất và cường độ của các cơn đau đầu. Nếu đang là người dùng nhiều đồ uống cafein mà cắt giảm đột ngột, bạn các biểu hiện cũng sẽ giống như đau đầu.

 

Viêm xoang cũng dẫn tới đau đầu và thường tập trung ở phía xoang trán. Thỉnh thoảng, do áp lực của các dịch nhầy lên vùng quanh mắt, khả năng nhìn cũng có thể bị ảnh hưởng. Tình trạng căng mắt, đau quanh vùng mắt cũng có thể dẫn tới đau đầu.

 

Đau đầu khi đã mang thai ở giai đoạn giữa và cuối rất hiếm gặp và vì thế nó có thể là báo hiệu của một bệnh nghiêm trọng nào đó, chẳng hạn như huyết áp cao. Hãy đến gặp ngay bác sĩ nếu bạn vẫn thấy đau đầu khi đã bước sang tháng thứ 4, đặc biệt khi cảm giác đau tập trung ở trán hay khó chịu với ánh sáng hoặc cảm thấy người ốm mệt.

 

Có thể ngăn chặn?

 

Nghỉ ngơi và thư giãn:

 

Hãy dành thật nhiều thời gian nghỉ ngơi bằng tất cả sự nỗ lực có thể. Tức là xin nghỉ việc nếu thấy cần thiết hoặc thu xếp công việc theo hướng linh hoạt hơn. Cố gắng đi ngủ sớm mỗi tối và nhờ mọi người làm giúp việc nhà hay chăm sóc các bé lớn, đi nằm ngay khi có thể.

 

Sắp xếp thời gian để có cơ hội nghỉ ngơi, thư giãn, luyện tập, hít thở không khí trong lành và làm tất cả những việc cá nhân hằng ngày khác. Một trong những cách thư giãn hiệu quả, giảm đau đầu là bơi lội, đi bộ, tập yoga.

 

Dinh dưỡng:

 

Ăn thường xuyên để duy trì mức đường huyết. Hãy chia nhỏ bữa ăn nếu không thể ăn nhiều cùng một lúc. Chú ý chế độ ăn cân bằng cho dù tình trạng nghén ngẩm có thể gây khó khăn cho việc thực hiện. Luôn mang theo các loại snack như hoa quả khô trong túi để có thể “ứng cứu” trong mọi hoàn cảnh.

 

Ăn thật nhiều loại thực phẩm và càng nhiều màu sắc càng tốt. Đây là một trong những cách đơn giản nhất để đảm bảo sự cân bằng tất cả các dưỡng chất.

 

Uống 8 cốc nước mỗi ngày và bỏ các loại đồ uống có cafein hay chất cồn một cách từ từ.

 

Nếu bạn bị viêm xoang hay viêm mũi họng thì nên giảm các thực phẩm làm từ sữa như phô mai, sữa và sữa chua. Các thực phẩm này thường làm tăng tiết chất nhầy và làm tình trạng bệnh thêm tồi tệ.

 

Mẹo hay dân gian

 

Nếu bệnh đau đầu ngày càng có chiều hướng gia tăng thì đừng buông xuôi, chịu đựng, hãy thử đi bộ trong không khí trong lành. Nếu điều này không có tác dụng thì hãy lên giường, ngủ một giấc hoặc nghỉ ngơi hoàn toàn.

 

Một túi đậu đông lạnh để lên trán cũng có tác dụng làm phân tán cơn đau; Ngoài ra, một sự lựa chọn khác là dùng các miếng gạc ấm tẩm nước trà đắp lên trán, cũng có thể phát huy tác dụng.

 

Một gói bột mỳ hay thảo dược rang nóng cũng có thể làm dịu cảm giác đau đầu.

 

Tắm nước lạnh sẽ làm các mạch máu co lại và lúc này mát xa đầu, dùng tay day các huyệt sẽ mang lại tác dụng.

 

Liệu pháp hương thơm

 

Tinh dầu lavender hay bạc hà đều rất hữu ích. Hãy nhỏ 2 giọt lên giấy ăn và thỉnh thoảng đưa lên mũi hít hoặc nhỏ 1 giọt ra tay và day lên thái dương để có kết quả nhanh hơn.

 

Tuy nhiên, nên thận trọng khi sử dụng tinh dầu lavender khi mang thai, đặc biệt là trong giai đoạn đầu. Nó sẽ chỉ an toàn nếu bạn dùng không nhiều hơn 3 giọt cho một cơn đau đầu.

 

Tinh dầu bạc hà cũng được xem là hiệu quả hơn các loại giả dược khác trong việc giảm đau đầu và đau nửa đầu.

 

Bấm huyệt chân

 

Trong các huyệt ở chân thì huyệt ở các ngón chân cái được xem là có liên quan trực tiếp với đầu vì vậy mát xa nhẹ nhàng ngón cái trong 1 - 2 phút cũng có thể giúp giảm cơn đau đầu.

 

Bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi thấy cơn đau đầu giảm đi trông thấy tuy nhiên không nên làm thường xuyên.

 

"Kiểm điểm" tư thế

 

Hãy thử để ý tới điệu bộ của bạn, rất có thể nó là thủ phạm gây ra chứng đau đầu. Chẳng hạn như thế ngồi, vị trí màn hình, chỗ để chuột và bàn phím... khi làm việc. Ở nhà, những chiếc gối cao có thể là nguyên nhân khiến cổ bị vặn và gây đau.

 

Nếu đệm của bạn đã dùng được hơn 7 năm rồi thì có cũng có thể ảnh hưởng tới lưng, mặc dù bạn không hề cảm thấy đau lưng vì nó đã được chuyển lên đầu và cổ.

 

Minh Thu

Theo MSN