Có 4 dấu hiệu này đừng chủ quan hãy đi khám bệnh hen ngay

(Dân trí) - Ở giai đoạn đầu, bệnh hen có 4 triệu chứng chính gồm ho, khò khè, nặng ngực và khó thở.

Hen là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam, có xu hướng ngày càng gia tăng. Tỷ lệ mắc hen tại nước ta ước tính khoảng 4% dân số, tương đương với gần 3,7 triệu bệnh nhân. Tỷ lệ kiểm soát bệnh hen chỉ gần 40%, thấp hơn quy luật một nửa trên toàn thế giới trong việc kiểm soát bệnh tật nói chung.

Mỗi năm nước ta có khoảng 3.000 ca tử vong do hen. Trong khi đó có đến 85% trường hợp có thể phòng tránh được nếu bệnh phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Thực tế nhiều bệnh nhân hen phải vào viện cấp cứu vì các đợt cấp thay vì điều trị duy trì. Các thuốc cắt cơn rẻ tiền, tác dụng nhanh được bệnh nhân ưa chuộng hơn là các thuốc kiểm soát hen. Nhận thức về bệnh còn thấp, tuân thủ điều trị chưa cao.

Có 4 dấu hiệu này đừng chủ quan hãy đi khám bệnh hen ngay - 1
Người dân được khám, sàng lọc và phát hiện bệnh hen phế quản ngày 30/11 tại Bệnh viện Bạch Mai.

Chia sẻ bên lề buổi khám, tư vấn, phát thuốc miễn phí bệnh hen phế quản ngày 30/11, TS.BS Phạm Huy Thông, Phó giám đốc Trung tâm Dị ứng Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết hiện chưa điều trị khỏi hẳn bệnh hen, nhưng có thể kiểm soát hen nghĩa là dùng thuốc hằng ngày, liều thấp, tác dụng tại chỗ, ít tác dụng phụ.

“Không điều trị bệnh nhân hen có thể xuất hiện các cơn cấp, quá nặng sẽ tử vong. Nếu không có cơn cấp dẫn đến tử vong thì chức năng phổi dần dần sẽ mất đi, đến một giai đoạn nào đó bệnh nhân sẽ mất chức năng phổi không thể hồi phục”, TS Thông chia sẻ.

Khi bệnh hen được điều trị kiểm soát tốt, bệnh nhân có thể học tập, làm việc, chơi thể thao bình thường, tránh được hầu hết các cơn hen kịch phát, duy trì được chức năng phổi bình thường. Khi bệnh nhân có cơn khó thở, cấp cứu kịp thời có thể cứu được nhưng cũng có những trường hợp nặng có thể tử vong.

Theo TS Thông, trẻ từ 3 tuổi trở lên có thể mắc hen, tuy nhiên nhóm bệnh này 90% đến giai đoạn vị thành niên sẽ khỏi bệnh hoàn toàn, không phải dùng thuốc nhưng một tỷ lệ khá lớn trong số này khi đến tuổi cao thì bệnh quay trở lại. Cũng có một tỷ lệ nhỏ bị bệnh hen từ nhỏ đến hết cuộc đời vì không được chẩn đoán, điều trị.

Có 4 dấu hiệu này đừng chủ quan hãy đi khám bệnh hen ngay - 2
TS.BS Phạm Huy Thông, Phó giám đốc Trung tâm Dị ứng Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai.

Để tránh cơn hen, người bệnh cần tránh các yếu tố nguy cơ gây hen như phấn hoa, lông súc vật nuôi, ảnh hưởng của thời tiết, nhiệt độ nóng-lạnh, ảnh hưởng của gắng sức… Đồng thời đi khám để có thuốc điều trị hen, tuân thủ phác đồ điều trị. Bệnh nhân hen cần đi khám ít nhất 4 lần trong năm, đi khám cả khi bệnh nhân cảm thấy không có vấn đề gì về đường thở.

Nguyên nhân gây bệnh hen hiện chưa thực sự hiểu rõ. Nhiều chuyên gia cho rằng tác nhân gây bệnh có sự phối hợp giữa yếu tố môi trường và các yếu tố di truyền. 

“Ở đây là di truyền cơ địa dị ứng. Bố mẹ mắc cơ địa dị ứng di truyền lại cho con, nhưng con có cơ địa dị ứng không phải tất cả đều mắc hen, có người bị hen, có người bị bệnh dị ứng khác”, TS Thông cho biết.

Phác đồ điều trị hen năm nay có điểm mới là những bệnh nhân bậc 1 đã cho dùng corticoid, trước chỉ cân nhắc. Nếu thấy có 4 dấu hiệu ho, khò khè, nặng ngực, khó thở, người bệnh nên nghĩ đến bệnh hen và đi khám   ngay để được điều trị kịp thời. 

Việc chẩn đoán hen ở trẻ, đặc biệt với trẻ dưới 5 tuổi rất khó. Lý do là việc xác định bệnh chủ yếu dựa vào lâm sàng, kỹ năng thăm khám của bác sĩ. Một xét nghiệm cực kỳ quan trọng là đo chức năng hô hấp thì ở trẻ nhỏ lại không làm được.

Bên cạnh đó, cần phân biệt một số bệnh khác cũng gây khò khè là: viêm tiểu phế quản, hóc dị vật, lao, tim bẩm sinh, bệnh bẩm sinh ở đường hô hấp... Đặc biệt, gần đây phải kể đến hội chứng trào ngược, một bệnh tiêu hóa biểu hiện nôn, trớ nhưng có triệu chứng giống hen, nên rất dễ chẩn đoán nhầm.

Một loạt các bệnh đường hô hấp trên như: viêm mũi, viêm dị ứng cũng phát ra tiếng thở gần giống như tiếng thở khò khè, cũng khó thở về đêm khiến bác sĩ dễ nhầm. 

Nam Phương