Cục Quản lý Dược: Tamiflu là thuốc kê đơn, không tuỳ tiện sử dụng

(Dân trí) - Trước "cơn sốt" săn lùng thuốc Tamiflu kể cả ở những người mắc cúm không được kê đơn, đại diện Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, thuốc Tamiflu không thuộc diện kiểm soát đặc biệt, nhập khẩu theo nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, đây là loại thuốc phải bán theo đơn, không thể tuỳ tiện sử dụng tránh nguy cơ gây hại cho sức khoẻ.

Đến chiều muộn ngày 17/12, "cơn sốt" thuốc Tamiflu vẫn diễn ra, với những bệnh nhân có nhu cầu thực (bác sĩ kê đơn khi đi khám) và với cả những người dự phòng "mua sẵn" phòng nguy cơ mắc cúm.

Qua khảo sát hầu như chỉ có các nhà thuốc lớn và các nhà thuốc gần các bệnh viện lớn là còn thuốc Tamiflu để bán. Tại một nhà thuốc lớn ở đường Láng Hạ giá thuốc Tamiflu là 170k/viên. Tại siêu thị thuốc Hapulico đường Nguyễn Huy Tưởng trong số khoảng 10 quầy thuốc được hỏi thì chỉ có 3 quầy là còn thuốc Tamiflu, giá thuốc bình quân rơi vào khoảng 160k-170k/viên.

Cục Quản lý Dược: Tamiflu là thuốc kê đơn, không tuỳ tiện sử dụng - 1

Tại các hiệu thuốc, nhiều người vào hỏi thuốc Tamiflu. Ảnh: Minh Nhật.

Các hiệu thuốc dọc tuyến đường Nguyễn Huy Tưởng gần khu vực siêu thị thuốc Hapulico cũng trong tình trạng khan hàng, nếu có cũng ở mức cao 185k/viên. Một nhân viên quầy thuốc ở đây cho biết bình thường giá thuốc là 50k/viên nhưng giờ đã lên trên 100k/viên thậm chí còn cháy hàng và không biết khi nào có đợt hàng mới. Việc mua thuốc tại các quầy thuốc này khá dễ dàng, nhân viên quầy thuốc không yêu cầu đơn thuốc từ bác sĩ.

Nhiều quầy thuốc dọc đường giải phóng gần bệnh viện Bạch Mai ở trong tình trạng cháy hàng. Một vài nhà thuốc còn hàng đều ở mức giá 150k/viên. Các nhân viên nhà thuốc ở khu vực này đều yêu cầu xuất trình đơn thuốc mới có thể mua Tamiflu và khuyến cáo chỉ nên dùng Tamiflu để điều trị khi chắc chắn có bệnh, không nên dùng để uống phòng.

Theo ông Trần Minh Điển, Phó Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương, trong điều trị cúm, Tamiflu (chứa hoạt chất Oseltamivir hàm lượng 75 mg) là thuốc không được sử dụng tùy tiện, chỉ được chỉ định với những trường hợp có các biến chứng như viêm phổi và khi có chỉ định của bác sĩ, người bệnh mới dùng thuốc này, không nên tự ý mua thuốc về chữa cúm. Hiện Bệnh viện Nhi trung ương đã có văn bản gửi Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) để thông báo tình trạng kho thuốc đang hết dần Tamiflu để Cục có giải pháp kịp thời.

Hướng dẫn điều trị cúm của Bộ Y tế Việt Nam, cũng như các hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới và CDC đều khuyến cáo điều trị thuốc kháng virus Tamiflu chỉ được chỉ định khi có biến chứng nặng hoặc có nguy cơ cao.

Với các trường hợp còn lại, chỉ điều trị triệu chứng, nghỉ ngơi, cách ly phòng lây nhiễm, sau vài ngày sẽ tự khỏi và không có biến chứng.

Đại diện Cục Quản lý dược cho biết thuốc Tamiflu đã được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam và không phải thuốc thuộc diện kiểm soát đặc biệt.

Đây là loại thuốc được nhập khẩu theo nhu cầu thị trường. Hiện đơn vị cung ứng vẫn còn một lượng nhỏ đảm bảo cung cấp theo hợp đồng đã trúng thầu vào các bệnh viện, dành cho bệnh nhân điều trị nội trú.

Ngoài ra, một đơn hàng nhập khẩu bổ sung Tamiflu sẽ sớm về Việt Nam, phục vụ cho điều trị.

Cục Quản lý dược khuyến cáo, thuốc Tamiflu và các thuốc khác có chứa hoạt chất Oseltamivir là thuốc kê đơn, khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc, nếu sử dụng không theo đúng chỉ định của người kê đơn thì có thể nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe.

Bộ Y tế cho biết, cúm thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, đặc biệt là người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch ... thì bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.

Trong khi đây là căn bệnh dễ lây lan qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Vì thế, Bộ Y tế khuyến cáo người dân hạn chế đến chỗ đông người khi có dịch để phòng lây lan; khi phải tiếp xúc với người bệnh cần đeo khẩu trang.

Các biện pháp như tăng cường vệ sinh cá nhân, che miệng khi ho, nâng cao thể trạng để phòng bệnh; chủ động tiêm vắc- xin phòng bệnh cúm với các chủng đã có vắc- xin cũng rất hiệu quả để phòng lây lan cúm, được Bộ Y tế khuyến khích.

Việc tiêm phòng đặc biệt có ý nghĩa với nhóm có nguy cơ lây nhiễm cúm cao như nhân viên y tế; trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi; Người có bệnh mạn tính (bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, tiểu đường, suy giảm miễn dịch…)); Người trên 65 tuổi.

Hồng Hải - Minh Nhật