Đà Nẵng: Tăng cường kiểm soát các cơ sở kinh doanh phụ gia thực phẩm

(Dân trí) - Trước thông tin về chất lượng phụ gia thực phẩm, mà mới nhất là vụ phát hiện hầu hết mẫu bún tại TP.Hồ Chí Minh “ngậm” chất tẩy trắng gây độc hại cho người dùng; nên phải siết chặt kiểm soát các cơ sở kinh doanh phụ gia thực phẩm”

Đà Nẵng:  Tăng cường kiểm soát các cơ sở kinh doanh phụ gia thực phẩm
Sau thông tin phát hiện mẫu bún tại TP.Hồ Chí Minh sử dụng chất cấm - chất tẩy trắng, Đà Nẵng tăng cường kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm trên địa bàn (ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Minh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Đà Nẵng phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, và triển khai kế hoạch công tác quản lý Nhà nước về VSATTP tại Đà Nẵng trong thời gian tới. Hội nghị vừa diễn ra sáng 25/7.

Cũng theo ông Tiến cho biết, hiện tại ở Đà Nẵng, chỉ có khoảng 10 cơ sở sản xuất phụ gia thực phẩm được cấp phép. Ngoài việc đặc biệt tăng cường thanh kiểm tra việc thực hiện các quy định về VSATTP đối với các cơ sở sản xuất  chất phụ gia, các lực lượng chức năng sẽ đồng thời tăng cường  quản lý việc kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm trong sản xuất, chế biến, và bảo quản thực phẩm.

Ngoài ra, Chi cục ATVSTP thành phố tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát ATVSTP trong các Hội nghị tổ chức tại Đà Nẵng; Giám sát tình hình ô nhiễm thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; Tăng cường quản lý loại hình kinh doanh thức ăn đường phố; Thông tin kịp thời kết quả thanh kiểm tra để người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm (đưa tên cụ thể những cơ sở, sản phẩm không đảm bảo vệ sinh thực phẩm).

Sơ kết 6 tháng đầu năm, tại Đà Nẵng, các lực lượng liên ngành chức năng liên quan về vệ sinh an toàn thực phẩm đã thanh kiểm tra và phát hiện 538 cơ sở vi phạm các quy định về VSATTP, chiếm tỷ lệ 12% so với tổng số 4.465 cơ sở được thanh kiểm tra. Ngành chức năng đã lập biên bản cảnh cáo đối với 442 cơ sở, và xử phạt tiền 96 cơ sở với số tiền phạt gần 139 triệu đồng. Các cơ sở vi phạm quy định về VSATTP chủ yếu mắc các sai phạm không đảm bảo điều kiện cơ sở, điều kiện trang thiết bị dụng cụ, điều kiện về con người, kinh doanh sản phẩm không có nhãn mác đúng quy định hoặc quá hạn sử dụng…

Trong 6 tháng đầu năm, tại Đà Nẵng, đã ghi nhận 4 vụ ngộ độc thực phẩm. Trong đó, đáng lưu ý, có đến 2 vụ ngộ độc thực phẩm khiến 27 người/vụ bị ngộ độc do ăn bánh mỳ. Qua kết quả điều tra của ngành chức năng cho thấy, nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mỳ đều xuất phát từ các thực phẩm chế biến nhân bánh mỳ không đảm bảo vệ sinh như sốt trứng gà, chả bò nhiễm khuẩn tụ cầu vàng (vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mỳ ở quầy hàng di động thuộc Q.Sơn Trà), hay chả heo chiên, thịt nguội, xúc xích chiên nhiễm khuẩn Salmonella (vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mỳ tại một tiệm bánh ở Q.Ngũ Hành Sơn).

Khánh Hiền