BV Trung ương Huế:

Cứu sống bệnh nhân viêm cơ tim nặng bằng kỹ thuật hoàn toàn mới

(Dân trí) - Ngày 23/5, GS.TS Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết Khoa Gây mê hồi sức tim thuộc Trung tâm Tim mạch tại bệnh viện vừa cứu sống một bệnh nhân bị viêm cơ tim nặng bằng kỹ thuật mới oxy hóa qua màng ngoài cơ thể (ECMO- Extra-Corporeal Membrane Oxygenation).

Theo đó, bệnh nhân tên T.H (39 tuổi, trú phường Tứ Hạ, Thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bị đột quỵ do bệnh lý viêm cơ tim thể tối cấp. Đây là bệnh lý viêm cơ tim do vi rút đặc trưng với thâm nhiễm tế bào viêm ở cơ tim, kèm theo hoại tử hoặc thoái hóa những tế bào cơ tim lân cận, diễn tiến nguy hại đến chức năng co bóp cơ tim rất nghiêm trọng. Nếu theo phương thức điều trị nội khoa như trước đây thì tỉ lệ thành công rất thấp với tử vong 75% theo ghi nhận trong y văn.

Bệnh nhân này không có tiền sử bệnh lý tim mạch và khởi phát bệnh với triệu chứng nhiễm siêu vi rút khi còn ở nhà, nhưng diễn tiến bệnh nặng rất nhanh dẫn đến tình trạng choáng và trụy tim mạch được chuyển đến Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế vào ngày 8/5/2015

Ghi nhận lúc vào viện bệnh nhân đang trong tình trạng bị sốc nặng, môi đầu chi tái lạnh, tình trạng khó thở và hô hấp rất kém với bão hòa oxy máu rất thấp và chỉ còn 65%. Huyết áp dao động thấp 70/40mmHg và phải sử dụng phối hợp các thuốc trợ tim mạch liều cao (Dobutamine, Adrenaline, Noradrenaline).

Điện tâm đồ biểu hiện điện thế thấp với phân đoạn ST-T chênh cao, kèm rối loạn nhịp tim và rối loạn dẫn truyền nặng với block nhĩ-thất độ III. Kết quả siêu âm thấy chức năng tim rất kém với phân suất tống máu thất trái giảm nặng chỉ còn 18%, làm bệnh nhân rơi vào tình trạng phù phổi cấp nặng nề.

Cứu sống bệnh nhân viêm cơ tim nặng bằng kỹ thuật hoàn toàn mới
Bệnh nhân T.H. đã trở lại hoàn toàn bình thường sau khi bị viêm cơ tim nặng với tỷ lệ tử vong rất cao nếu điều trị theo phương pháp thông thường

Chẩn đoán tình trạng viêm cơ tim thể tối cấp kèm sốc tim nặng đáp ứng kém với điều trị nội khoa và có chỉ định hỗ trợ tuần hoàn cơ học bằng phương pháp oxy hóa qua màng ngoài cơ thể (ECMO). Bệnh nhân sau khi điều trị trong thời gian 6 ngày nhằm duy trì sự sống, đồng thời chờ điều trị hồi phục bệnh lý viêm cơ tim, hồi phục chức năng tim và hết bị phù phổi. Sau 6 ngày, bệnh nhân T.H. đang hồi phục hoàn toàn bình thường.

800x600
800x600

Hình ảnh X-quang phù phổi cấp toàn bộ trong viêm cơ tim thể tối cấp (trái) và hình ảnh X-quang trở về bình thường sau điều trị viêm cơ tim (phải) ở bệnh nhân T.H

Theo GS Phú, phương pháp oxy hóa qua màng ngoài cơ thể (ECMO) là một kỹ thuật hỗ trợ cơ học đồng thời chức năng tim và phổi bởi một hệ thống tim phổi nhân tạo. Trong điều trị, ứng dụng ECMO để hỗ trợ cơ học cho các bệnh nhân bị suy giảm chức năng tim và hỗ trợ chức năng phổi không thể phục hồi được theo các phương thức điều trị thông thường trước đây.

Trên thế giới được ứng dụng từ năm 1970. Bệnh viện Trung ương Huế lần đầu tiên ứng dụng thành công kỹ thuật ECMO tại Việt Nam vào tháng 3/2009 cho một bệnh nhi sau phẩu thuật sữa chữa đảo gốc các đại động mạch chủ và phổi (bệnh tim bẩm sinh phức tạp). Thành công của phương thức điều trị mới này ở Việt Nam đã mở ra cơ hội cứu sống cho những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch quá nặng mà trước đây không thể tiến hành phẫu thuật vì thiếu điều kiện và phương tiện hỗ trợ.

Ứng dụng thành công kỹ thuật ECMO không những là động lực để phát triển lĩnh vực phẫu thuật tim mạch cho những bệnh lý nặng nề ở Việt Nam, mà còn ứng dụng rất hiệu quả trong hồi sức điều trị các bệnh lý hô hấp nặng (hội chứng nguy cập hô hấp cấp do dịch virus, vi khuẩn ác tính …), tình trạng suy tuần hoàn cấp, suy đa tạng, hoặc trong cấp cứu ngừng tim tuần hoàn vốn có tiên lượng sống rất thấp nếu điều trị theo phương thức trước đây.

800x600

Nguyên lý kỹ thuật oxy hóa qua màng ngoài cơ thể ECMO

“Đến nay (5/2015), sau  hơn 6 năm triển khai, ở Bệnh viện Trung ương Huế đã ứng dụng thành công cho gần 100 trường hợp bệnh nhân nặng. Ứng dụng ban đầu kỹ thuật ECMO chủ yếu trong lĩnh vực hồi sức cho những bệnh nhân sau mổ tim nặng nề, trong đó chủ yếu là những bệnh nhi sau phẫu thuật sữa chữa bệnh tim bẩm sinh phức tạp (tỉ lệ thành công 61%) như phẫu thuật đảo gốc các đại động mạch chủ - phổi, tứ chứng Falot với nhiều tổn thương phối hợp …, và những bệnh nhân bệnh tim mắc phải ở người lớn bị suy tim nặng sau phẫu thuật hoặc do nhồi máu cơ tim cấp tính (tỉ lệ thành công 72%).

Những năm gần đây ở bệnh viện này, kỹ thuật ECMO không chỉ ứng dụng trong lĩnh vực phẫu thuật tim mà còn ứng dụng rất hiệu quả trong hồi sức cấp cứu cho bệnh lý hô hấp cấp do dịch virus ác tính… (tỷ lệ thành công rất cao 89%), suy tuần hoàn cấp kèm suy đa tạng (thành công 73%) hoặc cấp cứu ngừng tuần hoàn (thành công 57%).

Điều đáng nói trên đây đều là những tình trạng bệnh lý rất nguy kịch vốn có tỉ lệ sống còn rất thấp (tiên lượng tử vong > 80%) nếu điều trị theo phương thức thường qui trước đây. Ứng dụng thành công ECMO góp phần cứu sống phần nhiều những bệnh nhân rất nặng nề, đồng thời mở rộng chỉ định điều trị can thiệp hơn cho những bệnh lý nghiêm trọng mà trước đây không thực hiện được do thiếu phương tiện” - GS. Phú trao đổi.

Đại Dương