Hà Nội:

“Cò” máu lộng hành

Theo quy định của ngành y tế thì máu được kiểm soát theo quy trình rất chặt chẽ. Tuy nhiên, trên thực tế thì tại khu vực quanh các bệnh viện (BV) trên địa bàn Hà Nội hiện nay, tình trạng “cò” bán máu lại khá rầm rộ.

Khu vực cổng một số BV là nơi tập trung các “cò” hoạt động.

Khu vực cổng một số BV là nơi tập trung các “cò” hoạt động.

 

Xâm nhập “chợ” bán máu

 

Theo khảo sát của PV tại một số khu vực như: Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, BV Bạch Mai, BV Phụ sản Trung ương,... mới thấy rõ hoạt động tấp nập của đội ngũ “cò” bán máu nơi đây.

 

Khi tới cổng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương (quận Cầu Giấy), nơi chuyên cung cấp máu cho các BV trên địa bàn TP.Hà Nội, chúng tôi ngay lập tức bị “bao vây” bởi các nhóm “cò” mua bán máu.

 

Một “cò” máu kiêm xe ôm tên là Th tỏ ra rất chuyên nghiệp chào mời: “Các bác cần nhóm máu gì, A, B, AB, hay O. Loại nào cũng có, nếu cần nhiều thì phải báo sớm để bọn em huy động người bán”.

 

Hỏi về giá từng loại máu, “cò” Th cho biết: Quy ra 1 đơn vị máu để bán (1 đơn vị máu được tính bằng 250ml), tùy nhu cầu của người mua. Cứ như vậy mà quy đổi ra đơn vị cho tiện bán. Một đơn vị máu O có giá 1.200.000đ, lấy nhiều hơn sẽ được giảm 100.000 đồng cho từng đơn vị máu. Nếu lấy thì phải đợi khoảng hơn 1 tiếng sẽ có máu”.

 

Theo “cò” Th, việc lấy máu rất phức tạp, nếu muốn mua được máu thì phải có đủ giấy tờ của BV, đó là thủ tục bắt buộc. Nhưng để đơn giản hóa, người mua máu cứ ‘đặt cọc” trước vài trăm ngàn đồng. Mọi thủ tục hướng dẫn “cò” sẽ lo từ A - Z...

 

Đến BV Bạch Mai, ngay từ cổng, với vai người đi mua máu cho người nhà đang cấp cứu vì thiếu máu, được ngay một “cò” liến thoắng nói: “Có ngay. Người nhà em cần loại máu gì, bao nhiêu đơn vị? Nếu mua 250ml nhóm máu AB có giá 3-4 triệu đồng, vì nhóm này thuộc loại hiếm. Đồng ý mua thì anh gọi người luôn”.

 

PV băn khoăn vì giá cao theo quy định của Nhà nước, thì anh “cò” này biện dẫn: “Giá mớ rau ngày trước có 500 - 1.000đ, bây giờ 4.000 - 5.000 đồng. Nếu bán với giá vài trăm nghìn như trước thì chả bõ để mua đồ ăn bồi bổ... Nếu em có nhu cầu, anh giúp làm ơn thôi. Vừa chạy xe ôm lại hay chở một số người đi bán máu, nên anh mới quen”.

 

Tiếp tục tới vài BV khác như BV Phụ sản Trung ương, BV Việt Đức, chúng tôi cũng không khó khăn khi tiếp cận đội ngũ “cò” máu. Theo các “cò”, thực tế việc mua bán máu đều phải xuống Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, vì ở đó mới là “siêu thị” máu và họ lấy máu, rồi mới có máu bán...

 

Vẫn có nguy cơ tiêu cực về máu (?)

 

Nói về tình trạng “cò” máu ở BV, anh Nguyễn Văn Anh (trú tại Văn Quán, quận Hà Đông, HN) cho biết, cách đây ít ngày, có đưa người nhà đến cấp cứu tại một BV ở Hà Nội. Do cần tiếp máu, nên người nhà anh được phía BV yêu cầu mua máu để truyền. Gia đình anh H đã mất tiền mua máu, nhưng lại nhận được thông báo của phía BV yêu cầu người nhà đến lấy máu để bù vào kho lưu máu cho chính... số máu đã mua (?!).

 

Được biết, việc đảm bảo nguồn máu có sẵn tại Viện Huyết học và Truyền máu trung ương hay tại các kho lưu máu tại các BV, nhằm phục vụ quá trình cấp cứu, điều trị là điều bắt buộc. Nhưng trên thực tế, vẫn có trường hợp cấp phát máu cho các cá nhân, các khâu trung gian và như vậy sẽ gây thiệt hại không đáng có cho người bệnh, hoặc tạo kẽ hở để một số cơ sở điều trị tư nhân có cơ hội kết hợp với “cò”, nhằm trục lợi...

 

Về vấn đề này, ThS Phạm Tuấn Dương, Phó Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương - cho biết: Thông thường, máu hay khan hiếm vào dịp cuối năm (tết) và dịp hè. Riêng hè năm nay, nguồn máu hiện đang rất dồi dào, do đó tiêu cực rất khó xảy ra. Nói như vậy không có nghĩa là hoàn toàn không có. Vì nếu khâu quản lý lỏng lẻo, không kiểm soát chặt thì nguy cơ tiêu cực vẫn xảy ra.

 

Từ giữa năm 2011, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã bỏ qua các khâu có nguy cơ gây tiêu cực (khâu trung gian - PV) bằng cách cung cấp máu trực tiếp từ nguồn (viện) đến các BV. Quy trình vận chuyển, cung cấp máu chặt chẽ từ chỗ nhận điện thoại, fax báo số lượng đơn vị máu cần của các BV, sau đó vào sổ theo dõi, lên mạng máy tính chọn, gom loại máu... đến việc cử người đi cùng với lái xe vận chuyển máu mang đến tận cơ sở.

 

ThS Dương cũng cho biết, hiện viện cũng chưa nhận được thông tin phản ánh về tiêu cực  máu xảy ra. Nếu có, viện sẽ kiểm tra, thắt chặt lại hệ thống quản lý và xử lý các trường hợp vi phạm.

 

“Tại các BV thì tình trạng cò mồi có rất nhiều, chúng tôi cũng đã ý thức được vấn đề này để rút kinh nghiệm, cũng như quản lý cho hiệu quả. Tuy nhiên, đó là ở phạm vi quản lý trong viện, còn phía ngoài chúng tôi lại không có quyền kiểm soát, xử lý, do đó rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền cơ sở, nhằm xử lý nghiêm vi phạm, đặc biệt là các đối tượng cò mồi”, ông Dương nhấn mạnh.

 

Theo Đạt Lê - Lâm Hoàng

Lao động