Chuyên gia tư vấn cách điều trị cận thị hiệu quả

(Dân trí) - Trong hơn 2 tiếng tư vấn, BS Nguyễn Đăng Dũng - Giám đốc Bệnh viện; ThS. BS Đặng Thị Như Quỳnh - Trưởng khoa Phẫu thuật, bệnh viện Mắt Quốc tế DND đã giải đáp được trọn vẹn 51 câu hỏi trong tổng số hơn 500 câu hỏi về các phương pháp điều trị và phòng bệnh nào hiệu quả nhất cho các tật cận, viễn và loạn thị.

Kính mời bạn đọc theo dõi cuộc Tư vấn trực tuyến TẠI ĐÂY


Tổng biên tập Phạm Huy Hoàn (đứng giữa) tặng hoa các khách mời

Tổng biên tập Phạm Huy Hoàn (đứng giữa) tặng hoa các khách mời

Tật khúc xạ (gồm cận thị, viễn thị, loạn thị) đang có xu hướng gia tăng trong giới trẻ, đặc biệt là sinh viên và nhân viên văn phòng. Trong số đó, bệnh cận thị chiếm tỉ lệ cao nhất.

“Thủ phạm đáng gờm” gây tật khúc xạ

Mắt có tật khúc xạ là mắt có hệ thống quang học khuất triết không đúng, khiến các tia sáng không hội tụ trên võng mạc mà lại hội tụ ở trước hoặc sau võng mạc làm hình ảnh của vật mà ta nhìn thấy bị mờ đi.

Nguyên nhân của tật khúc xạ có thể do bẩm sinh, di truyền (chiếm 60% các trường hợp). Số còn lại là do tác động của môi trường như thời gian và mức độ sử dụng mắt (làm việc bằng mắt quá nhiều ≥8 tiếng/ngày và quá lâu liên tục ≥2 tiếng), cường độ ánh sáng quá tối và nhìn vật quá gần, sau phẫu thuật mắt hoặc chấn thương mắt…

Do đặc điểm cuộc sống hiện đại nên hiện nay việc sử dụng mắt của đa số bạn trẻ bị mất cân bằng. Làm việc liên tục với máy tính, chơi game, mạng xã hội, xem phim, sử dụng thiết bị di động để giải trí … thời lượng nhìn gần dưới ánh sáng nhân tạo chiếm đa số, khiến mắt phải điều tiết nhiều, liên tục, dễ mệt mỏi.

Trong khi đó, các hoạt động thể thao, vui chơi ngoài trời với tầm nhìn xa giúp mắt thư giãn lại chỉ ở mức tối thiểu. Đây là các yếu tố nguy cơ cao dẫn đến gia tăng tỷ lệ cận thị ở học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng hiện nay.

Những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe

Tật khúc xạ khiến bệnh nhân nhìn mờ, mỏi mắt và ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Khi bị tật khúc xạ, để có thị lực rõ ràng, người bệnh phải đeo kính gọng, hoặc kính tiếp xúc. Tuy nhiên, khi dùng không đúng cách như đeo sai cách, các thông số không phù hợp, không đi tái khám đều hoặc vệ sinh kính, chăm sóc mắt không đúng cách… sẽ lại làm mắt tổn thương nhiều hơn.

Ngoài ra, tật khúc xạ còn ảnh hưởng không nhỏ đến việc lựa chọn ngành nghề của nhiều bạn trẻ như tiếp viên hàng không, công an, sĩ quan, quân đội, vận động viên thể dục thể thao là những ngành nghề, trường học đòi hỏi thị lực tối đa khi sơ tuyển.

Có thể phòng và điều trị tật khúc xạ?

Tật khúc xạ nếu không được theo dõi và điều trị đúng cách sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Đối với trẻ em có thể gây ra lác, nhược thị, đối với người lớn có độ cận cao, không được theo dõi, điều trị dự phòng có thể gây ra thoái hóa võng mạc, bong võng mạc có thể gây mù hoàn toàn.


Bác sĩ Nguyễn Đăng Dũng – Giám đốc Bệnh viện Mắt quốc tế D

Bác sĩ Nguyễn Đăng Dũng – Giám đốc Bệnh viện Mắt quốc tế D


ThS – bác sĩ Đặng Thị Như Quỳnh – Trưởng khoa Phẫu thuật

ThS – bác sĩ Đặng Thị Như Quỳnh – Trưởng khoa Phẫu thuật

Vậy làm thế nào để phòng bệnh và phát hiện tật khúc xạ sớm? Việc phát hiện sớm có ý nghĩa như thế nào trong điều trị? Tật khúc xạ có thể điều trị khỏi? Có những cách nào điều trị tật khúc xạ?... cùng rất nhiều câu hỏi cụ thể cho từng trường hợp bị mắc tật khúc xạ sẽ được Bác sĩ Nguyễn Đăng Dũng – Giám đốc Bệnh viện; ThS. BS Đặng Thị Như Quỳnh – Trưởng khoa Phẫu thuật, trả lời trong cuộc Tư vấn trực tuyến “Cận - loạn - viễn thị - Hướng điều trị hiệu quả” do Báo điện tử Dân Trí phối hợp với Bệnh viện Mắt Quốc tế DND tổ chức vào 9h00 ngày 26/7/2016.

Ngay từ bây giờ, bạn đọc có thể đặt câu hỏi TẠI ĐÂY.

Chuyên mục Sức khoẻ