Covid-19: Bệnh nhân có thể mang virus sau khi đã hết các triệu chứng

(Dân trí) - Bệnh nhân Covid-19 đã hết triệu chứng có thể mang virus trong người tới 8 ngày, kết quả một nghiên cứu nhỏ khiến các nhà khoa học hàng đầu lo ngại rằng những người này có thể tiếp tục gieo rắc virus.

Covid-19: Bệnh nhân có thể mang virus sau khi đã hết các triệu chứng - 1

Các y tá mang trang bị bảo hộ tại Bệnh viện Covid-19 mới vào ngày 29 tháng 3 năm 2020 ở Verduno, tây bắc Italy.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu 16 bệnh nhân COVID-19 từ Trung Quốc có các triệu chứng nhẹ. Họ đã được xuất viện từ Trung tâm điều trị của Bệnh viện đa khoa PLA ở Bắc Kinh trong khoảng thời gian từ 28 tháng 1 đến 9 tháng 2 và có kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona mới ít nhất hai lần. Một nửa số bệnh nhân này có virus trong hệ thống sau khi đã hết các triệu chứng. Phát hiện được công bố trên tờ American Journal of Respiratory and Critical Care Medicine.

Các tình nguyện viên - 11 người trong số đó là nam giới - bao gồm 10 người đã đến Vũ Hán sau khi dịch bệnh bắt đầu ở đây. 3 người đã tiếp xúc với một bệnh nhân bị nhiễm bệnh. Hai người khác đã gặp gỡ người dân ở Vũ Hán. 1 người không rõ đã bị lây bệnh như thế nào. Độ tuổi của các bệnh nhân trong nghiên cứu là từ 3 - 68 tuổi, trung bình là 35 tuổi.

Tổng số có 14 người bị sốt, 11 người bị ho, 11 người bị đau họng (phần họng phía sau khoang mũi và miệng) và 2 người bị khó thở.

Các bệnh nhân đã được xét nghiệm phát hiện virus khi đến bệnh viện và cách ngày một lần cho đến khi kết quả trở lại âm tính. Sau đó, bệnh nhân được yêu cầu cách ly tại nhà trong hai tuần và khám lại tại bệnh viện để để làm xét nghiệm một lần nữa. Trung bình, các bệnh nhân có thời gian ủ bệnh 5 ngày và biểu hiện các triệu chứng trong khoảng 8 ngày.

8 trong số các bệnh nhân có xét nghiệm dương tính sau khi họ không còn biểu hiện bệnh, trung bình 2,5 ngày và từ 1-8 ngày. Các nhà nghiên cứu cho biết mang virus là một dấu hiệu về khả năng lây truyền.

Lokesh Sharma, giảng viên y khoa thuộc Khoa Phổi, Chăm sóc nguy kịch và Giấc ngủ tại Trường Y Yale, giải thích: "Phát hiện quan trọng nhất từ ​​nghiên cứu của chúng tôi là một nửa số bệnh nhân tiếp tục gieo rắc virus ngay cả sau khi đã hết triệu chứng. Trung bình, các bệnh nhân có xét nghiệm dương tính với virus hai ngày sau khi các triệu chứng của họ được giải quyết, với biên độ thời gian từ 1 - 8 ngày.

"Nhiễm trùng nặng hơn có thể có thời gian lây truyền lâu hơn."

Kể từ khi đại dịch bắt đầu ở Vũ Hán vào cuối năm ngoái, hơn nửa triệu người đã xét nghiệm dương tính với Covid-19. Theo Đại học Johns Hopkins, hơn 724.000 trường hợp đã được xác nhận, hơn 34.000 người đã chết và 152.300 đã hồi phục.

Các tác giả của nghiên cứu tin rằng virus rất dễ lây lan như vậy vì khả năng lây từ những bệnh nhân không có triệu chứng. Họ trích dẫn báo cáo từ các bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục lây nhiễm cho những người tiếp xúc gần.

"Điều này đã thôi thúc chúng tôi nghiên cứu về “cửa sổ lây truyền” sau khi bệnh nhân hồi phục lâm sàng", các nhà nghiên cứu viết.

"Điều quan trọng cần lưu ý là tất cả các bệnh nhân của chúng tôi đều bị nhiễm trùng nhẹ hơn và đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu có sự đào thải virus muộn ở những đối tượng dễ bị tổn thương hơn như những người già hoặc người bị suy giảm miễn dịch hay đang điều trị ức chế miễn dịch. "

Lixin Xie, đồng tác giả nghiên cứu, từ Bệnh viện Đa khoa PLA Trung Quốc, đề nghị mọi người nên suy nghĩ về việc tự cách ly lâu hơn: "Nếu bạn có các triệu chứng hô hấp nhẹ từ Covid-19 và đang cách ly ở nhà để không lây nhiễm cho người khác, hãy kéo dài thời gian cách ly thêm hai tuần sau khi hồi phục để đảm bảo rằng bạn không lây nhiễm cho người khác”.

Ông cũng cho rằng cần nghiên cứu hơn thêm để tìm hiểu xem liệu những người có kết quả dương tính với virus corona mới có thể lây truyền bệnh trong giai đoạn muộn hơn của nhiễm Covid-19 hay không.

Cẩm Tú

Theo Newsweek