Chuyện về cụ ông khoẻ mạnh sau gần 20 năm được can thiệp tim mạch

(Dân trí) - Trước khi được can thiệp tim mạch cách đây gần 20 năm, bác Trần Tuấn Hải đi không nổi 50m, nói không ra hơi, luôn đau tức ngực. Vậy mà nay, ở tuổi 87 tuổi, phong thái của bác vẫn khá nhanh nhẹn, giọng nói đầy hào sảng.

16 năm kể từ sau ca mổ định mệnh tháng 7/1999 ấy, bác Trần Tuấn Hải (ở Hải Phòng) vẫn đều đặn 3 tháng 1 lần xuống gặp PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn để được khám, kiểm tra sức khoẻ.

Không nhớ nổi đã bao lần xuống Hà Nội gặp bác sĩ Tuấn nhưng bác nhớ rất rõ hơn 1 năm trước ca mổ đặt 2 stent động mạch vành đó, bác đã sống những ngày tháng thất vọng tột cùng. Chứng bệnh không xác định khiến bác tức ngực, khó thở, cứ đi 50m là phải ngồi nghỉ được khẳng định là không còn cách nào cứu vãn.

Vậy nên, khi nhập viện Tim mạch Quốc gia được 1 ngày, dù không hiểu thế nào là đặt stent động mạch vành, dù nó quá mới nhưng bác vẫn quyết tâm phẫu thuật.

Và niềm tin vào chuyên môn, tay nghề của các bác sĩ đã giúp cuộc sống của bác thực sự sang 1 trang mới.

May mắn hơn nữa, khi trước ngày xuất viện, bác Hải được biết, chính người bác sĩ rất trẻ (khi đó mới khoảng 30 tuổi) - PGS. TS Nguyễn Quang Tuấn - là trưởng kíp mổ.

“Tôi lập tức đề nghị BS Tuấn coi tôi như bệnh nhân ngoại trú để được chính bác sĩ khám trong những đợt sau này. BS Tuấn cũng vui vẻ đồng ý ngay với lời đề nghị của tôi và suốt 16 năm qua, tôi đều đặn gặp BS Tuấn mỗi 3 tháng”, bác Hải hồ hởi nói.

Bác Hải cũng bật mí, bí quyết giúp bác khoẻ mạnh, mọi chỉ số xét nghiệm định kỳ đều dưới ngưỡng cho phép là nhờ tuân thủ hướng dẫn dùng thuốc và đặc biệt là thực hiện lối sống theo 2 cuốn cuốn sách “Thay đổi lối sống” và “Tự sự của trái tim” do chính BS Tuấn viết.

Nhớ lại ca phẫu thuật cho bác Trần Tuấn Hải, PGS. Nguyễn Quang Tuấn cho biết: Đó là 1 tổn thương phức tạp, khó bởi phương tiện, dụng cụ phẫu thuật thô sơ quá nhưng nếu không can thiệp chắc chắn bệnh nhân tử vong.

“Tuy nhiên, nếu bệnh nhân không hợp tác, không khám định kỳ, dùng thuốc đúng chỉ dẫn, không thay đổi lối sống thì không bác sĩ nào cứu được”, PGS. Tuấn nhấn mạnh.

BS Tuấn cũng cho biết trường hợp đặt 2 stent như của bác Hải lúc đó là cực hiếm, khác hẳn với hiện nay, đã có ca đặt tới 7 stent 1 lúc.


PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn - Trưởng kíp mổ đặt stent cho 1 trong những bệnh nhân đầu tiên được can thiệp tim mạch tại Việt nam - bác Trần Tuấn Hải

PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn - Trưởng kíp mổ đặt stent cho 1 trong những bệnh nhân đầu tiên được can thiệp tim mạch tại Việt nam - bác Trần Tuấn Hải

Mua máy Can thiệp tim mạch - Một ý tưởng điên rồ thời đó

Chia sẻ niềm vui được đồng hành cùng bệnh nhân Trần Tuấn Hải trong suốt 16 năm qua, PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn không khỏi trầm ngâm khi nhớ lại thời điểm cách đây 20 năm, khi khoa Can thiệp tim mạch, thuộc Viện Tim mạch Quốc gia, được hình thành trong 1 căn phòng đơn sơ, thiếu thốn đủ bề và chỉ có khoảng 5 cán bộ.

Và những trường hợp như bệnh nhân Tuấn Hải thực sự rất ít (một năm chỉ có khoảng 8 ca trong khi hiện nay, cao điểm có thể lên tới 43 ca/ngày), thời gian thực hiện 1 ca phẫu thuật có thể kéo dài tới 3-4 tiếng (trong khi hiện nay chỉ mất 30ph/ca);

Bởi can thiệp tim mạch không chỉ thiếu thốn trang thiết bị mà còn bởi không nhận được sự ủng hộ của đồng nghiệp, người bệnh.

Nhiều người cho rằng việc mua một chiếc máy dùng cho can thiệp tim mạch trị giá 1,7 triệu đô la Mỹ là điên rồ khi bối cảnh lúc đó chủ yếu là các bệnh lây nhiễm.

“Thời bấy giờ, đó là những số tiền vô cùng, vô cùng lớn”, BS Tuấn nói.

Và mọi áp lực đó đều đổ dồn lên người thầy đáng kính của PGS. Tuấn - GS. Phạm Gia Khải.

Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng GS Khải và các học trò đã quyết tâm phát triển ngành can thiệp tim mạch. Từ việc tập trung học tập đến việc không nề hà cả việc xin các dụng cụ can thiệp tim mạch của nước ngoài về dùng. Và với sự ủng hộ của cố GS. Phạm Song, nguyên Bộ trưởng Y tế thời đó, ca can thiệp tim mạch đầu tiên đã được thực hiện tại bệnh viện 108 (do trang thiết bị tại khoa chưa đủ điều kiện để thực hiện phẫu thuật can thiệp tim mạch).

“Nhưng ngay cả khi đã có máy thì một vấn đề khác là bệnh nhân. Bởi viện phí cho 1 ca can thiệp tim mạch quá lớn (khoảng 2.000 đô la Mỹ) trong khi kết quả lại chưa được kiểm chứng. Đồng nghiệp không hiểu, không muốn gửi bệnh nhân cho mình bởi họ cho rằng biện pháp này không có giá trị gì, lại tốn kém”, BS Tuấn nhớ lại.

Nhưng rồi, chính GS. Phạm Song đã được hưởng lợi từ ý tưởng điên rồ này. Thầy sống được thêm 14-15 năm nữa kể từ sau ca can thiệp tim mạch kịp thời. Không ai biết rằng GS Phạm Song đã vào viện trong tình trạng nằm cáng nhưng chỉ 2 ngày sau thầy đã phát biểu trên truyền hình.

Và cũng từ ý tưởng điên rồ đó, trên cả nước hiện đã có tới hơn 50 trung tâm can thiệp tim mạch, thực hiện hàng trăm ca can thiệp tim mạch mỗi ngày với trình độ tay nghề được đánh giá ngang tầm thế giới.

“Kỹ thuật rất mau già, nếu không chuyển giao thì sẽ chết”

Đây là câu nói của GS Phạm Gia Khải mà PGS. Nguyễn Quang Tuấn rất tâm đắc và biến thành hành động mỗi ngày qua đề án chuyển giao kỹ thuật, tay nghề can thiệp tim mạch cho đồng nghiệp ở Nghệ An, Quảng Bình, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hải Dương và đặc biệt cuối năm tới sẽ là Cao Bằng, nơi cách HN gần 300km, qua 5 lần đèo, 1 khoảng cách mà không một bệnh nhân tim nào có thể sống được nếu chuyển về Hà Nội.

Khi được hỏi, việc chuyển giao hết mình, giúp đồng nghiệp tuyến tỉnh tự thực hiện được các ca can thiệp tim mạch có phải là Bệnh viện Tim Hà Nội đang tự làm khó mình?, GS Nguyễn Quang Tuấn đã chia sẻ rất thẳng thẳng: “Khi chuyển giao hết kỹ thuật cho đồng nghiệp cũng có nghĩa là chúng tôi sẽ buộc phải làm những ca khó nhất. Và như thế, chúng tôi sẽ phải học hỏi và vì thế sẽ luôn đứng đầu”.

Trần Phương