Chuyên gia quốc tế: Việt Nam nên tăng thuế thuốc lá

(Dân trí) - Giới chuyên gia cho rằng thuế thuốc lá tại Việt Nam đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực, và việc tăng thuế áp lên mặt hàng thuốc lá sẽ mang lại nhiều lợi ích cho chính người dân.

Chuyên gia quốc tế: Việt Nam nên tăng thuế thuốc lá - 1

Ông Gan Quan, giám đốc Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá thuộc Liên minh quốc tế Phòng, chống lao và bệnh phổi (The Union) (Ảnh: Đức Hoàng)

“Thuế áp lên mặt hàng thuốc lá của Việt Nam đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực và khuyến nghị của các tổ chức quốc tế”, chuyên gia Gan Quan, giám đốc Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá thuộc Liên minh quốc tế Phòng, chống lao và bệnh phổi (The Union), chia sẻ với phóng viên Dân Trí.

Ông Quan đưa ra nhận định trên bên lề hội nghị thượng đỉnh Liên minh các thành phố châu Á - Thái Bình Dương về kiểm soát thuốc lá và phòng chống các bệnh không truyền nhiễm lần thứ 4 (AP-CAT) diễn ra tại thành phố Bogor, Indonesia từ ngày 25-26/9 với sự tham gia của 100 lãnh đạo từ 40 thành phố ở 12 quốc gia châu Á- Thái Bình Dương cùng các chuyên gia.

Chuyên gia Quan cũng đã đưa ra nhiều khuyến nghị cho Việt Nam nhiều phương án nhằm tăng cường hiệu quả trong nỗ lực kiểm soát thuốc lá, trong đó có đề xuất tăng thuế lên mặt hàng thuốc lá càng sớm càng tốt.

Theo ông Quan, có khoảng 8 triệu người chết hàng năm vì thuốc lá bao gồm cả người hút thuốc chủ động và bị động. Thuốc lá có hơn 7.000 hóa chất, trong đó khoảng 400 chất gây nguy hiểm cho con người.

Bà Paula I Fujiwara, giám đốc khoa học của The Union cho biết: “Trên 70% số ca tử vong trên toàn cầu là do bệnh không truyền nhiễm như bệnh tim mạch, ung thư, hô hấp mãn tính. Mỗi năm, 15 triệu người tuổi từ 30-69 chết vì bệnh không truyền nhiễm, trong đó 86% những ca tử vong sớm là ở các nước thu nhập thấp và trung bình”.

Ông Quan nhấn mạnh rằng thuốc lá chính là yếu tố gây rủi ro lớn hàng đầu gây ra bệnh không truyền nhiễm và đã trực tiếp và gián tiếp gây hại nghiêm trọng tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhiều người.

Nỗ lực kiểm soát thuốc lá ở Việt Nam

Chuyên gia quốc tế: Việt Nam nên tăng thuế thuốc lá - 2

Bà Nguyễn Thị Thu Dung (áo dài xanh, bên trái), Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Thư ký Hội Y tế Công cộng Thái Bình cùng với đại diện các quốc gia trong khu vực cùng chia sẻ kinh nghiệm và ý tưởng về hoạt động kiểm soát thuốc lá tại địa phương (Ảnh: AP-CAT)

Theo ông Quan, một trong những thành tựu lớn nhất của Việt Nam trong lĩnh vực kiểm soát thuốc lá là việc lập ra Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (VNTCF). Chuyên gia của The Union cho rằng khác với nhiều quốc gia thu nhập thấp/trung bình thấp khác phải phụ thuộc vào ngân sách nước ngoài, Việt Nam đang chủ động trong việc cung cấp nguồn tiền cho các tỉnh, thành phố nhằm chủ động trong nỗ lực kiểm soát thuốc lá.

Ông Quan cho rằng Việt Nam là một trong số ít các nước thu nhập thấp/trung bình thấp làm được điều này. “Tôi nghĩ điều này rất tuyệt vời”, chuyên gia nhấn mạnh, cho rằng đây là một hướng đi hướng tới sự bền vững trong nỗ lực kiểm soát thuốc lá.

Tại hội nghị, đại diện của các thành phố Bạc Liêu, Đồng Tháp, Thái Bình của Việt Nam cũng đã trình bày về nỗ lực của địa phương trong việc vận động, tuyên truyền, kiểm soát thuốc lá tại bệnh viện, trường học, cơ quan nhà nước và khu vực công cộng. Đây là những động thái cụ thể nhằm giúp thay đổi nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá tới cuộc sống, cũng như thực thi các quy định về pháp luật về phòng chống thuốc lá.

Tuy nhiên, ông Quan cũng cho rằng về mặt chính sách, Việt Nam vẫn còn một số thiếu sót, trong đó có vấn đề về thuế. Theo chuyên gia này, tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ ở Việt Nam hiện tại đang ở mức 36,7%, thấp hơn nhiều nước trong khu vực như Indonesia (58,5%), Malaysia (58,6%), Singapore (67,1%), Philippines (71,3%)... Con số này cũng đang thấp hơn so với mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (75%). Ông Quan cũng dẫn một nghiên cứu nói rằng trong 10 năm qua (2008-2018), giá thuốc lá của Việt Nam có xu hướng rẻ hơn.

Hiện Bộ Tài chính Việt Nam đang đang xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá, trong đó có đề xuất về bổ sung thuế tuyệt đối với mặt hàng này. Ông Quan ủng hộ phương án này và hy vọng Việt Nam sớm tăng thuế áp lên thuốc lá nhằm làm tăng giá mặt hàng và giảm động lực mua thuốc lá từ người trẻ tuổi và người thu nhập thấp.

Chuyên gia quốc tế: Việt Nam nên tăng thuế thuốc lá - 3

Các lãnh đạo, chính trị gia từ các địa phương cùng phá bỏ mô hình thuốc lá, nêu cao quyết tâm trong công cuộc kiểm soát thuốc lá (Ảnh: AP-CAT)

Mặt khác, theo chuyên gia Pandu Harimurti từ Ngân hàng Thế giới, việc tăng thuế thuốc lá mang lại rất nhiều lợi ích cho một quốc gia khi nó sẽ làm giảm số người tử vong vì bệnh không truyền nhiễm, gia tăng ngân sách quốc gia và giảm chi phí chăm sóc sức khỏe cho chính phủ và người dân. Chính vì vậy, ông Harimurti cho rằng thuế thuốc lá tại các quốc gia nên ở mức càng cao càng tốt và nên tiếp tục phải được tăng.

Ngoài vấn đề về thuế, ông Quan cũng nhận định Việt Nam hiện đã có luật về phòng chống thuốc lá nhưng việc thực thi luật cũng như xử phạt vẫn chưa thực sự đạt được hiệu quả cao như kỳ vọng. Ông cho rằng Việt Nam cần quyết liệt hơn nữa trong việc bảo vệ những người không hút thuốc khỏi mối đe dọa từ khói thuốc bằng việc sửa đổi luật quy định về trách nhiệm và hình thức xử phạt cụ thể với các trường hợp vi phạm để luật pháp có thể được thực thi nghiêm ngặt.

Ông Quan nói thêm, bao bì sản phẩm thuốc lá hiện tại của Việt Nam đang hiển thị phần hình ảnh cảnh báo nhỏ so với kích thước tổng thể (chiếm dưới 50%) và thiếu các hình ảnh trực quan minh họa tác hại của thuốc lá để khiến sản phẩm trở nên ít hấp dẫn hơn với người mua.

Những kỳ vọng

Chuyên gia quốc tế: Việt Nam nên tăng thuế thuốc lá - 4

Cảnh sát thành phố Bogor, Indonesoa xử lý các trường hợp vi phạm quy định về cấm hút thuốc lá. Đây là một trong những ví dụ điển hình về một thành phố quyết liệt trong vấn đề kiểm soát thuốc lá trong khu vực (Ảnh: Đức Hoàng)

Theo ông Quan, để kiểm soát thuốc lá một cách hiệu quả, các quốc gia cần bảo vệ triệt để người không hút thuốc khỏi nguy cơ tiếp cận với khói thuốc, cấm các hoạt động quảng cáo, tài trợ, kích cầu với thuốc lá, tăng các thông điệp cảnh báo về sức khỏe trên bao bì sản phẩm, tuyên truyền tác hại của thuốc lá, tăng thuế. Ông Quan cũng nhấn mạnh các lãnh đạo địa phương đóng vai trò then chốt trong việc thi hành, hiện thực hóa các chính sách về sức khỏe.

Chuyên gia của The Union cũng đưa ra ví dụ về những thành tựu của Philippines, một quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Hiện tại, họ có mức thuế trên giá bán lẻ thuốc lá gần như tiệm cận với chuẩn khuyến cáo của WHO. Philippines cũng có biên bản ghi nhớ chung nhằm ngăn chặn các yếu tố bên ngoài tác động tới chính sách của chính phủ trong việc kiểm soát thuốc lá. 

Khi được hỏi về triển vọng của Việt Nam trong vấn đề kiểm soát thuốc lá, ông Quan tỏ ra lạc quan rằng Việt Nam có thể đạt được mục tiêu trong tương lai. Ông nhấn mạnh Việt Nam cần có quyết tâm chính trị cao kết hợp với thi hành nghiêm ngặt từ cấp nhà nước tới địa phương về luật pháp và các chế tài xử phạt để có thể thành công trong kiểm soát thuốc lá.

Tại hội nghị AP-CAT 2019, bà Nguyễn Thị Thu Dung, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Thư ký Hội Y tế Công cộng Thái Bình đã đại diện cho đoàn đại biểu Việt Nam cùng với các tỉnh, thành phố trong khu vực đọc tuyên bố chung 12 điểm của hội nghị thượng đỉnh, thể hiện sự kỳ vọng, quyết tâm vì một Châu Á-Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng không còn khói thuốc lá.

AP-CAT thành lập tháng 11/2016, là mạng lưới gồm các thị trưởng và lãnh đạo địa phương có chung tầm nhìn về việc tạo nên một môi trường không thuốc lá. Mục tiêu của AP-CAT là xây dựng một chương trình kiểm soát bệnh truyền nhiễm và thuốc lá thông qua các cam kết chính trị, các cơ hội hợp tác, tận dụng hiệu quả và bền vững các nguồn lực cũng như thực thi hệ thống y tế công cộng.

Đức Hoàng

Từ Bogor, Indonesia