Cứu cháu bé 7 tháng tuổi thoát nguy cơ đột tử

(Dân trí) - Cháu bé 7 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng rối loạn nhịp nặng, kèm tim bẩm sinh, điều trị nội khoa không đáp ứng, nguy cơ đột tử. Các bác sĩ đã thăm dò điện sinh lý tim và can thiệp đốt ổ loạn nhịp bằng sóng cao tần giúp bé thoát khỏi rối loạn nhịp.

BS-CKII Nguyễn Trí Hào, quyền Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho hay, bệnh viện vừa trở thành cơ sở y tế đầu tiên tại khu vực phía Nam thực hiện thành công kỹ thuật điều trị rối loạn nhịp cho bệnh nhi nhỏ tuổi, nhẹ cân. Bệnh nhi vừa được can thiệp là bé L.M.K. (cân nặng 7,5kg; 7 tháng tuổi; ngụ tại Bình Dương).

Cứu cháu bé 7 tháng tuổi thoát nguy cơ đột tử - 1
Tình trạng rối loạn nhịp và tim bẩm sinh khiến bệnh nhi đối mặt với nguy cơ tử vong bất kỳ lúc nào

Cháu được gia đình đưa đến bệnh viện trong tình trạng loạn nhịp nặng kèm tim bẩm sinh tím. Sau khi đo thêm điện tim, các bác sĩ khoa tim mạch chẩn đoán trẻ mắc hội chứng Wolff-Parkinson-White. Đây là một dạng loạn nhịp có thể dẫn đến đột tử nếu không điều trị kịp thời.

Bệnh nhi nhanh chóng được chỉ định điều trị bằng 2 loại thuốc chống loạn nhịp (propranolol và amiodarone) nhưng không thể khống chế cơn nhịp nhanh. Tật tim bẩm sinh tím nặng có bất thường van tim đi kèm với rối loạn nhịp nặng diễn tiến xấu, việc điều trị nội khoa không mang lại kết quả nhưng tình trạng rối loạn nhịp của bé không thể chỉ định phẫu thuật vì nguy cơ thất bại của cuộc mổ rất cao, bé đối mặt với nguy cơ đột tử bất kỳ lúc nào.

Đối mặt với ca bệnh khó, các bác sĩ quyết định thăm dò điện sinh lý tim và chỉ định can thiệp đốt ổ loạn nhịp bằng sóng cao tần RF. Tuy nhiên theo y văn, các trường hợp can thiệp đều thực hiện ở những trẻ lớn hơn 5 tuổi, cân nặng trên 15 kg. Những trẻ nhẹ cân, trẻ nhỏ dưới 1 tuổi là thức với cuộc can thiệp bởi nguy cơ thủng vách tim có thể xảy ra khi bác sĩ thực hiện các thao tác trong không gian hẹp của trái tim còn nhỏ.

Cứu cháu bé 7 tháng tuổi thoát nguy cơ đột tử - 2

Sau can thiệp bé đã thoát khỏi rối loạn nhịp, sức khỏe diễn tiến tốt

Sau khi bệnh viện nhập được các thiết bị chuyên dụng cho nhóm trẻ nhỏ tuổi, nhẹ cân bác sĩ đã quyết định can thiệp cho bệnh nhi. Kỹ thuật đốt với đường vào tối thiểu đã tránh được tổn thương mạch máu. Nhưng trong quá trình can thiệp, bệnh nhi bất ngờ lên cơn nhịp nhanh liên tục, cơ thể tím tái nặng. Sau 2 giờ thực hiện, các bác sĩ đã kiểm soát được cơn nhịp nhanh tránh được nguy cơ thủng thành tim, giúp trẻ hồi phục an toàn sau 24h.

Được biết, kỹ thuật sử dụng sóng cao tần điều trị rối loạn nhịp đã được áp dụng trên bệnh nhân trưởng thành và nhóm bệnh nhi có cân nặng từ 20kg trở lên tại nhiều bệnh viện ở TPHCM. Tuy nhiên, đây là ca bệnh nhẹ cân, nhỏ tuổi nhất lần đầu tiên được can thiệp thành công tại khu vực phía Nam.

Trẻ mắc chứng rối loạn nhịp, không đáp ứng với điều trị nội khoa chiếm tỷ lệ rất thấp trong nhóm bệnh tim nhi. Tuy nhiên, nếu không được can thiệp sớm, bệnh nhi có thể đột tử trước khi đủ tiêu chuẩn về cân nặng. Kỹ thuật trên được thực hiện thành công tại Nhi Đồng 1 đã mở ra những cơ hội được điều trị cho các bé không may bị rối loạn nhịp ngay từ những tháng đầu đời. Bác sĩ cho biết, sau khi thực hiện phương pháp can thiệp bệnh nhi sẽ hoàn toàn thoát khỏi nguy cơ rối loạn nhịp.

Vân Sơn