Công điện khẩn tăng cường phòng chống bệnh sởi

Hiện, 59/63 tỉnh thành phố có bệnh nhân mắc sởi với trên 5.000 ca. Trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi, Bộ Y tế đã có công điện khẩn gửi các tỉnh để tăng cường phòng chống bệnh sởi và tiêm vét vắc xin phòng sởi.

 

Công điện khẩn tăng cường phòng chống bệnh sởi

 

Ghi nhận cho thấy hầu hết các bệnh nhân mắc sởi là trẻ chưa được tiêm phòng vắc-xin sởi hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi theo qui định. Đặc biệt, trẻ dưới 8 tháng tuổi mắc sởi chiếm số lượng lớn. Tại khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Nhi Trung ương trong tháng 3 đã ghi nhận trên 350 ca mắc và hầu hết các bệnh nhi đều bị biến chứng sau sởi.

 

Các bác sĩ cho biết 100% trẻ bị biến chứng viêm phổi, suy hô hấp rất nặng. Biến chứng sởi năm nay nhiều và nặng hơn mọi năm.

 

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra, dễ lây lan và có thể gây thành các vụ dịch lớn; bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mặc, viêm não dễ dẫn đến tử vong. Lứa tuổi mắc chủ yếu là trẻ nhỏ chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi hoặc tiêm chưa đủ số mũi theo qui định.

 

Để chủ động phòng chống bệnh sởi, các địa phương đã triển khai tích cực các biện pháp phòng chống dịch và thực hiện kế hoạch tiêm vaccine phòng chống dịch sởi và tiêm vét vắc xin sởi do Bộ Y tế ban hành.

 

1. Chủ động đưa toàn bộ trẻ trong độ tuổi tiêm chủng từ 9 - 24 tháng tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc-xin sởi đến các cơ sở tiêm chủng để được tiêm phòng vắc xin sởi.

 

2.  Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế sớm để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi.

 

3. Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên áp dụng các biện pháp dự phòng chung như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ, đảm bảo các biện pháp về dinh dưỡng và các biện pháp dự phòng khác theo khuyến cáo của cơ quan y tế.

 

Theo Kim Xuân

VTV