Cứu sống trẻ bị dị vật rơi vào đường thở 2 lần

(Dân trí) - Khoa Cấp cứu hồi sức BV NĐ1 vừa cấp cứu thành công Bé B.T.B, 26 tháng tuổi (An Giang), bị dị vật rơi vào đường thở 2 lần.

Bé B đã được chuyển đến BV NĐ1 trong tình trạng tím tái, thở không đều, lập tức bé được cho thở nội khí quản để cấp cứu.

 

Được biết, ngày 15/6 bé B. đang ăn đậu phộng luộc cùng chị gái, rồi vì giành mang gói đồ vào cho người chú với chị không được nên giận giữ khóc thét lên. Vì thế đã làm cho những hạt đậu phộng đang ăn trong miệng rơi qua đường thở, gây sặc sụa tím tái mặt. Người nhà đã móc họng cho bé ói ra, bé bớt khó thở, hết tím mặt nhưng vẫn còn thở khò khè.

 

Sáng hôm sau, mẹ cho bé ăn cơm trộn thịt, thì bé lại bị sặc tím tái cả mặt một lần nữa. Gia đình vội đưa cháu lên BV tỉnh, Tại đây, bé được cho thở nội khí quản, được hút ra nhiều cơm và thịt từ đường thở, tình trạng bé sau đó có đở hơn và được chuyển lên BV NĐ1 chiều ngày 16/6.

 

Tại BV NĐ1, sau khi hội chẩn, bé B. được nội soi đường thở, gắp ra nhiều phần nhỏ đậu phọng nằm sâu phía trong phế quản ở 2 bên góc. Sau đó, bé tỉnh dần, bớt khó thở, hiện đang được tiếp tục theo dõi tại khoa hồi sức.

 

Theo BS Nguyễn Minh Tiến, Phó khoa Hồi sức BV NĐ1, khi trẻ bị hóc dị vật sẽ có 2 trường hợp:

- Nếu trẻ còn hồng hào, khóc được, la được, nói được thì đặt bé ở tư thế ngồi hoặc người mẹ bồng giữ yên trẻ và đưa đến khoa Tai-Mũi-Họng tại bệnh viện gần nhất để khám và gắp dị vật ra.

- Nếu trẻ bị tím tái không thở, không khóc, hay khóc yếu, hãy nhanh chóng gọi cấp cứu và dùng thủ thuật Heimlich cho trẻ:

+ Đứng sau lưng trẻ, vòng 2 tay ôm thắt lưng trẻ

+ Nắm chặt 2 bàn tay thành quả đấm, đặt ở vùng thượng vị trên rốn, ngay dưới chóp xương ức.

+ Sau đó nhấn mạnh và nhanh, dứt khoát theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên.

+ Hãy lập đi lập lại động tác ấn vùng thượng vị từ 06 đến 10 lần cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở.

 

Ngọc Thanh