Đắk Lắk: Việc khai báo y tế không trung thực khiến dịch lây lan nhanh

Thúy Diễm

(Dân trí) - "Việc khai báo không trung thực rất nguy hiểm, gây khó khăn, chậm trong quá trình truy vết dẫn tới tốc độ bệnh lây lan tăng nhanh" - Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk - Nay Phi La chia sẻ.

Việc khai báo không trung thực rất nguy hiểm

Theo ông Nay Phi La, tình hình dịch Covid-19 tại Đắk Lắk dự báo mỗi ngày có 4 - 10 ca nhiễm mới.

Đắk Lắk: Việc khai báo y tế không trung thực khiến dịch lây lan nhanh - 1

Mỗi ngày có cả ngàn người từ các tỉnh phía Nam về Đắk Lắk.

Nguyên nhân của tình hình dịch phức tạp, theo ông Nay Phi La, do lượng người từ các tỉnh thành phía Nam đổ về địa phương rất đông và có trường hợp khai báo y tế không trung thực.

"Việc khai báo không trung thực rất nguy hiểm, gây khó khăn, chậm trong quá trình truy vết dẫn tới tốc độ bệnh lây lan tăng nhanh", Giám đốc Sở Y tế nhận định.

Ông Nay Phi La cho biết thêm, khi các tỉnh thành phía Nam thực hiện Chỉ thị 16, qua nắm bắt, có khoảng 10.000 người dân về Đắk Lắk. Khi ở các tỉnh, người dân chưa có triệu chứng nhưng khi về địa phương 2-3 ngày thì họ mới diễn biến bệnh.

Đắk Lắk: Việc khai báo y tế không trung thực khiến dịch lây lan nhanh - 2

Nếu người dân không khai báo trung thực sẽ dẫn đến bệnh lây lan nhanh chóng.

Nhằm kiểm soát lượng người về tỉnh, cơ quan chức năng đã lập chốt tại cửa ngõ cũng như kích hoạt 100% các tổ phòng chống Covid-19 trong cộng đồng để nắm số lượng người từ vùng dịch về để sàng lọc, xét nghiệm, phát hiện được các ca nhiễm. Đặc biệt, tại TP Buôn Ma Thuột, mật độ dân cư đông đúc sẽ khó khăn hơn trong công tác phòng dịch so với các địa phương khác trên toàn tỉnh.

Liên quan đến việc lây lan dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, ngày 21/7, Cơ quan CSĐT Công an TP Buôn Ma Thuột đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người".

Đó là trường hợp nam nhân viên nhà xe Tiến Oanh (ngụ TP Buôn Ma Thuột) đi từ vùng dịch TPHCM về địa phương nhưng không thực hiện cách ly y tế theo quy định. Người này đi nhiều nơi, tiếp xúc hàng chục địa điểm. Ngày 17/7, bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 và có thêm 11 trường hợp khác cũng mắc Covid-19 liên quan bệnh nhân này.

Bệnh nhân mắc Covid-19 nhiều độ tuổi khác nhau

Trao đổi về tình hình dịch bệnh trên địa bàn, ông Nay Phi La - Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk - chia sẻ, ngành y tế tỉnh đang điều trị cho bệnh nhân ở nhiều độ tuổi khác nhau; trong đó, đặc biệt bệnh nhi 10 tháng tuổi, nữ bệnh nhân đang mang thai được các y, bác sĩ tích cực điều trị và chăm lo. 

Cụ thể, hiện tại tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 37 dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, 34 trường hợp đang được điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Đắk Lắk.

Đắk Lắk: Việc khai báo y tế không trung thực khiến dịch lây lan nhanh - 3

Ông Nay Phi La - Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk chia sẻ về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Ông Nay Phi La - Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk - cho biết, đây lần đầu tiên Đắk Lắk cùng lúc điều trị có nhiều bệnh nhân cùng một lúc và có độ tuổi đa dạng. Bệnh nhân lớn tuổi nhất đang điều trị là 72 tuổi, có bệnh nền và nhỏ tuổi nhất là 10 tháng tuổi.

Đối với bệnh nhân 10 tháng tuổi, ông Phi La cho rằng, do bé còn nhỏ nên ảnh hưởng đến công tác chẩn đoán, điều trị bệnh. 

Đắk Lắk: Việc khai báo y tế không trung thực khiến dịch lây lan nhanh - 4

Ngành y tế lấy mẫu, truy vết hàng trăm trường hợp.

"Giải pháp hiện tại bám sát phác đồ điều trị của Bộ Y tế, nắm rõ triệu chứng, bệnh lý trao đổi với Giáo sư đầu ngành qua trực tuyến để có xử lý kịp thời", ông Nay Phi La thông tin.

Ngoài ra, ngành y tế đang điều trị cho bệnh nhân nữ mang thai lần đầu và đang theo dõi kỹ diễn tiến của bệnh nhân này.

Ông La nhận định, đây là giai đoạn khó khăn khi số lượng bệnh nhân tăng, độ tuổi người mắc bệnh đa dạng và ngành y đang thực phương châm 4 tại mà không có sự giúp đỡ trực tiếp mà chỉ qua trực tuyến.

Được biết, trường hợp bệnh nhi 10 tháng tuổi là F1 của người nhà làm việc ở Chợ đầu mối từ TPHCM về Ea H'leo và thực hiện cách ly tại nhà.

 Kích hoạt bệnh viện dã chiến 1.000 giường bệnh

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng kích hoạt thêm 2 khu cách ly tập trung tại ký túc xá phân hiệu Trường đại học Luật Hà Nội tại Đắk Lắk và Trung tâm huấn luyện thuộc Trung Đoàn cảnh sát cơ động.

Đắk Lắk: Việc khai báo y tế không trung thực khiến dịch lây lan nhanh - 5

Nhiều địa điểm trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột được phong tỏa để kiểm soát dịch bệnh.

Sở Y tế Đắk Lắk đã đưa vào hoạt động bệnh viện dã chiến 1.000 giường tại ký túc xá Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk. Nguồn nhân lực lấy từ các bệnh viện và huy động sinh viên năm cuối trường ĐH Tây Nguyên, trường ĐH Buôn Ma Thuột hỗ trợ.

"Bệnh viện dã chiến 1.000 giường chủ yếu tiếp nhận ca Covid-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng theo dõi, sàng lọc. Song song, Khoa truyền nhiễm bệnh của Bệnh viện Vùng Tây Nguyên sẽ kích hoạt điều trị hồi sức tích cực cho bệnh nhân Covid với 20 giường sau đó có thể nâng cấp lên 80 giường", Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk thông tin.