Đã có vắc xin chống sốt xuất huyết đầu tiên trên thế giới!

(Dân trí) - Sự phê chuẩn vắc xin chống sốt xuất huyết tại Mexico được xem là một bước tiến quan trọng trong việc ngăn ngừa căn bệnh lây truyền qua muỗi đốt vốn đang đe doạ một nửa dân số thế giới.

 

Đã có vắc xin chống sốt xuất huyết đầu tiên trên thế giới! - 1

Các thử nghiệm lâm sàng với hơn 40.000 người ở 15 quốc gia cho thấy vắc xin Dengvaxia giúp tạo ra miễn dịch cho 2/3 người tiêm phòng trong độ tuổi từ 9 trở lên, và hiệu lực bảo vệ lên tới 93% đối với thể sốt xuất huyết nặng; đồng thời làm giảm nguy cơ phải nằm viện tới 80%.

Một điều đáng chú ý là vắc xin này không được tiêm cho trẻ dưới 9 tuổi bởi các nghiên cứu cho thấy hiệu quả bảo vệ đối với độ tuổi này rất thấp.

Trước đó, vắc xin này đã được nghiên cứu và phát triển suốt 20 năm với kinh phí lên tới 1,5 tỉ euro (tương đương 1,65 tỉ đô la Mỹ), bao gồm cả khoản đầu tư cho sản xuất, cũng như chờ đợi sự phê chuẩn của ít nhất 19 nước. Tuy nhiên, theo tính toán của các chuyên gia, công ty này sẽ bắt đầu thu về 1 tỷ đô la Mỹ mỗi năm từ năm 2018 hoặc 2019. Còn theo ước tính của trang Bloomberg, với đối tượng tiêm từ 9-45 tuổi sống ở những vùng có nguy cơ cao, doanh thu của vắc xin này sẽ lên tới 1,4 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020.

Hiện nhiều triệu liều vắc xin đã được sản xuất và sẵn sàng đưa đi khắp thế giới, trong đó sẽ tới EU vào đầu năm 2016 và Mỹ là 2017.

Hãng Dược phẩm Sanofi hy vọng rằng vắc xin có khả năng phòng được cả 4 thể của vi rút sốt xuất huyết này sẽ được công nhận trong vài tuần tới ở nhiều nước châu Mỹ, châu Á, nơi có tới 2 tỉ dân đang phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh. Và như vậy, từ năm 2017, hãng này sẽ sản xuất 100 triệu liều mỗi năm để đáp ứng nhu cầu của thế giới.

Theo luật định, Sanofi sẽ được giữ bản quyền vắc xin này trong 4 năm. Và hãng Dược này cam kết giá của vắc xin Dengvaxia sẽ “công bằng, phải chăng và ổn định”. Hơn thế, nó có thể được phân phối miễn phí ở một số quốc gia.

Sốt xuất huyết là căn bệnh có biểu hiện giống cúm nhưng lại tiềm ẩn những biến chứng có thể gây tử vong. Những dấu hiệu cảnh báo của bệnh nào bao gồm chảy máu lợi, nôn vọt, thở gấp và đau bụng dữ dội.

Một khảo sát gần đây của WHO ước tính có khoảng gần 400 triệu ca sốt xuất huyết mỗi năm, trong đó có khoảng 1% tử vong.

Hiện sốt xuất huyết vẫn đang gia tăng trên khắp thế giới với hơn 100 quốc gia công bố dịch. Và Tổ chức Y tế thế giới lo ngại về một nguy cơ bùng phát đại dịch toàn cầu. Bởi không như sốt rét, một căn bệnh cũng lây truyền qua muỗi đốt, sốt xuất huyết không chỉ có mặt ở những nước nghèo châu Phi mà xuất hiện ở ngay cả những khu đô thị giàu có nằm trong lòng châu Mỹ la tinh và châu Á.

Trần Phương

Theo AFP & Bloomberg