Đà Nẵng tích cực phòng chống sốt xuất huyết

(Dân trí) - Được đánh giá là vùng lưu trú bệnh sốt xuất huyết loại A (loại nặng) nên ngành y tế Đà Nẵng rất quan tâm và tích cực trong công tác phòng chống bệnh.

Theo ông Nguyễn Tam Lãm, trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm (Trung tâm y tế dự phòng TP Đà Nẵng), bệnh sốt xuất huyết là bệnh do muỗi vằn truyền bệnh. Mọi năm, qua theo dõi sốt xuất huyết thường diễn ra từ tháng 4 đến cuối năm, cao điểm là mùa mưa (từ tháng 9 - tháng 12).  Còn bây giờ do một số nguyên nhân trong đó có biến đổi khí hậu, thời tiết, giải tỏa… hiện nay qua theo dõi sốt xuất huyết không theo mùa nữa mà gần như quanh năm, như năm này là quanh năm nhưng cao điểm vẫn là mùa mưa, là thời điểm phù hợp cho muỗi sinh sản và phát triển.

Đà Nẵng là địa phương được chương trình phòng chống sốt xuất huyết quốc gia xếp vào mức độ lưu hành bệnh là loại A. Nên đối với công tác phòng chống sốt xuất huyết hàng năm đều chủ động xây dựng kế hoạch, cuối năm nay đã xây dựng kế hoạch cho sang năm.

Trong năm nay Trung tâm y tế dự phòng TP Đà Nẵng đã phối hợp với Trung tâm giáo dục sức khỏe, các đài phát thanh truyền hình, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các tờ rơi, thông báo trên xe lưu động… Tập huấn cho các bộ y tế về kỹ năng điều tra bệnh, phát hiện và xử lý bệnh. Tăng cường công tác giám sát ca bệnh. Ở Đà Nẵng đa phần người ta vào bệnh viện nên việc giám sát chủ yếu ở bệnh viện và sau đó là ở cộng đồng.

Phun hóa chất phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn TP Đà Nẵng
Phun hóa chất phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn TP Đà Nẵng

Khi phát hiện bệnh, sẽ triển khai các biện pháp xử lý. Đối với xử lý những ca đơn lẻ. Khi phát hiện một ca sốt xuất huyết thì tiến hành điều tra xem thử có phải bệnh nhân nằm ở đó hay không, kiểm tra chỉ số, tình hình bệnh nhân trong khu vực rồi tổ chức vận động cán bộ địa phương trong vòng bán kính là 200m tổ chức diệt bọ gậy, lăng quăng, nằm ngủ phải bỏ màn, khi có dấu hiệu sốt xuất huyết phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Đối với những ổ dịch nhỏ thì tiến điều tra bệnh nhân xác định có đúng ổ dịch nhỏ hay không,  tiến hành diệt bọ gậy trong vòng bán kính, phun hóa chất…tiến hành làm 2 lần; lần thứ 2 cách lần thứ nhất 7 – 10 ngày. Nếu một cụm dân cư có nhiều ổ dịch, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng tùy theo chuyên môn chỉ định.
 

Tuy nhiên, theo ông Lãm, trong quá trình thực hiện, ngành y tế gặp không ít khó khăn bởi một số người dân, họ cho rằng đó là trách nhiệm của ngành y tế chứ không phải của họ. Hợp tác của người dân chưa nhiệt tình, khi lực lượng y tế đến phun hóa chất một số người không cho. Hiện nay, tình hình đưa bệnh nhân bị sốt xuất huyết đến cơ sở y tế còn chậm làm diễn biến bệnh nhanh. Chính quyền địa phương có tham gia chỉ đạo phòng chống sốt xuất huyết nhưng chưa quyết liệt. Và hiện nay, một số hoạt chất diệt muỗi đã kháng thuốc nên không diệt hết được.

Cũng theo ông Lãm, để công tác phòng chống sốt xuất được triển khai tốt, ngoài nổ lực của ngành y tế còn phải có sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành và đặc biệt là tự bản thân mỗi người dân phải bảo vệ sức khỏe của mình. Ngoài ra cũng cần có bố trí kinh phí để chủ động trong công tác phòng sốt xuất huyết khi có nguy cơ xảy ra dịch.

Đối với người dân, ông Lãm khuyến cáo phải thường xuyên vệ sinh, thu gom phế thải trong nhà mình và khu vực xung quanh nơi mình sinh sống, nhà cửa phải thông thoáng, ngăn nắp. Khi ngủ phải nằm màn kể cả ban ngày, tiến hành các biện pháp để diệt muỗi, bọ gậy, lăng quăng. Khi có dấu hiệu nghi sốt xuất huyết nên đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, hạn chế tỷ lệ tử vong.
 

Theo số liệu của Trung tâm y tế dự phòng TP Đà Nẵng, tính đến ngày 10//11, trên địa bàn TP Đà Nẵng ghi nhận 1.560 ca mắc bệnh, 170 ổ dịch nhỏ. Hiện nay, trung bình mỗi tuần từ 60 – 70 ca bệnh (so với cùng kỳ năm ngoái là 140 – 150 ca bệnh). Bệnh xuất hiện rải rác quanh năm chứ không tập trung như những năm trước tuy nhiên tiềm ẩn nguy cơ bùng phát là rất cao vì đang là thời điểm mưa bão liên tục, ngập úng, lũ lụt.  Vừa qua, trên địa bàn phường Hòa Khánh Bắc xuất hiện nhiều ổ dịch nhỏ, được xem là điểm nóng của sốt xuất huyết, ngành y tế huy động 400 người tham gia phun hóa chất, diệt bọ gậy, lăng quăng tại 80 tổ trên địa bàn.

Khánh Hồng