Đà Nẵng: Bệnh tay chân miệng diễn biến khó lường

(Dân trí) - So với những tháng trước, bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng (TCM) tháng 6 diễn biến khó lường và có chiều hướng tăng.

 

Bệnh nhi mắc tay chân miệng trong tháng 6 diễn biến phức tạp và có chiều hướng tăng

Bệnh nhi mắc tay chân miệng trong tháng 6 diễn biến phức tạp và có chiều hướng tăng
 

Cụ thể, từ đầu tháng 6 tới nay 26/6, Bệnh viện Phụ Sản - Nhi đã điều trị cho gần 1.000 ca mắc bệnh TCM, cao gấp gần 5 lần tháng 1 và gần bằng số ca mắc trong tháng 3. Đặc biệt, bệnh viện đã hồi sức và cứu sống nhiều trường hợp bệnh nặng như bệnh nhân Nguyễn Thị Yến Nhi (15 tháng tuổi, trú ở Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu) chẩn đoán TCM độ 4, suy đa phủ tạng nhập viện ngày 7/6.

 

Hiện tại, mỗi ngày khoa Nhi đón trả trên 50 trường hợp mắc bệnh TCM và trực tiếp điều trị cho 219 ca đang nằm nội trú tại khu A (có 150 giường bệnh), khu B (có 70 giường bệnh) và hồi sức cấp cứu Nhi.

 
Thời tiết nóng nực, người nhà bệnh nhân phải kê thêm giường ở hành lang cho bé nằm

Thời tiết nóng nực, người nhà bệnh nhân phải kê thêm giường ở hành lang cho bé nằm

Theo báo cáo BV Phụ Sản - Nhi Đà nẵng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, bệnh viện đã điều trị trực tiếp cho hơn 5.000 ca mắc bệnh TCM. Trong đó, có một bệnh nhi 22 tháng tuổi tử vong và hơn 1% số trường hợp mắc bệnh TCM cực kỳ nguy hiểm (thuộc độ 3, độ 4).

 

BS Nguyễn Thanh Vân, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng, cho biết, bệnh TCM vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng trở lại. Bệnh nhân từ độ nhẹ có nguy cơ chuyển sang độ nặng rất nhanh và có thể dẫn tới tử vong trong thời gian ngắn.

 

Cũng theo bác sỹ Vân, hiện giờ số bệnh nhân mắc bệnh TCM đang dịch chuyển mạnh từ nhà trẻ sang cộng đồng dân cư. Cứ 100 em mắc bệnh thì có 20 em ở nhà trẻ, 80 em còn lại ở khu dân cư. Vì vậy, ngoài sự tận tâm của đội ngũ y, bác sỹ… các bậc phụ huynh cần tạo thói quen cho các em nhỏ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước sạch để hạn chế tình trạng mắc bệnh.

 

Nguyễn Tuấn