Cuộc chiến chống dịch khốc liệt tại New York qua nhật ký của nữ điều dưỡng

(Dân trí) - “Lúc này mọi thứ trông như một cuộc chiến và tôi phải miễn cưỡng tôn trọng khả năng của kẻ thù: Vô hình, tàn nhẫn, không thể đoán trước”, nữ điều dưỡng viết trong cuốn nhật ký của mình.

Cuộc chiến chống dịch khốc liệt tại New York qua nhật ký của nữ điều dưỡng - 1

New York hiện là tâm dịch Covid-19 ở Mỹ. New York Post dẫn số liệu từ chính quyền thành phố cho biết, trong ngày 9/4, thành phố này ghi nhận thêm 518 người chết vì Covid-19, nâng tổng số người chết vì dịch này tại đây lên 4.778 ca. Trong khi đó, Mỹ vẫn đang là nước dẫn đầu thế giới về số ca mắc Covid-19 với hơn 435.000 trường hợp.

Nếu ví các bệnh viện ở thành phố New York ở thời điểm hiện tại là chiến trường, thì đơn vị hồi sức tích cực chính là nơi diễn ra các trận đánh ác liệt nhất giữa đội ngũ y, bác sĩ và virus SARS-CoV-2, với mục đích cuối cùng là giành giật sự sống của các bệnh nhân nguy kịch.

Để hiểu hơn về cuộc chiến đặc biệt này, Dân trí xin lược dịch đoạn nhật ký mô tả lại ngày làm việc của nữ điều dưỡng Simone Hannah-Clar, người đang trực tiếp chống dịch tại đơn vị hồi sức tích cực dành riêng cho bệnh nhân Covid-19, thuộc 1 bệnh viện của thành phố New York:

Cuộc chiến chống dịch khốc liệt tại New York qua nhật ký của nữ điều dưỡng - 2

 “Tôi thức dậy trước khi chuông đồng hồ báo thức kịp tắt. Tôi pha một tách cà phê, rửa mặt và dùng lăn khử mùi với liều gấp đôi những ngày bình thường. Lăn khử mùi sẽ không bao giờ là đủ ngăn mồ hôi và mùi cơ thể trong những ca trực dài hơi, nhưng tôi vẫn thử. Chồng và con tôi lúc này vẫn đang say giấc ngủ. Tôi cố ăn bữa sáng. Tuy nhiên bụng tôi thắt lại mỗi khi nghĩ đến những gì sẽ xảy ra trong ngày hôm nay, và đương nhiên tôi biết rõ điều này. Mỗi ngày chỉ như là biến thể của một kịch bản giống nhau: Những bệnh nhân ốm nặng và có cùng một kết quả chẩn đoán, Covid-19.

Tôi đã bắt đầu định nghĩa khoảng thời gian trước đây là thời khắc yên bình. Bởi vì lúc này mọi thứ trông như một cuộc chiến và tôi phải miễn cưỡng tôn trọng khả năng của kẻ thù: vô hình, tàn nhẫn, không thể đoán trước.

Tôi là một trong hàng ngàn điều dưỡng đang làm việc ở đơn vị hồi sức tích cực tại thành phố New York. Chúng tôi đương nhiên không phải là thiên thần. Chúng tôi chỉ làm đúng với nghĩa vụ của mình. Chúng tôi có trách nhiệm thực thi các phác đồ điều trị, đặt ra câu hỏi rằng, khi nào mọi thứ không có hiệu quả và cũng sẽ đi tìm lời giải cho phương pháp thực sự hiệu quả cho bệnh nhân của chúng tôi. Các điều dưỡng sẽ đánh giá và theo dõi, đặt ra câu hỏi và kiểm soát vấn đề. Chúng tôi đứng giữa bệnh nhân và kẻ thù. Chúng tôi chính là lực lượng trên tuyến đầu chống dịch.

Tàu điện ngầm hay Lyft (một hãng xe công nghệ - PV)? Tôi luôn cân nhắc trước mỗi khi chuẩn bị bước vào ca trực. Tôi cảm thấy không an toàn khi đi tàu điện. Vào thời điểm này, nó vắng vẻ một cách kỳ lạ. Vì vậy lựa chọn của tôi thường là Lyft. Trên đường đến bệnh viện, tôi cũng sẽ ghé qua đón đồng nghiệp của mình. Sau đó, chúng tôi sẽ cùng thảo luận về kể thù chung…”

“…Chúng tôi đã đến bệnh viện và cả 2 đều làm trong đơn vị hồi sức tích cực của bệnh nhân Covid-19. Vào khoảng thời gian này, chúng tôi luôn thường trực ở đây. Nó cũng chính là đơn vị hồi sức tích cực dành cho bệnh nhân Covid-19 đầu tiên được mở tại bệnh viện của chúng tôi.

Chúng tôi có một cuộc thảo luận ngắn về tình trạng các bệnh nhân: Ai là người đang tình trạng nguy kịch nhất, ai có thể sẽ không qua khỏi, ai là người mà gia đình họ đã gọi điện để yêu cầu cập nhật tình hình. Sau đó, chúng tôi mặc những trang bị phòng hộ đang dần cạn kiệt, trong đó có khẩu trang N95, đây sẽ là thứ mà chúng tôi phải mang nguyên cả ngày dài.

Cuộc chiến chống dịch khốc liệt tại New York qua nhật ký của nữ điều dưỡng - 3

Tôi chưa được phân công cho một bệnh nhân cụ thể nào cả. Lúc này tôi là một điều dưỡng “tự do” và làm rất nhiều nhiệm vụ khác nhau. Công việc đầu tiên của tôi hôm nay là làm các bước xử lý thi thể của bệnh nhân Covid-19 vừa qua đời. Chúng tôi đã chứng kiến cảnh bà ấy chết dần trong những ngày trước. Chúng tôi đã làm tất cả những gì mình có thể. Bây giờ chỉ có mình tôi và một điều dưỡng khác trong căn phòng chứa thi thể này.

Đây là một công việc rùng rợn. Chúng tôi sẽ bọc thi thể bệnh nhân một cách kỹ lưỡng, vuốt mắt bệnh nhân và nguyện cầu cho bà có một hành trình mới đầy tốt đẹp. Đồng nghiệp của tôi tháo các trang sức trên người bà một cách cẩn thận; chúng tôi biết rằng con gái của bà sẽ rất cần nó. Chúng tôi cũng phải làm nhiệm vụ thu gom lại những tài sản cá nhân của bà. Tôi thấy trong đó có ví, bảng kế hoạch và những vật dụng cá nhân khác. Chỉ một tuần trước thôi, bà ấy còn là một con người có tương lai đầy hứa hẹn, với những kế hoạch dự định, với son môi có mùi hương cherry.

Tôi dành một vài giờ tiếp theo để cùng đồng nghiệp tìm giải pháp tăng sức chứa của đơn vị hồi sức tích cực này lên gấp đôi. Làm thế nào để chúng tôi có thể để vừa 2 chiếc giường, 2 máy thở, 2 thiết bị giám sát vào 1 phòng? Chúng tôi sẽ lấy thêm thiết bị giám sát ở đâu? Liệu chúng tôi có đủ máy thở hay không?...”

“… Chúng tôi có thêm 3 bệnh nhân Covid-19 liên tiếp. Tôi và đồng nghiệp của mình mặc áo phòng hộ vào, đeo chồng thêm một đôi găng tay và đeo thêm mặt nạ ngăn giọt bắn. Những thứ này được gọi là phương tiện phòng hộ cá nhân.

Chúng tôi lại bắt đầu chuỗi những tác vụ phức tạp nhưng lại rất quen thuộc. Trước hết, chúng tôi di chuyển 1 bệnh nhân vừa tiếp nhận từ cáng lên giường hồi sức tích cực; thay áo quần của ông ta và trong khi tôi thực hiện đánh giá tổng quát toàn cơ thể, đồng nghiệp của tôi sẽ triển khai điện tâm đồ và thu thập các dấu hiệu sinh tồn; tiếp đến là đặt ống thông đường tiểu và 2 đường truyền tĩnh mạch.

Chúng tôi rửa ráy cho bệnh nhân và kiểm tra các vết thương trên da. Sau đó, chúng tôi dán các miếng xốp vào gót và lưng để giảm áp lực tại các khu vực này khi bệnh nhân nằm trên giường. Chúng tôi cũng đặt ống thực quản để có thể cung cấp chất dinh dưỡng cho ông ấy trong quá trình thở máy…”

Cuộc chiến chống dịch khốc liệt tại New York qua nhật ký của nữ điều dưỡng - 4

“… Cuối cùng thì cũng đến lúc cởi bỏ phương tiện phòng hộ. Chúng tôi cẩn thận lau chùi mặt nạ ngăn giọt bắn và đặt chúng vào trong 1 chiếc túi giấy để sử dụng lại. Đã 1 tiếng trôi qua, cả 2 chúng tôi đều đổ mồ hôi đầm đìa, gương mặt lộ rõ vết hằn do chiếc khẩu trang N95 để lại. Có một điều cứ ám ảnh tôi mỗi ngày: Liệu các thao tác tháo phương tiện phòng hộ của tôi đã đủ cẩn thận hay chưa? Đây là chiếc mặt nạ ngăn giọt bắn và chiếc khẩu trang cuối cùng mà tôi được cấp trong ngày hôm nay. Liệu tôi đã rửa tay đủ thời gian, đảm bảo quy trình hay chưa?...”

 “…Sau khi hết ca trực tôi vẫn ở lại thêm 1 tiếng rưỡi nữa. Tôi rất muốn về nhà lúc này nhưng điều đó thật khó, bởi vẫn còn quá nhiều việc phải làm. Chúng tôi luôn phải tự nhắc nhau rằng, công việc của chúng tôi là nhiệm vụ 24 giờ…”

Cuộc chiến chống dịch khốc liệt tại New York qua nhật ký của nữ điều dưỡng - 5

“… Tôi trở về căn hộ của mình, đặt giày ở cửa, xịt khử trùng, rồi đi tắm. Lũ trẻ đã ngủ còn chồng tôi thì nở nụ cười mừng tôi trở về nhưng chúng tôi đều biết rằng, chúng tôi không được chào hỏi nhau. Chúng tôi luôn phải trong tình trạng giữ khoảng cách, ngủ ở phòng riêng.

Nhiều lúc, một ngày ở bệnh viện trôi qua không êm ả một chút nào, nhiều bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch, chúng tôi bị thiếu nhân lực trầm trọng. Chúng tôi cũng đã quen với điều này vì các bệnh nhân vẫn liên tục nhập viện.

Chăm sóc các bệnh nhân là một công việc đòi hỏi sự chung sức của nhiều người. Chúng tôi đều rất sợ và có những lúc trái tim như muốn tan vỡ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng có những điều đáng tự hào: 1 bệnh nhân tiến triển tốt và có thể rời đơn vị hồi sức tích cực; có 1 sáng kiến để tiết kiệm thời gian và phương tiện phòng hộ cá nhân quý giá.

Cuộc chiến chống dịch khốc liệt tại New York qua nhật ký của nữ điều dưỡng - 6

Tinh thần đồng đội là thứ truyền động lực và cảm hứng làm việc cho chúng tôi ở thời điểm hiện tại. Các điều dưỡng trong đơn vị hồi sức tích cực là những người can trường. Chúng tôi chiến đấu cho bệnh nhân và luôn có đồng đội của mình sát cánh. Các bác sĩ như những kiến trúc sư kiến tạo điều gì sẽ xảy ra trong bệnh viện, còn chúng tôi chính là người thợ xây. Chúng tôi vẫn miệt mài xây dựng dù ở trong tình trạng hỗn loạn. Chúng tôi vẫn xây dù kẻ thù vô hình cố gắng phá bỏ những gì chúng tôi đã hoàn thành”.

Minh Nhật

Theo NYT, NYP