Covid-19 khác gì với những đại dịch từng xảy ra trên thế giới?

(Dân trí) - Mặc dù Covid-19 là dịch bệnh mà hầu hết chúng ta chưa từng trải qua trước đây, nhưng đại dịch vốn không phải là điều gì mới mẻ.

Đại dịch đã đóng một vai trò trong việc định hình lịch sử loài người qua các thời đại. Lịch sử cho thấy rằng mặc dù đại dịch có sức tàn phá khủng khiếp, nhưng những gì chúng ta đang trải qua hiện nay không phải là bất thường.

Đầu tiên, cần giải thích rõ ý nghĩa của từ “đại dịch”. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa đại dịch là “sự lây lan của một căn bệnh mới trên toàn thế giới”.

Covid-19 khác gì với những đại dịch từng xảy ra trên thế giới? - 1

1981 đến nay: HIV

Với những cải thiện to lớn về điều trị, thông tin, năng lực chẩn đoán và giám sát ở các nước phương Tây, thật dễ quên đi rằng các chuyên gia vẫn xếp HIV là đại dịch.

Kể từ đầu những năm 1980, HIV đã cướp đi sinh mạng của hơn 32 triệu người. Tính đến hết năm 2018, khoảng 37,9 triệu người đang sống chung với HIV.

Mặc dù HIV cũng là do virus gây ra, nhưng có sự khác biệt đáng kể giữa hai đại dịch này; rõ ràng nhất là cơ chế lây truyền của chúng. Không giống như SARS-CoV-2 gây ra COVID-19, HIV không thể lây qua ho và hắt hơi.

Tương tự, COVID-19 lây lan trong cộng đồng dễ dàng hơn nhiều. Trong vòng vài tuần, SARS-CoV-2 đã xuất hiện ở mọi châu lục trên Trái đất trừ Nam Cực.

Một sự khác biệt quan trọng khác là hiện chưa có thuốc nào có thể điều trị hoặc ngăn ngừa COVID-19. Mặc dù chưa có vắc-xin HIV, song nhờ có thuốc kháng virus, những người được tiếp cận điều trị giờ đây có thể sống lâu và khỏe mạnh.

2009 - 2010: Cúm heo H1N1

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC), từ tháng 4/2009 đến tháng 4/2010, đại dịch cúm heo đã ảnh hưởng đến khoảng 60,8 triệu người. Ngoài ra còn có khoảng 274.304 người phải nhập viện và 12.469 người chết.

Cả cúm heo và virus corona mới đều gây ra các triệu chứng như sốt, ớn lạnh, ho và đau đầu.

Giống như SARS-CoV-2, virus (H1N1) cũng khác biệt đáng kể so với các chủng khác. Điều này có nghĩa là hầu hết mọi người không có miễn dịch tự nhiên.

Tuy nhiên, đáng chú ý là một số người lớn tuổi đã có miễn dịch, gợi ý rằng (H1N1) hoặc thứ gì đó tương tự có thể đã lây nhiễm cho một số lớn người từ vài thập kỷ trước. Vì khả năng miễn dịch này, 80% trường hợp tử vong xảy ra ở những người dưới 65 tuổi.

Điều này không đúng với SARS-CoV-2; tất cả các nhóm tuổi dường như đều có khả năng mắc bệnh như nhau, và người cao tuổi có nguy cơ mắc bệnh nặng nhất. Có thể một số nhóm người nhất định có mức độ miễn dịch nào đó chống lại SARS-CoV-2, nhưng các nhà nghiên cứu chưa xác định được một nhóm như vậy.

Tỷ lệ tử vong chung của cúm heo là khoảng 0,02%. Theo ước tính gần đây, có thể thay đổi khi đại dịch tiến triển, con số này thấp hơn một chút so với Covid-19. Ngoài ra, cúm heo ít lây hơn Covid-19.

Chỉ số lây cơ bản (R0) của cúm lợn là 1,4 đến 1,6. Điều này có nghĩa là mỗi người bị cúm heo có thể lây virus cho trung bình từ 1,4 đến 1,6 người. Ngược lại, các nhà khoa học tin rằng R0 của Covid-19 nằm trong khoảng từ 2 đến 2,5, hoặc có thể cao hơn.

Những lần quay lại của dịch tả

Trong 2 thế kỷ qua, dịch tả đã 7 lần đạt tỷ lệ đại dịch. Các chuyên gia phân loại dịch tả năm 1961-1975 là đại dịch thứ bảy.

Dịch tả là một bệnh nhiễm khuẩn ở ruột non do một số chủng Vibrio cholerae. Bệnh có thể gây tử vong trong vài giờ. Triệu chứng phổ biến nhất là tiêu chảy, mặc dù chuột rút và nôn cũng có thể xảy ra.

Mặc dù điều trị bù nước ngay lập tức đạt thành công trong 80% trường hợp, tỷ lệ tử vong của bệnh tả có thể lên tới 50% nếu không điều trị. Con số này cao hơn nhiều lần so với ước tính cao nhất đối với Covid-19. Dịch tả xảy ra khi ăn phải thức ăn hoặc nước bị ô nhiễm.

Đại dịch thứ bảy do một chủng V. cholerae có tên El Tor, được các nhà khoa học xác định lần đầu tiên vào năm 1905. Dịch dường như bắt đầu trên đảo Sulawesi ở Indonesia. Từ đó, nó lan sang Bangladesh, Ấn Độ và Liên Xô, bao gồm cả Ukraine và Azerbaijan.

Đến năm 1973, dịch cũng đã lan đến Nhật, Ý và Nam Thái Bình Dương. Vào những năm 1990, mặc dù đại dịch đã chính thức chấm dứt, chủng này đã đến Châu Mỹ Latinh, một khu vực chưa từng có dịch tả trong suốt 100 năm. Tại đây, đã có ít nhất 400.000 trường hợp bệnh và 4.000 trường hợp tử vong.

Cũng như Covid-19, rửa tay là thiết yếu để ngăn chặn sự lây lan của bệnh. Tuy nhiên, để ngăn ngừa dịch tả, tiếp cận với nước an toàn và vệ sinh thực phẩm tốt cũng quan trọng không kém.

1918: Cúm Tây Ban Nha

Mùa xuân năm 1918, các chuyên gia y tế đã phát hiện ra một loại virus H1N1 trong binh lính Mỹ.

Từ tháng 1 năm 1918 đến tháng 12 năm 1920, loại virus này – có vẻ đã lây từ chim sang người - đã khiến khoảng 500 triệu người nhiễm bệnh, tương đương với 1/3 dân số Trái đất. Chỉ riêng ở Mỹ, virus đã giết chết khoảng 675.000 người, và khoảng 50 triệu người trên toàn thế giới.

Chủng cúm này, giống như Covid-19, lây truyền qua các giọt bắn từ đường hô hấp.

Như với Covid-19, người cao tuổi có nguy cơ phát triển các triệu chứng nghiêm trọng nhất. Tuy nhiên, trái ngược hoàn toàn với Covid-19, cúm Tây Ban Nha cũng ảnh hưởng đến trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn ở độ tuổi 20-40.

Trên thực tế, một thanh niên 25 tuổi dễ bị chết vì cúm Tây Ban Nha hơn một người già 74 tuổi. Điều này là bất thường đối với bệnh cúm.

Tuy nhiên, Covid-19 nói chung ảnh hưởng đến trẻ em tương đối nhẹ và người lớn ở độ tuổi 20-40 ít bị các triệu chứng nghiêm trọng hơn so với người cao tuổi.

Giống như cúm heo, có thể người cao tuổi tại thời điểm đó đã có miễn dịch từ trước nhờ một mầm bệnh tương tự. Có lẽ đại dịch cúm 1889-1890, còn gọi là cúm Nga, đã mang lại sự bảo vệ nhất định cho những người sống sót sau đó.

Ngoài ra, một số nhà khoa học tin rằng phản ứng miễn dịch mạnh của những người trẻ hơn có thể đã dẫn đến các triệu chứng phổi nghiêm trọng hơn do ”xuất tiết quá mức ở phổi”. Nói cách khác, phản ứng miễn dịch mạnh ở người trẻ có thể tạo ra quá nhiều chất dịch trong phổi, khiến việc thở trở nên khó khăn hơn.

Vào thời điểm đó, không có vắc-xin để ngăn ngừa bệnh và không có thuốc kháng sinh để điều trị các nhiễm khuẩn bội nhiễm. Độc lực của chủng cúm đặc biệt này và việc thiếu thuốc đã khiến nó trở thành đại dịch nghiêm trọng nhất trong lịch sử gần đây.

Đại dịch diễn ra theo hai làn sóng, với làn sóng thứ hai nguy hiểm hơn làn sóng thứ nhất. Tuy nhiên, virus đã biến mất khá đột ngột.

Cúm Tây Ban Nha có tỷ lệ tử vong khoảng 2,5%. Ở giai đoạn này, thật khó để so sánh với COVID-19 vì ước tính khác nhau.

Một thời đại khác

Tỷ lệ tử vong cao của bệnh cúm Tây Ban Nha một phần là do độc lực của virus.

Sự khác biệt về xã hội cũng đóng một vai trò. Vào năm 1918, người dân có xu hướng sống ở những khu vực gần nhau và có lẽ không coi trọng vấn đề vệ sinh. Những yếu tố này có thể ảnh hưởng đến tốc độ lây lan nhanh chóng của virus và mức độ nguy hiểm của nó.

Ngoài ra, thế giới lúc đó đang có chiến tranh, nghĩa là một số lượng lớn binh lính phải di chuyển đến các địa điểm xa xôi và tạo điều kiện cho sự lây lan của bệnh dịch. Trong thời bình, người bị bệnh nặng sẽ ở nhà, trong khi một người chỉ hơi ốm có thể tiếp tục như bình thường.

Trong Thế chiến I, suy dinh dưỡng là phổ biến đối với cả những người ở hậu phương và tiền tuyến. Đây là một yếu tố khác có thể khiến mọi người dễ mắc bệnh hơn.

Cúm Tây Ban Nha và giãn cách vật lý

Mặc dù đại dịch cúm Tây Ban Nha có nhiều điểm khác biệt so với đại dịch Covid-19 ngày nay, nhưng nó dạy cho chúng ta một bài học quý giá về hiệu quả của việc thực hiện nhanh chóng các biện pháp giãn cách vật lý, hoặc các biện pháp giãn cách xã hội.

Tại Philadelphia, chính quyền đã hạ thấp tầm quan trọng của những ca bệnh đầu tiên trong thành phố. Các cuộc tụ họp đông người tiếp tục và các trường học vẫn mở. Thành phố chỉ thực hiện giãn cách vật lý và các biện pháp khác khoảng 14 ngày sau khi các ca bệnh đầu tiên xuất hiện. Điều này đã để lại hậu quả đáng kể.

Ngược lại, trong vòng 2 ngày sa khi những ca bệnh đầu tiên được báo cáo, St. Louis, MI, đã nhanh chóng áp dụng các biện pháp giãn cách vật lý.

Như một tác giả viết, cái giá mà Philadelphia phải trả cho sự chậm trễ có vẻ rất đáng kể; vào thời điểm Philadelphia phản ứng, thành phố này đã phải đối mặt với quy mô dịch bệnh lớn hơn nhiều so với St. Louis.

Hội chứng hô hấp cấp tính nặng

Năm 2002, hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) đã trở thành đại dịch đầu tiên của thế kỷ 21. Giống như COVID-19, SARS là do một loại virus corona, được gọi là SARS-CoV. Nó cũng có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Các nhà khoa học tin rằng SARS-CoV-2, virus gây ra COVID-19, có nguồn gốc từ dơi, di chuyển sang tê tê, sau đó lây sang người. Tương tự, SARS-CoV bắt đầu ở loài dơi, nhưng nó đã di chuyển vào cầy hương trước khi lây sang người.

Cả SARS-CoV và virus gây Covid-19 đều có thể lây qua các giọt bắn khi ho và hắt hơi.

Trên toàn cầu, SARS đã lây nhiễm khoảng 8.000 người tại 29 quốc gia và có tỷ lệ tử vong khoảng 10%. Theo hầu hết các ước tính, tỷ lệ này cao hơn tỷ lệ tử vong của Covid-19.

Cả SARS và Covid-19 đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến người cao tuổi hơn so với những người trẻ. Khoảng một nửa trong số những người trên 65 tuổi mắc SARS đã tử vong, so với chỉ 1% số người dưới 24 tuổi.

Tuy nhiên, Covid-19 dường như dễ lây hơn SARS và đã lan rộng ra nhiều quốc gia và giết chết nhiều người hơn SARS.

Chúng ta đã thanh toán dịch SARS như thế nào?

Nói một cách vắn tắt, giám sát, cách ly người nhiễm và các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt đã ngăn chặn tiến trình của SARS. Như một bài báo đã viết, “Bằng cách cắt đứt sự lây truyền từ người sang người, SARS đã được xóa sổ một cách hiệu quả”.

Câu hỏi đặt ra là, chúng ta có thể xóa sổ COVID-19 theo cách này không? Trả lời câu hỏi này, các tác giả viết:

“Covid-19 khác với SARS về thời gian nhiễm, khả năng truyền bệnh, mức độ nặng trên lâm sàng và phạm vi lan rộng trong cộng đồng. Ngay cả khi các biện pháp y tế công cộng truyền thống không thể ngăn chặn hoàn toàn sự bùng phát của Covid-19, chúng vẫn có hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ mắc cao nhất và tử vong toàn cầu”.

Dịch hạch

Sẽ không đầy đủ khi điểm danh các đại dịch nếu không nhắc đến Cái chết đen.

Đạt đỉnh điểm ở châu Âu trong khoảng thời gian từ 1347 đến 1351, Cái chết đen, hay dịch hạch, đã giết chết khoảng 75 - 200 triệu người. Trên thực tế, nó có thể đã giết chết một nửa dân số châu Âu.

Đại dịch này gây ra bởi một vi khuẩn, được gọi là Yersinia pestis, chứ không phải là virus. Các nhà dịch tễ học tin rằng Cái chết đen cũng bắt nguồn từ châu Á.

Giống như Covid-19, dịch hạch lây truyền qua các giọt hô hấp. Tuy nhiên, cuộc diễu hành của Cái chết đen trên khắp hành tinh diễn ra qua loài gặm nhấm hơn là sự di chuyển của con người.

Loài gặm nhấm mang bọ chét nhiễm vi khuẩn đã lan truyền bệnh. Y. pestis làm tắc một phần ruột của bọ chét. Khi bọ chét đốt người, chúng cố gắng làm thông phần ruột tắc bằng cách “ợ lên” bữa ăn. Nỗ lực này giải phóng Y. pestis vào vùng lân cận vết thương do bọ chét đốt.

Mặc dù đã hiếm gặp hơn nhiều, bệnh dịch hạch vẫn tồn tại, đặc biệt là ở các khu vực thu nhập thấp. Phần lớn các ca bệnh hiện đang xảy ra ở Châu Phi. Nhờ những cải thiện về y học và vệ sinh, căn bệnh này chưa từng đạt đến tỷ lệ đại dịch kể từ sau Cái chết đen.

Nếu không điều trị, tỷ lệ tử vong trường hợp có thể là 30 - 100%. Ở Mỹ, tỷ lệ tử vong của bệnh dịch hạch trước khi có kháng sinh là 66%. Đến năm 1990 - 2010, y học hiện đại đã giảm con số này xuống còn 11%.

Đại dịch Cái chết đen cuối cùng đã suy yếu, và điều này có vẻ là nhờ một vài lý do. Người bắt đầu tự cách ly, và họ dừng việc đi lại tự do vì sợ mắc bệnh.

Người dân cũng bắt đầu cầm những chiếc khăn tay thơm ngát trên miệng khi ở nơi công cộng, và điều này có thể đã làm giảm nguy cơ nhiễm trùng và lây truyền.

Những bài học rút ra

Mặc dù có sự khác biệt đáng kể giữa các đại dịch ở trên và Covid-19, nhưng có thể rút ra một số điểm quan trọng.

Giám sát là rất quan trọng - chúng ta cần biết người nào đang bị và người nào đã bị bệnh. Đúng vậy, xét nghiệm là chìa khóa để chúng ta hiểu về Covid-19 và cách làm chậm tiến độ của nó.

Chúng ta cũng đã học được rằng các biện pháp giãn cách vật lý và kiểm dịch là có hiệu quả.

Nơi đại dịch xảy ra, cả về mặt địa lý và lịch sử, cũng tạo nên sự khác biệt. Liệu Cái chết đen có tàn khốc đến thế nếu người dân thời đó có thể tiếp cận với các phương pháp điều trị y tế hiện đại, hiểu biết về cách thức lây lan của vi trùng và cải thiện dinh dưỡng? Chắc là không.

Điều này có thể mang lại một chút an ủi, nhưng nó có thể giúp một số người trong chúng ta, về mặt tâm lý, nhớ rằng chúng ta không phải là những người duy nhất trải qua những thử thách và đau khổ như vậy - và chúng ta sẽ không phải là những người cuối cùng.

Điều quan trọng cần nhớ là đại dịch sẽ chấm dứt, và khoa học và y học hiện đại có thể là lực lượng đáng kinh ngạc. Chúng ta không sống trong thời đại đen tối; ngày hôm nay chúng ta được vũ trang tốt hơn bao giờ hết.

Cẩm Tú

Theo MNT