Cocain gây nghiện như thế nào?

(Dân trí) - Sau khi cho chuột tự nạp cocain tuỳ thích trong 5 ngày, các nhà khoa học đã phát hiện ra cách khủng khiếp mà cocain gây nghiện cho não bộ.

Cocain gây nghiện như thế nào? - 1

Các nhà nghiên cứu đã bỏ cocain (lên tới 40 liều) vào lồng với thời lượng 6 tiếng mỗi ngày để chuột “tự xử”. Sau 5 ngày liên tục như vậy, họ “cắt” không cho chuột tiếp xúc với cocain trong vòng 14 đến 60 ngày.

Tiến hành phân tích sự vận chuyển dopamine ở não chuột, các nhà khoa học nhận thấy quá trình này đã trở lại bình thường, như thời điểm chưa từng dùng cocain.

Tiếp đó, họ lại cho chuột tiếp xúc với 1 liều cocain nữa. Ngay lập tức khả năng “chấp nhận” cocain ở não bộ được khôi phục hoàn toàn dù đã “vắng” thuốc đến 60 ngày.

Trong nhiều đợt thực nghiệm tiếp đó đều cho thấy 1 liều cocain duy nhất đã gây tái nghiện.

Những kết quả này đã chỉ ra “hiệu ứng mồi” diễn ra với sự “điều phối” của cocain, chất khiến não không bao giờ phục hồi thực sự. Nghiên cứu đã chứng minh cocain để lại “dấu ấn” sâu đậm trên hệ thống dopamin và chúng nhanh chóng kích hoạt trở lại khi tiếp xúc với chất gây nghiện này.

Điều này giải thích tại sao tình trạng tái nghiện ở 1 số người trưởng thành lại trở nên phổ biến và nghiêm trọng.

Trưởng nhóm nghiên cứu, TS Sara R. Jones cho biết: “Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học đều biết rằng cocain ảnh hưởng đến hệ thống dopamine và vận chuyển dopamine. Vì vậy chúng tôi đã thiết kế nghiên cứu để tìm hiểu xem cơ chế gây nghiện của cocain thông qua quá trình vận chuyển dopamine trong não bộ như thế nào.

“Thậm chí sau 60 ngày “cai thuốc”, tương đương với 4 năm ở người, những con chuột chỉ cần 1 liều cocain duy nhất là tái nghiện. Điều này thực sự khủng khiếp!”.

Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học của TT Y học Wake Forest Baptist và được đăng tải trên tạp chí Thần kinh học này đã giúp giới khoa học tiến thêm 1 bước trong hành trình tìm hiểu cơ chế gây nghiện của cocain.

Trần Phương

Theo Independent